| Hotline: 0983.970.780

Hủy hoại môi trường sống: Chết sạch rồi, 'những con kênh xanh xanh'

Thứ Tư 22/07/2015 , 16:05 (GMT+7)

Huyện Gia Lộc từ lâu nức tiếng là quán quân trồng rau, màu của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất gieo trồng, đặc biệt là cây dưa./ Đất 'ngậm', hoa 'tắm' thuốc trừ sâu

Có hộ dân cay đắng kể, cả vụ trồng 8 sào dưa chỉ thu được vỏn vẹn 400 nghìn đồng. Những cánh đồng rộng lớn đang chết mòn bên con kênh Trần Nội đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Điêu đứng

Ai có dịp chạy xe từ TP Hải Dương về huyện Gia Lộc chắc sẽ “ấn tượng” với một con kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối dọc theo QL 39B.

Đây là một nhánh của sông Bắc Hưng Hải, chảy qua một loạt các xã như Gia Xuyên, Phương Hưng, Toàn Thắng, Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc) và P.Thạch Khôi (TP.Hải Dương). Người dân quen gọi là kênh Trần Nội hay kênh Thạch Khôi – Đoàn Thượng.

Dù chỉ là một nhánh nhỏ, nhưng con kênh này cung cấp và ảnh hưởng tới gần 50% diện tích SX các xã kể trên. Chính vì vậy, hệ lụy của việc ô nhiễm nguồn nước là nguồn thủy sản kiệt quệ, cây trồng bị giảm năng suất, thậm chí mất mùa.

Bà Nguyễn Thị San, thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng thao thao bất tuyệt khi chúng tôi hỏi chuyện ô nhiễm. Theo bà San, đã 3 – 4 năm nay, nước kênh Trần Nội vốn trong xanh bỗng dưng đổi màu đen như bát bùn, bốc mùi hôi thối.

Hôm thì vàng như đất sét và cứ 3 – 4 ngày lại có một đợt nước bẩn từ đâu chảy về. Người dân nhớn nhác ngược về thượng nguồn truy tìm thủ phạm. Họ phát hiện ra điểm đầu tiên xuất hiện nước bẩn là đoạn trước Cụm công nghiệp (CCN) Thạch Khôi, xã Thạch Khôi, huyện Gia Lộc (nay là P.Thạch Khôi, TP.Hải Dương).

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nước SX thì ngày một ô nhiễm. Mà ô nhiễm cũng theo đợt mới lạ chứ. Cứ hôm nào nước sông đầy hoặc mưa lớn thì thấy nước đen về, nước cạn thì không”, bà San kể lể.

Vụ su hào năm ngoái, mong mưa mỏi cổ chẳng thấy, gia đình bà San liều mình lấy nước từ con sông Trần Nội vào cứu hạn. Ai dè, nước ngấm tới đâu, hôm sau lá vàng úa, củ thối nhũn tới đó.

Bà San gần như mất trắng 8 sào su hào, chẳng biết trách ai. Đến vụ dưa vừa rồi, trời tiếp tục nắng hạn. Vị đội trưởng SX của xóm ngần ngừ không dám lấy nước từ kênh Trần Nội. Nhưng không có nước, dưa sao sống nổi, cuối cùng đành “nhắm mắt đưa chân”.

Cũng như su hào, dưa chẳng chịu nổi nước bẩn. Cả ruộng dưa đang xanh mơn mởn bỗng héo dây, thối rễ, chết “bất đắc kỳ tử”. Khổ chủ lầm lũi san phẳng gần mẫu dưa trồng lại. Nhưng tỷ lệ cây con sống sót chẳng đáng là bao.

08-09-31_1
Người dân bức xúc vì phải chung sống cùng con kênh ô nhiễm

Bà San nhẩm tính, gần mẫu dưa bán được 20 triệu đồng, nếu trừ tiền giống, công làm đất, thuốc BVTV… thì khéo hụt vốn.

Cay đắng nhất là hộ ông Nguyễn Văn Láng, thôn Bái Hạ (xã Toàn Thắng) trồng 8 sào, lấy nước xong, dưa chết gần hết. Cuối vụ, gom hết số dưa đi bán được vỏn vẹn 400 nghìn đồng.

Nhà bà Hoàng Thị Soan bên cạnh cũng chết sạch 3 sào dưa. Hì hục xới lại đất trồng ngô, đến vụ ngô lại không ra hạt. Cay đắng.

Người dân lội ruộng làm cỏ, nước ngập tới đâu, ngứa tới đó, có khi gãi bắn cả máu. Nói đoạn, bà Lan (xã Phương Hưng) kéo quần lên tới bắp chân cười chua chát: “Đây, toàn kim cương hột xoàn gắn vào chân chứ có đùa đâu”.

Bà Mai Thị Lan, xã Phương Hưng thì cho biết, mới có nước sạch để dùng từ đầu năm nay thay cho nước giếng khoan. Từ khi kênh Trần Nội ô nhiễm, nước giếng cũng đổi màu đen, có khi nổi váng, mùi tanh như cá chết. Cả xã đổ xô đi mua bình lọc nước.

“Các chú cứ nhìn dòng kênh thì biết, dạo này có mấy trận mưa rào nó còn sạch một chút, nhưng chắc được vài hôm là lại đen ngòm, bốc mùi thôi. Trai, hến chẳng còn một con. Hôm nào mà nước đen về, mấy con cá rô phi còn sống sót cũng ngớp ngớp nằm ngửa bụng đầy mặt kênh, không ai dám vớt ăn”, bà Lan kể.

Vụ lúa xuân vừa qua, cần nước lắm nhưng cả HTX chẳng dám bơm nước vào tưới. Nhưng chờ mãi, ruộng nẻ toác, sợ lúa chết nên cũng đành phải lấy nước.

“Quy luật” khó hiểu

Chiều muộn, chúng tôi mới gặp được lãnh đạo UBND xã Gia Xuyên, nơi đầu nguồn của sự ô nhiễm. Khi phản ánh lại những ý kiến của người dân, ông Hồ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên cho rằng “Không chính xác lắm”.

Theo ông Tân, đúng là nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay, người dân cũng liên tục ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng việc ảnh hưởng tới SXNN mức độ nào thì chưa thể chỉ rõ được.

08-09-31_2
Hình ảnh con kênh Trần Nội một ngày hứng chịu xả thải

Đồng thời, nguyên nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm cho dòng kênh Trần Nội... cũng rất khó nói.

Tuy nhiên, ông Tân cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm là sự xuất hiện của CCN Thạch Khôi. Trước đây, khi chưa cắt xã Thạch Khôi về TP Hải Dương, CCN này nằm trên địa bàn xã Gia Xuyên, chịu sự quản lý của huyện Gia Lộc.

Theo một nghiên cứu của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi VN), nước tưới của hệ thống Bắc Hưng Hải nói chung và kênh Trần Nội nói riêng đang bị ô nhiễm và ngày càng nghiêm trọng.
Năm 2010 đã ghi nhận tại xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc), cách CCN 10km, có khoảng 10% diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do ô nhiễm.

Hình thành vào năm 2004, CCN này chỉ có một đơn vị làm muối dưa đông lạnh để xuất khẩu. Ngay năm sau, ô nhiễm nguồn nước đã bắt đầu xuất hiện.

Thời điểm đó, các cơ quan chuyên môn cũng về kiểm tra, tuy nhiên kết quả thế nào thì địa phương không được rõ.

Vài năm trước, một đơn vị khoa học công nghệ tỉnh Hải Dương công bố rằng chất lượng nước kênh Trần Nội đang ngày một suy giảm. Dọc sông Trần Nội có gần 40 cơ sở công nghiệp thuộc CCN Thạch Khôi hoạt động.

Trong đó, nhiều cơ sở nằm rải ven xã Gia Xuyên. Các cơ sở này chủ yếu làm tái chế nhựa, chế biến gỗ, sản xuất thạch rau câu…

Theo thống kê, tổng lượng nước thải xả vào kênh Trần Nội của các cơ sở công nghiệp trong và ngoài CCN đạt hàng nghìn m3/ngày đêm và có xu hướng tăng lên.

Theo vị Phó Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên, việc xả thải gây ô nhiễm ở đây tuy chưa bắt được tận tay nhưng lại có những “quy luật” bất di bất dịch.

“Hôm nào chú về đây vài ngày sẽ rõ, chỉ khi nào chuẩn bị có mưa gió, trời sậm sùi là y sì hôm sau có nước bẩn đen ngòm hoặc vàng khè xả ra kênh. Ví như hôm sau mà mưa thì còn đỡ, trời mà không mưa thì nhìn rõ mồn một. Nước kênh chuyển sang đen ngòm, bốc mùi hôi tanh lắm”, ông Tân kể.

Thứ hai, cứ dịp đầu nguồn mở nước cho người dân lấy nước SX, nước thải cũng hòa nhịp. Ông Tân cho hay, việc này khiến việc các HTXNN lấy nước đưa vào đồng ruộng hết sức khó khăn.

“Cứ những hôm như thế, tôi phải dặn các chủ nhiệm, tổ trưởng SX tuyệt đối không được lấy nước vào ruộng. Mỗi trạm bơm phải cắt cử một người canh, khi nước bớt bẩn thì mới được đóng điện, bơm nước.

Ấy vậy, vẫn có hôm canh nhầm. Nước vào đồng ruộng, ao chuôm, cá của người dân chết lồi lềnh phềnh. Dân chỉ biết kêu trời, xã cũng chỉ đến động viên chứ chưa đơn vị nào bồi thường", vẫn theo ông Tân.

Hiện nguồn nước tưới tiêu xã Gia Xuyên đang phụ thuộc 60% vào kênh Trần Nội. Người dân cũng như lãnh đạo xã nhiều lần ý kiến lên huyện nhưng vấn đề chưa được giải quyết.

Ông Tân cho rằng, ô nhiễm bắt nguồn từ CCN, do TP Hải Dương quản lý nên rất khó xử. Gánh chịu hậu quả ô nhiễm lại là người dân 4 xã dọc QL 39B.

Từng ngày, từng ngày, những thửa ruộng đang chết mòn cùng con kênh Trần Nội trong sự bất lực của các cơ quan tỉnh Hải Dương.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.