| Hotline: 0983.970.780

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau phải hoàn thành trong năm 2025

Thứ Bảy 13/07/2024 , 07:01 (GMT+7)

HẬU GIANG Vấn đề nguyên vật liệu cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cơ bản đã được tháo gỡ, có 'đầu ra', nhưng phải tiếp tục điều phối, khai thác cho phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ảnh: Kim Anh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ảnh: Kim Anh.

Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi kiểm tra tiến độ thi công Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Tại công trường xây dựng nút giao IC5 Km 47+800 thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường. Đồng thời, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường xây dựng nút giao IC5 Km 47+800, thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường xây dựng nút giao IC5 Km 47+800, thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Liên quan đến tiến độ dự án, chủ đầu tư và đơn vị thi công cho biết, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được khởi công từ ngày 1/1/2023, dài hơn 110km, đi qua 5 địa phương là Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ.

Hiện, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án gần hoàn thành, nguồn cát san lấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu, sau khi được xem xét cung cấp nguồn cát biển.

Khí thế làm việc của các công nhân trên công trường Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vô cùng hăng say. Ảnh: Kim Anh.

Khí thế làm việc của các công nhân trên công trường Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vô cùng hăng say. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, một số khó khăn đang tồn tại là địa hình ở miền Tây khác với các vùng miền khác, cần thời gian chờ lún từ 10 - 12 tháng. Trong thời gian này, đơn vị thi công không làm gì được, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung. Bên cạnh đó là vấn đề thiếu đá, các địa phương cần nâng công suất khai thác các mỏ đá.

Sau cuộc làm việc nhanh với các cơ quan, đơn vị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chính quyền địa phương nằm trong phạm vi dự án phải huy động cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc. Cùng làm, tạo nên phong trào thi đua trên công trường đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Riêng đối với 11 nút giao trên toàn tuyến, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương phải kết nối, khai thác ngay các nút giao của đường cao tốc vào hệ thống giao thông địa phương, tránh lãng phí.

Đối với vấn đề thiếu đá làm đường cao tốc như phản ánh ở trên, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính, phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương có mỏ đá có thể khai thác, tham gia cuộc họp vào chiều ngày mai 13/7 tại TP Cần Thơ để giải quyết. Đồng thời, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, nhưng phải đảm bảo chất lượng, chống tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhà thầu thi công huy động nhân lực, trang thiết bị, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án. Ảnh: Kim Anh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhà thầu thi công huy động nhân lực, trang thiết bị, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhà thầu không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được và “không bàn lùi, chỉ bàn làm”. Với cách làm, phương pháp khoa học, lộ trình, bước đi phù hợp, dứt khoát phải hoàn thành dự án chậm nhất vào 31/12/2025.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng còn lại trong tháng 7/2024. Vấn đề nguyên vật liệu đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, có “đầu ra”, tuy nhiên phải tiếp tục điều phối, khai thác phù hợp.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng mức đầu tư trên 27.500 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang hơn 10.370 tỷ đồng và Hậu Giang - Cà Mau hơn 17.152 tỷ đồng.

Dự án khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2025. Hiện các địa phương đã bàn giao mặt bằng 110,68 km/110,85 km (đạt 99,84%).

Về hạ tầng kỹ thuật còn 6/7 vị trí đường dây cao thế chưa di dời. Phần cầu đã triển khai thi công được 108/117 cầu. Kế hoạch tiếp theo, sẽ hoàn thành các cầu trong năm 2024, hoàn thành phần tuyến chính trong tháng 11/2025, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trong tháng 12/2025.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sóc Trăng có hơn 600 kênh thủy lợi là 'hồ thuận thiên' trữ nước ngọt

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 613 kênh cấp I, II, III, khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Hệ thống này là thế mạnh trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn.