| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới thiết thực, nâng cao đời sống người dân

Thứ Ba 21/02/2023 , 15:00 (GMT+7)

Việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Lào Cai góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Lãnh đạo huyện Bảo Thắng và Sở NN-PTNT Lào Cai tham gia, cổ vũ người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: L.H

Lãnh đạo huyện Bảo Thắng và Sở NN-PTNT Lào Cai tham gia, cổ vũ người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: L.H

Đột phá để nâng cao thu nhập cho người dân

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Bảo Thắng (Lào Cai), năm 2023, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được gắn với “Thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân để người dân chủ động, nhiệt tình, tích cực tham gia phong trào đoàn kết đồng sức, đồng lòng, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành mục tiêu với chủ đề năm 2023 là "Đoàn kết - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả"; 

Thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá bao gồm: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, phát triển sản xuất hàng hoá; Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

Trước hết là từ những việc làm nhỏ nhất như: Vệ sinh môi trường nông thôn, môi trường công sở, tạo ra môi trường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, giàu bản sắc của huyện Bảo Thắng với khẩu hiệu "Đường rộng, hè thoáng, văn minh, xóm, thôn không rác, nhà nhà chung tay”.

Ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết, về kinh tế, năm 2022, các chỉ tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đều đạt và vượt. Địa phương đã tổ chức triển khai, tuyên truyền rộng khắp đến các đơn vị, tổ chức và toàn thể nhân dân chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Kết quả huyện đã thu hút được nhà máy sản xuất, chế biến quế hữu cơ Bảo Thắng tại xã Phong Niên của Công ty Quế Hồi Việt Nam; Nhà máy may Bảo Thắng tại thị trấn Nông trường Phong Hải của Tập đoàn Hồ Gươm; cơ sở chế biến sơ, sợi chuối của hợp tác xã Sợi Chuối tại xã Bản Cầm, Bản Phiệt....

Huyện Bảo Thắng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới nâng cao; Thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng/người/năm; Giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 120 triệu đồng… Vì vậy, các xã thị trấn trong toàn huyện cũng thực hiện xây dựng các kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm để chung sức đồng lòng với huyện đạt mục tiêu đã đề ra.

Việc phát triển những vùng trồng chuyên canh giúp nâng cao thu nhập cho dân huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: H.Đ 

Việc phát triển những vùng trồng chuyên canh giúp nâng cao thu nhập cho dân huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: H.Đ 

Thiết thực, tạo động lực cho người dân

Ông Lưu Hoàng Điểu, Chủ tịch UBND xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) cho biết, qua phát động phong trào xây dựng nông thôn mới và việc đặt ra, thực hiện các mục tiêu đã tác động và có ý nghĩa lớn đối với quá trình địa phương xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân. Hiện xã phấn đấu năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao. 

Ông Đoàn Hồng Tiến, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng rau an toàn xã Gia Phú cho hay, với chủ trương, cách làm được triển khai xuyên suốt từ cấp huyện, xã tới người dân việc xây dựng nông thôn thiết thực hơn. Trong đó, dễ thấy là hiệu quả của chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau chuyên canh, người dân phấn khởi có thêm động lực để thực hiện.

Được biết, trong những năm qua, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới ở huyện Bảo Thắng được triển khai rộng khắp. Ngoài đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, các hoạt động khác cũng mang đậm dấu ấn như: Mở rộng đường giao thông nông thôn; đường điện; đường hoa; tổng vệ sinh môi trường được UBND huyện, UBND các xã, thị trấn phát động duy trì thường xuyên vào thứ Bảy, Chủ nhật tuần cuối cùng hằng tháng; Cắm biển “tuyến đường tự quản” giao cho các tổ chức hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... quản lý. 

Kết quả đến nay, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn được duy tu, bảo dưỡng; 100% các xã đã đầu tư trồng hoa tại trụ sở UBND xã, các nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế. Đặc biệt, huyện Bảo Thắng trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào mở rộng mặt đường đường giao thông nông thôn từ 3m lên 6m.

Trong 10 năm phấn đấu xây dựng nông thôn mới đến nay huyện Bảo Thắng đã có 11/11 xã hoàn thành nông thôn mới. Trong đó, 2 xã Sơn Hà và Xuân Quang đã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. 

Toàn huyện có 79/145 thôn kiểu mẫu, 12 thôn nông thôn mới. Huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.