Tạo đường thoát cho nước lũ
Theo quy hoạch tới năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 1.200km đường cao tốc, với 3 tuyến theo trục Bắc – Nam và 3 tuyến theo trục Đông – Tây, kết nối TP Hồ Chí Minh, miền Đông và Tây Nam bộ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đến thời điểm này đã có những tín hiệu để ĐBSCL thoát khỏi “lời nguyền” vùng trũng về hạ tầng, với sự quyết tâm của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để chạm được những cột mốc mà Chính phủ đề ra, lãnh đạo ngành nông nghiệp đưa ra một số ý kiến, nhìn nhận rủi ro.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, xưa nay ĐBSCL có mùa nước nổi. Việc xây dựng các tuyến đường cao tốc, sẽ trở thành những con đê phân cách đồng ruộng. Do đó, ngành giao thông vận tải cần tính toán, bố trí, xử lý những điểm giao thoa, tạo ra các điểm thoát, đường thoát cho nước lũ, nếu không sẽ gây ra tình trạng ứ nước cục bộ.
“Tôi đề nghị các địa phương, cùng với Bộ Giao thông vận tải bố trí những điểm thoát, đường thoát. Thừa không sao, nếu thiếu, sau này sẽ trở thành những vị trí xoáy. Bởi nước không có chỗ thoát, một hai mùa là không thể bảo vệ được đường cao tốc. Việc này, không chỉ bảo vệ đất nông nghiệp mà bảo vệ cho đường cao tốc không bị nước ngâm lâu ngày gây xói lở trên đường cao tốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đường cao tốc rất được bà con hoan nghênh. Tuy nhiên, đối với một số hộ dân có đồng ruộng bị đường cao tốc cắt ngang đang gặp khó khăn, do đất đai bị chia cắt.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cần xem xét xử lý, khảo sát để không vì những vấn đề này ảnh hưởng đến ý nghĩa của việc xây dựng các tuyến đường cao tốc. Vừa làm, vừa xử lý, sẽ không làm phát sinh thêm thời gian triển khai các dự án.
Nâng công suất các mỏ đá
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, nguồn vật liệu cát đắp nền đường, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp mỏ vật liệu nhằm rút ngắn quá trình thực hiện. Đến nay đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3 so với nhu cầu 55,5 triệu m3.
Bao gồm, An Giang 22 triệu m3; Đồng Tháp 9,3 triệu m3; Vĩnh Long 5 triệu m3, Bến Tre 5,4 triệu m3, Tiền Giang 9,3 triệu m3 và Sóc Trăng 12,1 triệu m3, bao gồm 5,5 triệu m3 cát biển.
Trong đó, nguồn cát đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương nâng công suất mỏ đá cung cấp cho các dự án cao tốc, với tổng nhu cầu đá dăm khoảng 5,5 triệu m3.
Đối với Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, từ nay đến cuối năm phải tập kết đủ đá về công trường. Tuy nhiên, tại khu vực ĐBSCL nguồn đá có trữ lượng lớn, điều kiện vận chuyển thuận lợi nằm tại mỏ Antraco (tỉnh An Giang).
Hiện công suất khai thác hàng năm theo giấy phép khoảng 1,5 triệu m3, tuy nhiên giấy phép khai thác mỏ Antraco đã hết hạn từ tháng 6/2024. Các nhà thầu đã chủ động khảo sát và dự kiến sử dụng các mỏ đá từ các tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Do đó, để đảm bảo nguồn vật liệu đá, Thứ trưởng Lâm cho rằng cần nâng công suất 50% từ các mỏ theo cơ chế đặc thù và hoàn thành trong tháng 7/2024, ưu tiên cung ứng cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục. Các cơ quan chủ quản của các dự án chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có nguồn vật liệu đá để triển khai các thủ tục, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ thi công.
Hoàn thành 600km cao tốc trong năm 2025
Nhìn lại những công việc, kết quả đã đạt được thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng sớm các dự án đường cao tốc tại ĐBSCL có ý nghĩa rất lớn.
Mở ra không gian phát triển, giá trị mới cho ĐBSCL, thặng dư về đất lớn hơn, tạo ra các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ mới, công ăn việc làm sinh kế cho người dân.
Với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương và đơn vị liên quan phấn đấu trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 500 –600 km cao tốc tại ĐBSCL, trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Đối với vấn đề nguồn vốn, Chính phủ sẽ chủ trì, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ báo cáo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là các đơn vị tham mưu, điều tiết nguồn vốn.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bàn giao, hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 7 này. Bên cạnh đó, còn có các công trình kỹ thuật, cụ thể là đường điện, phải tham mưu giải phóng đường điện dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương và EVN.
Vấn đề vật liệu xây dựng, thuộc phạm vi, thẩm quyền của các tỉnh, phải chủ động giải quyết, xử lý, mở rộng mỏ, cấp phép, gia hạn, đánh giá tác động môi trường… Các địa phương phải liên hệ với nhau và các nhà thầu, ban quản lý dự án để cùng tham gia.