| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/07/2024 , 06:15 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:15 - 08/07/2024

Khai thác khoáng sản gắn liền với đời sống dân sinh

Khai thác khoáng sản luôn cần một lộ trình cần thiết, nhưng khi đưa quy hoạch nhất định phải chú ý đến sự ổn định dân cư và sự phát triển cộng đồng.

Khai thác khoáng sản từng có những biểu hiện mất kiểm soát và gây lãng phí, vì vậy Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866 vào ngày 18/7/2023 để phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Sau một năm tuân thủ Quyết định số 866, thì nhiều vướng mắc đã nảy sinh.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3, diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, nhiều lãnh đạo địa phương đã lên tiếng về những bất cập của Quyết định 866. Cụ thể là một số hoạt động củng cố giáo dục, y tế và canh tác trên địa bàn bị đình trệ.

Lắng nghe các ý kiến trình bày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu địa phương thẩm tra và trình Chính phủ trước ngày 20/7/2024.

Qua sự rà soát thực tế của các tỉnh Tây Nguyên, thấy rằng quy hoạch khoáng sản đã chồng lấn một số quy hoạch khác liên quan đến dự án xây dựng địa phương lẫn dự án trọng điểm quốc gia.

Ngoài dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành nằm trong quy hoạch khoáng sản, thì hàng loạt dự án rất nhỏ cũng không thể thực hiện vì vướng Quyết định 866.

Ví dụ, tỉnh Đắk Nông có một số trường học xuống cấp đã có kinh phí trùng tu, nhưng không không thể xin được giấy phép. Còn tỉnh Lâm Đồng muốn làm nhà vệ sinh cho 7 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, cũng phải chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên & Môi trường.     

Khai thác khoáng sản nhất định thực hiện một cách căn cơ và bài bản. Tuy nhiên, khi đưa ra một quy hoạch tổng thể phải tính thêm đến sự ổn định dân cư và sự phát triển cộng đồng. Với trình độ luyện kim hiện tại của nước ta, trong vòng 10 năm hay 20 năm không thể tiến hành đồng bộ hiệu quả khai thác và chế biến khoáng sản quy mô quốc gia trên một diện tích lớn thuộc địa bàn Tây Bắc và Tây Nguyên.

Vì vậy, những khu vực chưa nằm trong kế hoạch có thể triển khai ngay, thì nên cân nhắc hình thành những vùng dự trữ khoáng sản, để đảm bảo nhịp điệu xã hội bình thường cho một bộ phận đồng bào sinh sống và sản xuất nông nghiệp.

Khoáng sản là tài nguyên hữu hạn dưới lòng đất, còn con người là tài nguyên vô hạn trên mặt đất. Trong xu hướng kinh tế tri thức mà Việt Nam đang tích cực theo đuổi, khai thác khoáng sản không còn là mục tiêu duy nhất và giá trị cao nhất. Các loại khoáng sản như đồng, kẽm, niken, antimon hoặc wolfram dù rất quý hiếm thì cũng phải có một nền công nghệ và nhân lực tương ứng, mới có thể mang lại nguồn thu đúng như mong đợi.  

Quyết định 866 rất quan trọng đối với việc gìn giữ khoáng sản cho Việt Nam hôm nay và ngày mai. Quốc gia càng văn minh càng có phương pháp ứng xử với khoáng sản một cách khéo léo và thiết thực.

Quyết định 866 có tầm nhìn tương lai càng phải chấp nhận sự thật, dù được đầu tư tỉ mỉ thì quy hoạch cũng có những góc độ chưa hợp lý và cần thiện chí điều chỉnh kịp thời, để đáp ứng cả hai tiêu chí ích nước và lợi dân.

Bình luận mới nhất