| Hotline: 0983.970.780

Huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa có sản phẩm OCOP đầu tiên

Thứ Hai 03/10/2022 , 20:27 (GMT+7)

Các mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) được các đại biểu tham gia buổi khảo nghiệm đánh giá cao.

Trong hai ngày (3-4/10/2022) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa”.

Hội thảo có sự tham dự của khoảng 200 khách mời, trong đó có đại diện các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cơ quan ban ngành của tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo huyện Mường Lát cùng đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về kinh tế, xã hội, môi trường và các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang áp dụng tại huyện Mường Lát, những thuận lợi, khó khăn về phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm OCOP từ đó đưa ra được những định hướng và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Mường Lát, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông Quốc phối hợp với các cơ quan của Bộ và của tỉnh Thanh Hóa để các bên cùng nhau đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Lát, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, xã hội, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu về mô hình chăn nuôi  gà tại bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu về mô hình chăn nuôi  gà tại bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Trong khuôn khổ chương trình, chiều 3/10, các đại biểu tham gia hội thảo đã đi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Lát gồm: Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ; mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi.

Tại bản Pom Khuông, xã Tam Chung (huyện Mường Lát), đoàn công tác đã tham quan mô hình chăn nuôi gà mía lai, quy mô 100 con của gia ông Sùng A Pao.

Giới thiệu về mô hình chăn nuôi gà mía lai, ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát cho biết, đây là giống gà có khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương.

Đặc biệt, giống gà mía lai dễ nuôi, khả năng chống chịu bệnh tốt, chi phí chăn nuôi thấp hơn so với các giống gà khác, thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều đầu mối sẵn sàng bao tiêu sản phẩm.

Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi gà mía lai trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện tại, gà đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trong một vài tuần tới.

Mô hình chăn nuôi gà mía lai, quy mô 100 con của gia ông Sùng A Pao đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Quốc Toản.

Mô hình chăn nuôi gà mía lai, quy mô 100 con của gia ông Sùng A Pao đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo ông Biện, đây là một trong số 10 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, với quy mô 1.000 con do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát phối hợp với các hộ dân thực hiện.

Quá trình tham gia mô hình, các hộ dân được cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.

“Mô hình đã tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức của người dân, chuyển dần từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang chăn nuôi tập trung theo hình thức sản xuất hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu vệ sinh thú y, nâng cao kỹ thuật quản lý trong chăn nuôi hộ gia đình.

Kết quả trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy, đây là một mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, hướng dẫn kịp thời trong quá trình thực hiện mô hình. Mô hình có tính thuyết phục, đem lại hiệu quả cao được các hộ tham gia đồng tình ủng hộ”, ông Biện thông tin tới đoàn công tác. 

Mô hình chăn nuôi gà lai chọi ở thị trấn Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Mô hình chăn nuôi gà lai chọi ở thị trấn Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Mường Lát còn thí điểm mô hình nuôi gà H'Mông quy mô 1.000 con tại bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn; gà lai chọi ở thị trấn Mường Lát…

Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc phát triển mô hình chăn nuôi tại Mường Lát cần theo hướng bền vững. Khi huyện đã làm tốt các mô hình chăn nuôi gà thịt, thì phải tập trung nhân rộng dựa trên hiệu quả bước đầu. Phương châm là, làm một thứ còn hơn làm nhiều thứ mà không phát huy hiệu quả”.

Sau khi trải nghiệm mô hình nuôi gà mía lai, đoàn công tác tiếp tục tham quan mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tại xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát.

Mô hình có quy mô 50ha và 220 hộ tham gia. Hiện tại, toàn huyện có 800 ha lúa nước, trong đó diện tích gieo cấy nếp Cay Nọi đạt khoảng 500 ha. Cây lúa nếp Cay Nọi được trồng 1 vụ duy nhất trong năm.

Từ độ tháng 6 bắt đầu gieo mạ cấy ở chân ruộng bậc thang thấp, cho đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 thì thu hoạch. Thời gian gieo cấy đến thu hoạch khoảng 160 – 165 ngày.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi tại huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi tại huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Lúa nếp Cay Nọi khi đến mùa thu hoạch vỏ hạt lúa có màu nâu đỏ, hạt gạo trắng, có mùi thơm ngọt, dẻo khi được nấu chín.

Dự kiến năng suất lúa nếp Cay Nọi đạt 45 tạ/ha/vụ. Sau khi trừ các khoản chi phí, chưa tính công lao động, bình quân thu lợi nhuận đạt hơn 2,1 triệu đồng/vụ cho 1 sào 500m2 (42 triệu đồng/ha/vụ). Sản phẩm lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện trong năm 2021.

Bà con nông dân tham gia khảo nghiệm mô hình lúa nếp Cay Nọi. Ảnh: Quốc Toản.

Bà con nông dân tham gia khảo nghiệm mô hình lúa nếp Cay Nọi. Ảnh: Quốc Toản.

Thành công của xây dựng mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi, tạo ra một dự án mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, góp phần để phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện Tập đoàn ThaiBinh Seed tham quan mô hình lúa nếp Cay Nọi. Ảnh: Quốc Toản.

Đại diện Tập đoàn ThaiBinh Seed tham quan mô hình lúa nếp Cay Nọi. Ảnh: Quốc Toản.

Chia sẻ với NNVN tại buổi tham quan các mô hình tại huyện Mường Lát, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: “Các mô hình thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Lát trong việc thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững.

Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Đối với mô hình lúa nếp Cay Nọi, vấn đề cần quan tâm hiện nay là giữ được phẩm chất lúa gạo đồng thời phải nâng tầm thương hiệu, để khi nhắc tới Mường Lát, người ta đều biết tới giống lúa nếp Cay Nọi. Cũng giống như trồng trọt, sau khi thực hiện thành công các mô hình điểm về chăn nuôi cần giữ vững, nhân rộng để người dân thấy được vai trò của hoạt động sản xuất đối với đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.