Khát vọng sống của doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình cũng đồng nghĩa với khát vọng lập thân và lập nghiệp ở một thế hệ người Việt Nam thời hội nhập. Khát vọng sống ấy song hành với khát vọng theo đuổi tri thức, theo đuổi sáng tạo để làm chủ bản thân. Khát vọng sống ấy đặt giữa chông gai may rủi, mang lại suy tư thú vị về người chọn nghề và nghề chọn người.
“Tôi cất tiếng khóc chào đời vào tối 18 tháng 8 năm 1972 tại trạm xá làng Xuân La thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội”. Tác giả bộc bạch như vậy, và đó cũng là lý do cuốn tự truyện lấy tên “Sinh năm 1972”. Có nhiều người sinh năm 1972, nhưng trường hợp Nguyễn Cảnh Bình lại có chút đặc biệt. Sự đặc biệt không đến từ những ưu đãi số phận, mà sự đặc biệt đến từ thái độ chọn lựa con đường đi tới của Nguyễn Cảnh Bình.
Bây giờ, nhắc đến Nguyễn Cảnh Bình, nhiều người biết ngay một nhân vật lừng lẫy trong giới xuất bản với thương hiệu Alpha Books. Ngoài ra, anh còn sở hữu nhiều thương hiệu khác cũng như điều hành nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác. Tuy nhiên, chỉ riêng thương hiệu Alpha Books đã có một vị trí đáng trân trọng trong làng sách Việt Nam, bởi những ấn phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao và truyền cảm hứng vươn lên cho người đọc.
Tự truyện “Sinh năm 1972” dày hơn 400 trang, do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành, được doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình viết để đánh dấu tuổi 50 và đánh dấu 20 năm nếm trải ngọt đắng trên hành trình tạo dựng giá trị cá nhân phụng sự cộng đồng như “một ngọn nến được đốt cháy từ hai đầu”.
Khởi điểm của Nguyễn Cảnh Bình là một kỹ sư hóa dầu, sau 7 năm làm việc ở Petrolimex có thêm được bằng thạc sĩ. Thế nhưng, công việc nhàn nhã và thu nhập ổn định không khiến anh hài lòng. Nguyễn Cảnh Bình quyết định nghỉ việc ở Petrolimex từ ngày 1/2/2002 để tìm kiếm tương lai khác và chấp nhận sự bẽ bàng “mẹ tôi có lẽ buồn lắm, bà thất vọng với quyết định này vì đã mất công sức xin cho tôi vào một chỗ làm như vậy”.
Trở thành kẻ thất nghiệp ở tuổi 30, Nguyễn Cảnh Bình chỉ thực sự đắm đuối với việc đọc sách và viết lách. Ước mơ du học và dự định làm biên tập viên một tạp chí chuyên ngành cũng không xong, Nguyễn Cảnh Bình từng lâm vào bế tắc và túng bấn. Nhờ ý chí kiên định, anh không gục ngã. Khép lại những gì đã học về ngành hóa dầu, Nguyễn Cảnh Bình tự đào tạo theo cách khác, không chỉ mày mò trong các thư viện mà anh còn mạnh dạn viết thư trao đổi thẳng thắn với những tác giả, những nhân vật mà mình đọc được trên báo.
Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình sáng lập Alpha Books từ số vốn 80 triệu đồng do anh và 7 người bạn mỗi người góp 10 triệu đồng, với sản phẩm ra mắt “Chân dung những nhà cải cách tiêu biểu thế giới” vào tháng 12/2004. Về năng lực cá nhân, lúc ấy Nguyễn Cảnh Bình biên soạn được hai cuốn sách, “Cuộc đời và sự nghiệp của Alexander Hamilton” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2003 và “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào” do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành đầu năm 2004, nhưng để vận hành một doanh nghiệp sách thì không chỉ cần chút thành tựu kia. Sở dĩ, Nguyễn Cảnh Bình quản lý và điều hành Alpha Books hanh thông là nhờ gần một năm lăn lộn làm thuê ở Cao ốc Việt Âu và Ô tô Hoàng Trà.
Cuốn tự truyện “Sinh năm 1972” chia làm 7 phần, “Tuổi thơ, sách vở và cái nghèo”, “Những tháng ngày bạc nhược”, “Chặng đường đến với tự do”, “Hành trình tìm kiếm chính mình”, “Alpha Books, bước ngoặc cuộc đời”, “Thế giới quả thực vô cùng rộng lớn” và “Những chân trời mới”. Người đọc đồng cảm với Nguyễn Cảnh Bình, không chỉ vì cuốn tự truyện “Sinh năm 1972” nằm trong dòng văn học tự sự được ưa chuộng của thế kỷ 21, mà ở những giải bày rất chân thành.
Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình đã có cuốn tự truyện “Sinh năm 1972” đúng như anh quan niệm: “Tôi muốn viết đúng về mình hết mức có thể, như một văn bản mô tả chân dung con người xù xì, thô ráp, đầy những vết sẹo trong suy nghĩ”.
Cuốn tự truyện “Sinh năm 1972” chắc chắn khơi dậy khát vọng sống cho nhiều bạn trẻ. Chỉ có điều cần lưu ý, có phải ai cũng đủ khả năng để từ một nhân viên Petrolimex thành một ông chủ thương hiệu Alpha Books hay không? Cần phải đắn đo đấy, bởi chính doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình cũng nhấn mạnh bối cảnh chuyển đổi nhọc nhằn của mình: “Tôi không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền, không bị áp lực phải chịu trách nhiệm nuôi gia đình như nhiều bạn bè, và nhờ thế tôi vẫn có thể cố gắng, kiên trì theo đuổi đam mê của mình. Tôi nghĩ rằng, nếu ở một hoàn cảnh khác, chịu nhiều áp lực cuộc sống hơn, có thể tôi sẽ khó lòng theo đuổi những điều có phần viển vông như thế”.