Lớp học “làm người”
Chúng tôi đến thăm lớp học xóa mù chữ tại trại giam Gia Trung (huyện mang Yang, tỉnh Gia Lai) vào những ngày mưa bão. Giữa cái se lạnh, gần 40 phạm nhân đang miệt mài rèn luyện con chữ. Trên bục giảng, giáo viên Ngô Sỹ Thưởng, cán bộ tại trại giam Gia Trung yêu cầu cả lớp cùng đọc bài: “Việt Nam đất nước ta ơi, mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn...”. Những câu thơ trong bài thơ “Việt Nam quê hương ta” như thấm sâu trong lòng mỗi phạm nhân khi nghĩ về tình yêu quê hương đất nước mà trước đó họ chưa cảm nhận được.
Xúc động vì được học chữ, phạm nhân Nguyễn Văn Trụ (SN 1994, trú tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cho biết, ngoài đời em chưa được học chữ bao giờ. Từ ngày vào đây, được các thầy dạy dỗ, giờ em đã biết đọc, biết viết.
Trụ vào trại giam Gia Trung được 2 năm, trong đó học lớp xóa mù chữ được 6 tháng. “Lúc chưa biết chữ, nhiều người diễu cợt em thấy rất khó chịu. Khi biết chữ rồi thấy vui hơn rất nhiều. Giờ em biết đọc sách, báo nên càng tò mò muốn biết trong đó viết nội dung gì”, Trụ chia sẻ và cho biết, em cố gắng học để biết thêm nhiều kiến thức hơn nữa để sau này khi trở về cuộc sống bình thường sẽ đi xin việc làm lại cuộc đời.
Nhận án phạt 18 năm tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy, phạm nhân Nguyễn Duy Côi (Thanh hóa) đã 65 tuổi vẫn chưa biết chữ dù trước đây đã từng được học lớp 1. Từ khi phạm tội vào trại giam, được cán bộ động viên, phạm nhân Côi đã tham gia lớp xóa mù chữ.
Ông Côi tâm sự, học cho biết chữ để sau này khi hoàn lương về nhà đọc sách, báo cho đỡ buồn lúc tuổi già.
“Tôi rất cám ơn các cán bộ tại trại giam Gia Trung, thông qua lớp học xóa mù chữ đã giúp tôi trở thành con người tốt. Sau này ra xã hội tôi sẽ rút được kinh nghiệm về bài học xương máu mà mình đã trải qua”, ông Côi chia sẻ.
Nhiều năm qua, lớp học xóa mù chữ tại Trại giam Gia Trung đã giúp hàng ngàn phạm nhân biết chữ, làm các phép tính cơ bản… Đặc biệt hơn, lớp học đã phần nào hướng thiện cho những phạm nhân một thời lầm lỗi.
Thầy giáo Ngô Sỹ Thưởng cho biết, ý nghĩa của việc dạy học xóa mù chữ tại trại giam chính là giúp phạm nhân có kiến thức về văn hóa đề từ đó thay đổi về nhận thức, tư duy trong việc chấp hành những quy định của trại giam được tốt hơn. Đặc biệt, sau này khi mãn hạn tù, phạm nhân trở về với gia đình, xã hội sẽ có kiến thức để học nghề, tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống.
Cũng theo Đại úy Ngô Sỹ Thưởng, khó khăn của lớp học xóa mù chữ là những phạm nhân với nhiều độ tuổi, dân tộc, trình độ nhận thức khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi đã xây dựng nhiều kế hoạch giảng dạy khác nhau cho phù hợp với lớp học, độ tuổi của các học sinh.
Hướng thiện phạm nhân qua từng trang sách
Ngoài việc dạy chữ, trại giam Gia Trung còn phối hợp với thư viện tỉnh Gia Lai luân chuyển hàng ngàn đầu sách phục vụ cho các phạm nhân của 5 Phân trại đọc thư giãn sau những giờ lao động mệt mỏi.
Thư viện sách tại Phân trại số 3 (trại giam Gia Trung) với hơn 500 đầu sách luôn được các phạm nhân tìm đến đọc vào những lúc rảnh rỗi hoặc dịp cuối tuần. Ngồi trong góc khuất của thư viện, phạm nhân Lê Viết Hùng (31 tuổi, trú huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lăk) đang say mê đọc từng câu chữ về cuốn sách “Một thời lầm lỡ” do Bộ Công an phát hành. Có lẽ từ câu chuyện này, Hùng phần nào nhìn thấy hình ảnh mình trong đó nên thấy rất hối hận với những lỗi lầm mình gây ra.
Hùng chia sẻ, đọc sách giúp ích rất nhiều, không chỉ riêng bản thân em mà tất cả những phạm nhân đang cải tạo tại đây. Để minh chứng những điều bổ ích, Hùng dẫn chứng cuốn sách “Hồi sinh trong tuyệt vọng” nói về những phạm nhân từng lầm lỡ nhận án chung thân nhưng đã vượt qua mọi rào cản để làm lại cuộc đời. Đó là nguồn khích lệ lớn nhất cho những phạm nhân chịu bản án trung thân như mình.
Hùng cho biết, mình từng vi phạm rất nhiều nhưng nhờ đọc sách, em đã nhìn cuộc sống theo hướng tích cực hơn, quyết tâm xây dựng lại cuộc đời sau khi mãn hạn tù.
“Có những người ra tù đã 50-60 tuổi nhưng họ vẫn quyết tâm làm lại cuộc đời và gặt hái được thành công. Trong khi em còn trẻ, ra tù khoảng 40 tuổi vẫn còn đủ thời gian làm lại cuộc đời”, Hùng tâm sự và cho biết, em đang tích cực đọc thêm các sách trồng trọt, chăn nuôi để sau này có thể áp dụng vào cuộc sống.
Cũng từ niềm yêu thích đọc sách, Hùng được giao nhiệm vụ trông coi và quản lý việc mượn sách trong thư viện. Điều đáng nói, khi luân phiên sách mới, Hùng thấy những cuốn sách nào hay lại giới thiệu cho các phạm nhân khác cùng đọc và cảm nhận. Bằng cách đó, phong trào đọc sách của phạm nhân ngày càng được lan tỏa.
Cũng thường xuyên đến thư viện đọc sách, phạm nhân Võ Quang Tường (25 tuổi, trú tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết, đọc sách giúp em thoải mái rất nhiều, đặc biệt là tư tưởng hướng thiện làm lại cuộc đời. Theo Tường, qua từng trang sách, em học được rất nhiều về kiến thức cho đến cách ứng xử, giao tiếp.
Ông Đào Ngọc Sỹ, Phó giám thị trại giam Gia Trung cho biết, trong những năm qua đơn vị đã phối hợp với thư viện tỉnh Gia Lai để luân chuyển hàng ngàn đầu sách phục vụ cho phạm nhân đọc vào các ngày nghỉ. Qua đó giúp phạm nhân nâng cao kiến thức hiểu biết về pháp luật, kỹ năng sống, cũng như việc giải trí để phạm nhân yên tâm chấp hành án.
Trong thời gian qua, số phạm nhân đế với trại giam Gia Trung có những hiểu biết pháp luật còn hạn chế, vì vậy qua việc đọc sách sẽ giúp họ nghiên cứu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để chấp hành tốt những quy định của pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội.