| Hotline: 0983.970.780

Khởi nghiệp chế biến dừa sáp nhận Giải thưởng Lương Định Của

Thứ Ba 08/11/2022 , 08:07 (GMT+7)

TRÀ VINH Mô hình khởi nghiệp từ chế biến trái dừa sáp của anh Trần Duy Linh ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022.

Đối với nhiều bạn trẻ, được làm chủ bản thân về kinh tế, công việc luôn là khát vọng cháy bỏng. Thế nhưng từ ước mơ đến hiện thực là khoảng cách rất xa, có khó khăn, có cả thất bại và thậm chí là nước mắt. Câu chuyện khởi nghiệp từ trái dừa sáp của anh Trần Duy Linh ở Trà Vinh là một điển hình. Đây cũng là một trong 32 gương tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay.

Empty

Anh Trần Duy Linh (giữa) nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022 tối 4/11. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) chia sẻ: “Khi mình chọn trái dừa sáp là nguyên liệu thô để chế biến thì biên độ lợi nhuận rất thấp. Tuy nhiên, điểm được là sản phẩm đa dạng và mới trên thị trường”.

Với niềm tin như thế, anh đã mạnh dạn kết nối với vùng nguyên liệu của HTX Hoà Tân (xã Hoà Tân, huyện Cầu Kè) để bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc HTX Dừa sáp Hoà Tân, nếu không bán được cho công ty thì các thương lái vào vườn mua rẻ hơn khoảng 10.000 – 15.000 đồng/trái.

Có được nguyên liệu, anh Linh bắt tay vào chế biến các dòng sản phẩm. Ban đầu là kẹo dừa sáp nhiều hương vị rồi đến các sản phẩm khác. Với người chưa từng kinh doanh ở lĩnh vực thực phẩm, đó là khó khăn lớn. “Mình là người đầu tiên nên nghiên cứu sản phẩm gặp nhiều khó khăn về vấn đề bảo quản, hương vị”, anh chia sẻ.

Empty

Anh Trần Duy Linh (bên phải) lắng nghe khách hàng phản hồi về sản phẩm tại Văn phòng đại diện của Công ty tại TP Cần Thơ. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm mà anh Linh theo đuổi là dừa sáp chế biến không chất bảo quản, không phẩm màu, không chất tẩy trắng và ít đường, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận là chuyện không hề dễ dàng. Sản phẩm quá mới, giá thành lại khá cao nên cần phải có chiến lược riêng. “Người ta không biết sản phẩm này có phải là dừa sáp hay không, chúng tôi phải mất nhiều thời gian cho quảng bá, truyền thông, thậm chí trưng bày để cho khách dùng thử” anh Linh tâm sự.

Sau chặng đường bắt đầu khởi nghiệp, tìm ra được sản phẩm, anh Linh đã được tỉnh Trà Vinh hỗ trợ tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại. Từ đó, anh mạnh dạn quảng bá để mọi người biết nhiều hơn về sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp. Trái dừa sáp tươi chỉ có thể sử dụng được khoảng 10 ngày, thế nhưng thông qua công đoạn chế biến, đã kéo dài thời gian sử dụng khi đến tay người tiêu dùng. Điển hình như hủ dừa sáp sợi có thời gian sử dụng lên đến 9 tháng.

Ông Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Huyện uỷ Cầu Kè nhận xét: “Hướng của doanh nghiệp kết hợp với địa phương sẽ thu mua toàn bộ dừa sáp trên toàn huyện. Bà con sẽ không còn cảnh chạy xô đi bán chỗ này chỗ kia. Những sản phẩm dừa sáp không còn cảnh chế biến những món ăn thông thường, gọi là hàng thô nữa. Bây giờ tập trung chế biến những sản phẩm có thương hiệu”.

Empty

Sản phẩm của Công ty Dừa sáp Cầu Kè có mặt tại các hội nghị để quảng bá. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, nhiều sản phẩm của anh Duy Linh đã xuất khẩu và đưa vào hệ thống cửa hàng đặc sản. Đáng chú ý, 4 sản phẩm gồm dừa sáp sợi, kẹo dừa sáp ca cao, kẹo dừa sáp nguyên chất và kẹo dừa sáp lá dứa đã được Sở NN-PTNT đánh giá có tiềm năng đạt OCOP 5 sao. Hiện Sở NN-PTNT Trà Vinh đã hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ NN-PTNT đề nghị đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Hai năm vừa qua là một phép thử khắc nghiệt nhất, đồng thời cũng thiết thực nhất đối với tất cả những thanh niên trong con đường lập thân, lập nghiệp hay khởi nghiệp tại nông thôn. Những mô hình còn trụ vững sau đại dịch Covid-19 đã phát triển một cách bền vững, đóng góp thiết thực cho xây dựng nông thôn mới. Họ là những nhà nông trẻ cùng nhau xây dựng một lớp nông dân mới, hiện đại và văn minh hơn, cùng nhau hướng tới một nền nông nghiệp xanh.

Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn phát động. Đây là giải thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những thanh niên tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm