| Hotline: 0983.970.780

Khoảng lặng của tiếng Cồng Chiêng

Chủ Nhật 09/04/2017 , 09:01 (GMT+7)

Những ngày qua, tinh thần “đại ngàn” ồn ả đêm ngày trên mặt đất lẫn mọi phương tiện truyền thông cả nước, khi luôn được mang ra đặt, thổi vào mọi chương trình ở lễ hội cà phê...

Những ngày qua, tinh thần “đại ngàn” ồn ả đêm ngày trên mặt đất lẫn mọi phương tiện truyền thông cả nước, khi luôn được mang ra đặt, thổi vào mọi chương trình ở lễ hội cà phê lẫn liên hoan văn hóa cồng chiêng ở Buôn Ma Thuột, kể cả nội dung thuần túy về kinh tế, thương mại, du lịch, nghĩa là không chỉ văn hóa, nghệ thuật, giải trí.

09-16-53_trng-19
Tiếng cồng tiếng chiêng đã vắng bóng dần trong đời sống cộng đồng ở các (làng) bon, buôn, plei… (Ảnh minh họa)

Giá trị “Đại ngàn” nó lớn đến nỗi dường như nhắc đến Tây Nguyên không thể có sự lựa chọn nào khác thế, cho dù ở thời đại nào, hoàn cảnh nào. Tinh thần ấy vang lên trong bối cảnh mà bên ngoài thực địa Tây Nguyên bằng mắt ai cũng thấy nó không hề còn điệp trùng rừng, ngút ngàn nguyên sinh, thẳm sâu huyền thoại, mà đã là bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su, mênh mông tiêu, điều, bắp, đậu, cùng với cảnh trạng chật nêm làng xã mới với người nhập cư từ xa đến…

Dù ta có bênh vực cho việc lấy “chất liệu” đại ngàn làm phông nền kia cũng không làm cho mọi ngọn núi, cánh rừng, dòng sông, con suối … trùm lên màu xanh nguyên sinh, và khỏa lấp được sự thật là những chỏm rừng tự nhiên chỉ còn với diện tích ít ỏi, le lói và luôn phập phồng trong vài vườn quốc gia trên xứ sở này.

Ta đang tưởng niệm, làm “kỷ niệm” về nền văn minh rừng, văn hóa Tây Nguyên, hơn là thực tiễn đời sống đang là. Kêu gọi sự cần thiết phải biết ngượng khi nói về sự ăn khớp, ở đây là sử dụng chất liệu “Đại ngàn” sẽ là một câu chuyện khác, vì nó thuộc vào lòng tự trọng, tính trung thực và sự hiểu biết của chỗ này chỗ nọ, mà nó là chuyện không dễ.

Ở đây chỉ nói về sự sống còn của cuộc đời thật Tây Nguyên, mà ở đó rừng là nền tảng xứ sở này. Gần 450.000 hécta cà phê đã đưa về 3,5 tỉ USD, cùng hàng trăm ngàn hécta tiêu, cao su… đưa thêm về vài tỉ USD nữa. Qui hoạch cây trồng nào cũng vỡ qui hoạch, mất kiểm soát, thậm chí gọi đúng tên phải là “rơi” tự do.

Nhưng chính cây trồng đó cùng cơn lốc dân nhập cư không dừng đã xua đi những cánh rừng nguyên sinh của Tây Nguyên, lột trần xứ sở, và “hàng chục cái thủy điện xây dựng đã làm suối cạn, sông khô”(lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi). Tất cả có được từ rừng. Một cuộc đổi chác nghiệt ngã.

Cho đến những năm gần đây nhất, mỗi năm cũng mất thêm ít nhất hai vạn hécta rừng tự nhiên. Tình cảnh nhiều nơi ở Tây Nguyên giờ phải khoan giếng sâu trên trăm mét mới tìm thấy nước uống và nước tưới là điều chưa từng thấy trên xứ này.

Còn trong từng tổ nhà, đến cấu trúc xã hội của cộng đồng bản địa bị rạn vỡ ở nhiều khía cạnh đời sống lẫn tinh thần. Bởi, rừng đẻ ra văn hóa Tây Nguyên, từ cái lễ thổi tai để hình thành nên kiếp con người, cho đến lễ cúng rừng, rẫy, mưa, bến nước, lúa mới, mừng tuổi, bỏ mả…

Tiếng cồng tiếng chiêng mà khi nói về Tây Nguyên ai cũng biết ấy chỉ “sống” đúng nghĩa, thiêng, khi nó được đánh lên trong không gian của rừng, con người được “trao đổi chất” trực tiếp với rừng.

Tây Nguyên quí báu, huyền thoại là ở chỗ này. Nhưng giờ đây, những lễ hội đó, tiếng cồng tiếng chiêng đó đã vắng bóng dần trong đời sống cộng đồng ở các (làng) bon, buôn, plei…, hay nói đúng hơi nó chỉ xuất hiện trong các chương trình sân khấu hóa, lên “kịch bản”, hay dịch vụ du lịch, nghĩa là không từ tự thân cộng đồng, hoặc họ không thuộc về.

Và cả Sử thi(Ót n’rông, Khan) mà Chính phủ đang hướng đến đưa ra thế giới công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới lại càng thế_ chính nền văn minh rừng đẻ ra nó, và chỉ được diễn xướng bên sự nồng ấm của rừng, không gian rừng.

Không phải ngẫu nhiên mà quá mười năm trước, UNESCO sâu sắc khi công nhận “Không gian” văn hóa cồng chiêng là di sản đại diện của nhân loại, chứ không phải là chiếc cồng, chiếc chiêng, nhạc cụ, việc biểu diễn nó. Rừng không còn, thì không gian di sản đó trú ở đâu (!?).

09-16-53_trng-18
UNESCO sâu sắc khi công nhận “Không gian” văn hóa cồng chiêng là di sản đại diện của nhân loại, chứ không phải là chiếc cồng, chiếc chiêng, nhạc cụ, việc biểu diễn nó

Có những sai lầm dây chuyền kéo dài và xót xa lẫn nhau suốt bốn mươi năm qua khi sử dụng Tây Nguyên, ứng xử với Tây Nguyên. Bỗng một ngày tôi ngạc nhiên vì sự tinh tế của một chính khách và le lói hy vọng vào sự tinh tế đó, rằng nó thật lòng và tầm nhìn sâu rộng, so với những nhiệm kỳ đã qua, khi ông Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi ở Buôn Ma Thuột đã đặt ra vấn đề phát triển mới cho Tây Nguyên: “Phải làm cho hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn”. Ông cũng dùng từ “Tội ác” để chỉ những hành động phá rừng, vi phạm lâm luật. Lời lẽ nặng nề và đanh thép hiếm thấy. Năm ngoái chính ông đã ra lệnh đóng cửa rừng toàn Tây Nguyên.

Hiện sinh, Tây Nguyên đang là mái nhà của Đông Dương, lá phổi xanh, tấm áo tự nhiên và Tô Dà - nơi tạo ra nguồn nước(tiếng các dân tộc bản địa xứ này) nhân từ để cân bằng, che chở và nuôi dưỡng cho đồng loại mình ở dọc duyên hải Miền Trung, Tp.HCM, và cả miền Tây Nam Bộ(nhiều con sông chảy về dòng Mê Kông phía bên Lào, Cambodia để tụ về đó) xưa nay mà. Và bằng cái nhìn thực dụng cho tương lai, Tây Nguyên là “của để dành” cho đất nước, giữa thời buổi biến đổi khí hậu, và mối nguy “Biển tiến” đang hé lộ dần từ đại dương dưới kia.

Giá trị cao cả của “Đại ngàn” đang thách thức lương tâm và sự tận tình của chúng ta, mà trước hết cho cộng đồng gắn bó máu thịt, ngàn đời ở đó. Những lúc thế này, tiếng vọng của sử thi Dam San_một trong hàng trăm bộ sử thi đặc sắc ở Tây Nguyên từ trong mù xa lại vang lên thứ ký ức đại ngàn, chứ không còn là hiện thực của xứ sở: “Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà sàn vang xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời và lan ra khắp cả xứ. Hãy đánh cho đến lúc voi và tê giác phải lắng nghe mà quên cho con bú. Đánh cho ếch nhái và dế cũng phải lắng nghe mà không kêu nữa…”.

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Đội tuyển Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 6/1, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.