| Hotline: 0983.970.780

Kè ngầm chắn sóng giảm nguy cơ xâm thực

Thứ Sáu 18/10/2024 , 13:47 (GMT+7)

Sóc Trăng Kè ngầm chắn sóng là giải pháp công trình đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét trong phòng, chống sạt lở bờ biển, gây bồi, tạo bãi để phát triển rừng phòng hộ.

Tỉnh Sóc Trăng có tuyến đê biển dài khoảng 50km, thuộc địa phận thị xã Vĩnh Châu. Dưới tác động của sóng biển, gió bão đã gây ra hiện tượng xâm thực, làm xói mòn, sạt lở tại một số đoạn đê.

Trước thực trạng này, ngoài đầu tư nguồn vốn khá lớn để triển khai công trình nâng cấp đê biển với chiều dài 33km, tỉnh Sóc Trăng cũng tranh thủ kinh phí hỗ trợ từ Trung ương để triển khai các công trình kè ngầm chắn sóng tại một số khu vực xung yếu. Đây được xem là công trình mang tính “đột phá” của tỉnh trong công tác phòng chống thiên tai, giảm đáng kể tác động của sóng biển, “đánh” trực tiếp vào thân đê.

Hệ thống kè ngầm đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc chắn sóng biển, tạo bãi bồi giữ chân đê, giảm thiểu tình trạng sạt lở ở Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống kè ngầm đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc chắn sóng biển, tạo bãi bồi giữ chân đê, giảm thiểu tình trạng sạt lở ở Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, hiện tượng dòng xoáy của biển tại khu vực đê biển Vĩnh Châu diễn ra ngày càng thất thường. Nếu gặp thời tiết xấu, nguy cơ xâm thực bờ biển, sạt lở đê biển rất cao.

Thực tế cũng cho thấy, tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên thời gian qua đã làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương. Đặc biệt, tại những khu vực xung yếu trên địa bàn xã Lai Hòa (đoạn từ giáp ranh Bạc Liêu đến cống số 2), với chiều dài khoảng 6km và xã Vĩnh Hải (đoạn từ cống 15 đến K47), chiều dài 8,5km.

Ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 15.000 hộ dân sinh sống bên trong đê. Sinh kế chủ yếu của bà con là sản xuất nông nghiệp. Do đó, khi xảy ra tình trạng sạt lở hoặc xói mòn đê biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu dân sinh của bà con.

Trong khi đó, ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế, với những đoạn đã bị sạt lở, chỉ có thể khắc phục tạm thời bằng giải pháp đóng cừ bạch đàn, lót vải địa và tấn bao đất để giữ chân đê.

Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển quan trọng này, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hàng loạt các dự án nâng cấp. Tiêu biểu trên địa bàn xã Lai Hòa, đoạn giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu được xây dựng hệ thống kè, chiều dài khoảng 2,2km. Sau  khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình đã phát huy tác dụng rõ nét, vừa khắc phục sạt lở, giữ phù sa bồi đắp, khôi phục lại rừng phòng hộ; vừa bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân sống ven khu vực.

Kè ngầm chắn sóng vừa khắc phục sạt lở, giữ phù sa bồi đắp, khôi phục lại rừng phòng hộ. Ảnh: Kim Anh.

Kè ngầm chắn sóng vừa khắc phục sạt lở, giữ phù sa bồi đắp, khôi phục lại rừng phòng hộ. Ảnh: Kim Anh.

Nói về hiệu quả của các công trình, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin, thời điểm chưa có kè ly tâm, đoạn đê biển từ cống số 2 đến cống số 4 bị sóng đánh, gây sạt lở gần 2/3 thân đê, làm phá hủy nhiều diện tích rừng phòng hộ ven đê, thậm chí, nhiều khu vực gần như không còn rừng.

Sau khi các công trình đưa vào sử dụng, đã ngăn sóng và tạo bãi bồi, mực đất bên trong công trình được bồi lên rất cao. Khi tình trạng xâm thực bờ biển được khắc phục, phù sa được bồi đắp cũng là điều kiện để rừng phòng hộ ven khu vực đê biển có cơ hội phục hồi và phát triển.

Sau khi công trình kè ngầm chắn sóng hoàn thiện, tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án, vào đầu năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành trồng 5ha rừng bên trong khu vực bờ kè.

Đến nay, 10.000 cây mắm được trồng đã phát triển thành rừng. Về lâu dài, đây cũng là nơi mang đến nguồn thu nhập tăng thêm cho người dân sinh sống ven khu vực, nhờ khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng. Đây là điều kiện quan trọng để bà con phối hợp tốt cùng chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ.

Các công trình kè ngầm chắn sóng góp phần khôi phục và bảo vệ trên 4.000ha rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Các công trình kè ngầm chắn sóng góp phần khôi phục và bảo vệ trên 4.000ha rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Từ hiệu quả thiết thực mang lại đối với công tác phòng, chống thiên tai, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đầu tư công trình kè ly tâm chắn sóng đoạn từ K39 – K45 với chiều dài 1,5km trên địa bàn xã Vĩnh Hải. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, tỉnh tiếp tục triển khai thêm công trình kè ngầm tiếp nối đoạn từ K39 – K45 về phía cầu Mỹ Thanh 2 với chiều dài hơn 6,4km.

Ông Mai Quang Trường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, đơn vị chủ đầu tư công trình cho biết thêm, tiến độ thi công công trình hiện đạt khoảng 50%. Chủ đầu tư đang yêu cầu đơn vị thi công bổ sung nhân sự, máy móc, vật tư để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo công trình hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Qua rà soát của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, toàn thị xã Vĩnh Châu hiện có 13 khu vực bờ sông, bờ biển đã bị sạt lở và có nguy cơ tiếp tục sạt lở với tổng chiều dài trên 20km. Kè phòng, chống sạt lở bờ biển khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ tác động của sóng biển, gió bão,vừa bảo vệ bờ biển, gây bồi, tạo bãi để phát triển rừng phòng hộ.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng đánh giá, công trình kè không chỉ mang lại các mô hình sinh kế hiệu quả dưới tán rừng cho người dân mà con bảo vệ an sinh, ổn định đời sống sản xuất cho bà con khu vực trong đê. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh đang đề xuất cấp trên, bố trí kinh phí phục hồi lại rừng phòng hộ từ chân đê ra đến tuyến kè để đảm bảo chắc chắn, an toàn cho toàn tuyến đê trong thời gian tới. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên quan trắc dòng chảy và mức độ bồi lắng, xói lở trên bờ biển để kịp thời ứng phó, nếu có tình huống thiên tai xảy ra.

Ngoài ý nghĩa trên, giải pháp công trình kè ly tâm chắn sóng, chống xâm thực, xói mòn bờ biển tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai còn góp phần khôi phục và bảo vệ trên 4.000ha rừng phòng hộ ven biển của tỉnh, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Xem thêm
Việt Nam lên tiếng sau khi Campuchia rút khỏi cơ chế hợp tác phát triển CLV

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, mối quan hệ đoàn kết gắn bó hữu nghị và tin cậy giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia là tài sản quý báu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Quán quân Olympia 2024: Uớc mơ trở thành một lập trình viên

Chia sẻ về ước mơ tương lai của mình, Phú Đức mong muốn trở thành một lập trình viên máy tính để cố gắng đóng góp cho sự phát triển công nghệ ở Việt Nam.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất