Chiều ngày 12/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp sông Trà Nóc (đoạn từ cầu Xẻo Mây đến cầu Rạch Chùa), phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, công trình được khởi công từ ngày 20/7/2023, đến nay tiến độ đạt khoảng 60%. Hiện nay do nước lớn, kè phải làm theo triều, do đó đơn vị thi công đang tập trung thực hiện các hạng mục không phụ thuộc vào triều. Đồng thời, tăng ca đêm tranh thủ mực nước xuống thấp để tiếp tục thi công. Trên tinh thần quyết tâm, TP Cần Thơ đảm bảo trong năm 2024 dự án thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Thực tế, hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ đang chịu tác động trực tiếp của 2 loại hình thiên tai chính là sạt lở và ngập do triều cường. Những năm gần đây, tình trạng ngập trên địa bàn diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ngập xảy ra trên diện rộng, thường xuyên, mức độ ngập cao hơn và kéo dài hơn, đặc biệt là khu vực nội ô thành phố. Điều này trở thành trở ngại lớn cho các hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông của người dân.
Dịp này, TP Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ.
Dự kiến, dự án này sẽ xây dựng gần 9km kè, 1 cống kết hợp âu thuyền và trạm bơm Bình Thủy, xây dựng 11 cống kiểm soát nước, 8 cống hộp ngăn triều và nâng cấp một số tuyến đường sau kè đảm bảo đồng bộ toàn tuyến và nhiều hạng mục công trình khác. Tổng nhu cầu vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng.
Cũng theo ngành thủy lợi TP Cần Thơ, việc đầu tư dự án này phù hợp với Quyết định số 1721/QĐ-BNN-TCTL ngày 20/7/2012 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ”, Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đa mục tiêu vừa chống sạt lở, tạo thành vành đai chống ngập cho cả khu vực 2.800 ha của TP Cần Thơ.
Qua làm việc với các cơ quan chuyên môn của TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, dự án sẽ góp phần kiểm soát triều cường cho thành phố.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương và giao UBND TP Cần Thơ làm chủ đầu tư dự án. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo thành phố phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, kiểm tra lại tất cả các thông số, cách tiếp cận để lựa chọn phương án tốt nhất.
Trước đó, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ chiều cùng ngày, trước ý kiến của cử tri liên quan đến tình trạng hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn thường xuyên, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, nhiều dự án thủy lợi ở ĐBSCL đã phát huy hiệu quả như Cống Cái Lớn - Cái Bé, cống âu thuyền Ninh Quới.
Các địa phương cũng tăng cường nạo vét kênh mương, bờ bao dự trữ nước để hạn chế những ảnh hưởng trong mùa khô. Vì vậy, việc ảnh hưởng do biến đổi khí hậu ngày càng giảm.
Điển hình, trong mùa khô năm 2023 - 2024 có 73.900 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nhưng mức độ ảnh hưởng thấp hơn so với mùa khô 2019 - 2020 (96.000 hộ dân) và năm 2015 - 2016 (210.000 hộ dân).
“Trong mùa khô năm 2023 - 2024, tôi rất xúc động, bởi tinh thần giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ dân, các doanh nghiệp cùng các lực lượng có liên quan trong lúc hạn hán gay gắt. Năm 2023, ngân sách Trung ương đã dành hơn 4.000 tỷ đồng để phó với biến đổi khí hậu. Năm nay sẽ tiếp tục cân đối, bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ này”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng đề án tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, khô hạn, úng ngập tại ĐBSCL.