| Hotline: 0983.970.780

Huyện Thới Bình phát triển nông nghiệp xanh gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 15/01/2024 , 13:58 (GMT+7)

CÀ MAU Huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã phát triển gần 1.000ha tôm đạt chứng nhận chuẩn quốc tế ASC trên diện tích lúa - tôm.

Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, toàn huyện xuống giống đạt trên 20.000ha, đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch đạt gần 80% diện tích xuống giống, năng suất lúa trung bình từ 5 – 5,5 tấn/ha. Ảnh: Trọng Linh.

Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, toàn huyện xuống giống đạt trên 20.000ha, đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch đạt gần 80% diện tích xuống giống, năng suất lúa trung bình từ 5 – 5,5 tấn/ha. Ảnh: Trọng Linh.

Sức bật từ nông nghiệp xanh

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất lúa tôm Trí Lực, xã Trí Lực, huyện Thới Bình đánh giá: Năm nay thời tiết thuận lợi nên vụ lúa đạt hiệu quả rất cao. Năng suất lúa tôm đạt tiêu chuẩn ASC trên địa bàn xã Trí Lực đạt khoảng 5 – 5,5 tấn/ha. Do nằm trong chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ nên những hộ dân tham gia HTX được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao, dao động từ 9.100 - 9.800 đồng/kg.

Theo ông Mưa, đối với những hộ đạt tiêu chuẩn lúa hữu cơ nhiều năm sẽ được đơn vị thu mua với giá 9.800 đồng/kg, còn hộ mới đạt hữu cơ năm đầu tiên được mua giá 9.100 đồng/kg. Với mức giá trên sau khi trừ chi phí nông dân lãi từ 20 - 25 triệu đồng/ha.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thông tin, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay toàn huyện xuống giống đạt trên 20.000ha, đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch đạt gần 80% diện tích xuống giống, năng suất lúa trung bình từ 5 - 5,5 tấn/ha.

“Nhìn chung, do thời tiết tương đối thuận lợi cùng với thị trường tiêu thụ lúa tốt, nên người dân có niềm vui nhân đôi khi lúa được mùa trúng giá. Giá lúa năm nay cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ mùa cùng kỳ, dao động từ 8.000 - 10.500 đồng/kg”, ông Vững đánh giá.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, giá lúa tăng nên nông dân địa phương rất phấn khởi. Vào chính vụ, người dân hăng hái thu hoạch để bán cho thương lái. Sản phẩm lúa hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ, ổn định đầu ra nên người dân rất an tâm sản xuất để phát triển kinh tế. Có thu nhập cao, năm nay bà con sắm Tết Giáp Thìn 2024 đỡ hơn.

Để giữ vững vùng sản xuất và phát huy giá trị sản phẩm “lúa sạch Thới Bình”, ông Vững khẳng định, thời gian qua ngành nông nghiêp địa phương đã tập trung phát triển mô hình lúa - tôm theo tiêu chuẩn lúa sạch, lúa hữu cơ. Đến nay, huyện Thới Bình đã phát triển gần 1.000ha tôm đạt chứng nhận quốc tế ASC trên diện tích lúa - tôm. Hiện địa phương hướng tới mở rộng vùng sản xuất nhằm tăng cường quản lý nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm “lúa sạch Thới Bình” trên thị trường.

“Thời gian tới, nhằm nâng cao giá trị và giữ vững thương hiệu lúa sạch, lúa hữu cơ Thới Bình, giải pháp quan trọng nhất của địa phương là mở rộng vùng sản xuất đạt chứng nhận “lúa sạch Thới Bình” để tăng cường quản lý việc sử dụng nhãn hiệu.

Việc bảo hộ thương hiệu cho một sản phẩm, đặc biệt là nông sản là rất cần thiết và cấp bách. Cách làm này nhằm ngăn chặn những sản phẩm tương tự ngụy tạo dễ gây nhầm lẫn làm mất uy tín thương hiệu. Đồng thời, tạo điều kiện để thương hiệu lúa sạch, hữu cơ huyện Thới Bình đứng vững trên thị trường trong nước, nâng cao đời sống của người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Vững nói.

Nông dân nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC tại xã Trí Lực. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC tại xã Trí Lực. Ảnh: Trọng Linh.

Đồng thời, người đứng đầu chính quyền huyện Thới Bình khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP từ mô hình lúa - tôm. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, sản phẩm lúa sạch, lúa hữu cơ Thới Bình đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Đối với phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng huyện Thới Bình đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, hấp dẫn riêng trên địa bàn để làm cơ sở xây dựng, hình thành các tour du lịch.

Qua đó, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trong đó có hoạt động du lịch nông nghiệp của người dân trên địa bàn cũng như thu hút, mời gọi công ty, doanh nghiệp tham gia xây dựng, hình thành các tour du lịch trên địa bàn huyện.

Phát triển nông nghiệp gắn liền xây dựng nông thôn mới

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, nhận định: Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân dân đón nhận và phát triển thành công trong thực tế sản xuất.

Theo ông Vững, để thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng bền vững gắn mới nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023. UBND huyện đã thực hiện ký kết Chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau về triển khai công tác tư vấn, hỗ trợ, củng cố, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn huyện Thới Bình.

Đồng thời, tổ chức các Hội nghị triển khai, phát triển kinh tế tập thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi công ty, doanh nghiệp tham gia xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Huyện Thới Bình đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: TL.

Huyện Thới Bình đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: TL.

Riêng trong năm 2023, huyện đã thành lập mới 3 HTX, lũy kế đến nay trên địa bàn huyện có tổng số 35 hợp tác xã. Trong đó có 9 hợp tác xã ngưng hoạt động, gồm 548 thành viên, tổng số 33 tổ hợp tác, với tổng số tổ viên tham gia là 332 người.

Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện huyện Thới Bình thời gian qua còn chậm so bình quân toàn tỉnh. Đa số hợp tác xã có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, năng lực nội tại, chất lượng hoạt động còn yếu kém, thiếu sự liên kết. Trình độ năng lực cán bộ quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh còn hạn chế, ít tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ.

Hiện nay, toàn huyện Thới Bình có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, qua rà soát, đánh giá kết quả thực hiện theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, 11/11 xã đều có tiêu chí bị rớt chuẩn, tập trung vào các tiêu chí: Quy hoạch, giao thông, thông tin và truyền thông, thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.

Sản xuất nông nghiệp của huyện Thới Bình có bước thay đổi quan trọng, một số mô hình liên kết sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ dần hình thành và phát triển; nhận thức của các tổ chức, cá nhân về lợi ích khi canh tác nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ từng bước được nâng lên.

Đến nay, diện tích sản xuất lúa sạch đạt hơn 18.420ha, chiếm 92,0% diện tích lúa - tôm toàn huyện. triển khai được 230ha lúa sản xuất hữu cơ tại xã Trí Lực 50 ha, xã Thới Bình 50ha và Tân Lộc Bắc 130ha, với các giống lúa canh tác hữu cơ chủ yếu như ST24, ST25, OM2517...

Ngoài ra, diện tích sản xuất theo quy trình nuôi tôm sạch đạt trên 10.000ha, trong đó có trên 1.800ha diện tích nuôi tôm liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm, quảng bá hình ảnh, thương hiệu con tôm Thới Bình trên thị trường trong và ngoài nước.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.