Năm 2018 mưa lớn, lũ quét đã làm các xã, phường ở TP Nha Trang bị thiệt hại nặng nề. |
Trong đó yêu cầu các địa phương tổ chức kiện toàn và phân công nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các cấp để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng phương án PCTT từng địa phương, đơn vị với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) trong tổ chức thực hiện.
Ghi nhận của PV tại TP Nha Trang, hiện công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai năm 2019 tại 27 xã, phường đã sẵn sàng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, rút kinh nghiệm năm ngoái về các trận mưa lớn làm sạt lở, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, năm nay công tác chuẩn bị ứng phó thiên tại được TP triển khai sớm hơn.
Trong phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2019, TP đặt mục tiêu cụ thể: Đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro gây ra. Bảo vệ các công trình quan trọng về an ninh quốc gia, phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm trên địa bàn được phân công, đảm bảo các công trình giao thông, thông tin liên lạc hoạt động thông suốt.
Với phương châm "lấy phòng ngừa là chính" làm chủ đạo và xuyên suốt trong công tác PCTT và mọi kế hoạch PCTT phải được triển khai trước mùa mưa bão và quán triệt và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong tổ chức thực hiện.
“Hiện 27/27 đơn vị xã, phường của TP đã xây dựng phương án sơ tán dân; xác định vị trí địa điểm sơ tán dân đến; lực lượng huy động ứng phó; trang thiết bị và nhu yếu phẩm thiết yếu đã sẵn sàng… Qua rà soát chúng tôi cảnh báo 88 điểm, vị trí khu vực xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất đá vào mùa mưa bão. 90 điểm, vị trí, khu vực xung yếu có khả năng xảy ra ngập lụt cục bộ vào mùa mưa gây tắc nghẽn giao thông. Công tác phân công lãnh đạo chủ chốt phụ trách quản lý địa bàn được thực hiện từ đầu trong phương án, nhằm tránh sự lúng túng như năm trước khi có thiên tai xảy ra mới triển khai phân công”, ông Tuấn chia sẻ.
Người dân các vùng sạt lở ở TP Nha Trang đã ý thức hơn trong việc PCTT. |
Văn phòng BCH PCTT-TKCN Khánh Hòa cũng xác nhận, rút kinh nghiệm các cơn bão và mưa lũ lớn năm 2017, 2018, trước mùa mưa bão năm nay các địa phương đã tăng cường lực lượng và trang thiết bị để có thực hiện tốt trong việc sơ tán người dân khi có thiên tai xảy ra, nhất là tại các khu vực xung yếu, ngập lụt, sạt lở đất...
Bên cạnh đó để công tác ứng phó thiên tai thật hiệu quả, các địa phương trong tỉnh đang tập trung nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai như lắp đặt các trạm đo mưa tự động, các hệ thống thông tin, liên lạc như loa, đài…
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở Xây dựng, TN-MT và các sở, ngành địa phương rà soát các khu dân cư, các dự án xây dựng thuộc các vùng đồi núi, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để có giải pháp gia cố, khắc phục hoặc thực hiện di dời, sơ tán nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Năm 2018, tại xã Phước Đồng (TP Nha Trang) một trong những địa phương thiệt hại nặng nề do trận lũ quét sạt lở đất kinh hoàng khiến 14 người chết, hàng trăm ngồi nhà bị sập, hư hỏng. Rút kinh nghiệm, trong mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo UBND xã Phước Đồng đã kiện toàn bộ máy BCH PCTT-TKCN cấp xã và các thôn đều thành lập tổ phòng chống từ 6-15 người/tổ. Đồng thời đã xác định tất cả các khu vực có nguy cơ lũ quét, gắn các cụm loa để tuyên truyền cũng như thông báo đến người dân để chủ động ứng phó thiên tai. |