Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cây dừa là 1 trong những cây chủ lực, thế mạnh của tình, cũng là cây có nhiều lợi thế của vùng ĐBSCL. Hiện tỉnh đã có khoảng 25.000 ha, trong đó có 4.012 ha dừa hữu cơ đạt chứng nhận (EU, USDA), 722 ha dừa sáp. Tỉnh Trà Vinh đang xây dựng nhãn hiệu độc quyền dừa sáp Cầu Kè và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Dừa sáp Trà Vinh” cho sản phẩm trái dừa sáp.
Giai đoạn 2018-2020, bằng sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực (Dự án AMD, Dự án SME) và các doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi giá trị dừa trong và ngoài tỉnh, ngành hàng dừa Trà Vinh đã có bước đột phá vượt bậc về chất lượng trái và các sản phẩm giá trị gia tăng.
Hiện nay, dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ. Trong đó, có 260ha dừa đạt 6 tiêu chuẩn: EU, Mỹ, Nhật, Úc Thuỵ Điển và GlobalGAP, chiếm 16% diện tích dừa toàn tỉnh. Hầu hết các diện tích này đã được 6 doanh nghiệp liên kết bao tiêu thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%.
Đại diện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre cho biết đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại tỉnh Trà Vinh từ năm 2016 đến nay. Công ty đã thực hiện đánh giá chứng nhận và tái chứng nhận 2.949 ha dừa hữu cơ đạt chứng nhận EU, USDA. Trong đó, 260 ha đạt 6 tiêu chuẩn Châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật – JAS, Úc – ACO, Thụy Điển – KRAV GlobalGAP. Hiện nay, vùng nguyên liệu của công ty tập trung tại huyện Càng Long 1.400 ha.
Còn ông Nguyễn Bảo Trí, Giám đốc khối sản xuất - Công ty TNHH dừa Lương Quới cũng cho hay: Công ty đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 150ha tại xã Long Đức, TP. Trà Vinh. Hiện công ty đang phối hợp với công ty Chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) định hướng xây dựng 1.000ha dừa hữu cơ gắn với sơ chế tại huyện Cầu Kè.
Tỉnh Trà Vinh cũng rất chú trọng và quan tâm đến các sản phẩm giá trị gia tăng về dừa như: Bánh kẹo dừa sáp, mứt dừa sáp, mỹ phẩm (son môi), tinh dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa cấp đông, than hoạt tính, than gáo dừa, phối nút áo dừa, mật hoa dừa, thảm xơ dừa, tơ xơ dừa đóng kiện, chỉ xơ dừa,... Một số sản phẩm chế biến từ dừa nổi bật của tỉnh Trà Vinh hiện nay như: kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan, mật hoa dừa… Trong đó, có 04 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 5 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận 5 sao.
Nói về định hướng phát triển dừa hữu cơ tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, ông Lê Văn Đông, cho biết thêm: Tỉnh tiếp tục phát triển ổn định 750 ha dừa sáp đặc sản. Mở rộng diện tích trong và cải tạo vườn dừa bị lão hóa khoảng 5.000 ha tại các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp. Có ít nhất 8.000 ha dừa “theo hướng hữu cơ", trong đó có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ xuất khẩu. Có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ các chuỗi sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao ra thị trường. Trong đó, có ít nhất 2 doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đánh giá về các sản phẩm chế biến từ dừa ở Trà Vinh, GS.TS Trần Văn Hâu, Giảng viên cao cấp khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng:
“Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm chế biến từ dừa. Cây dừa là cây công nghiệp. Nếu không chế biến mà xuất khẩu sản phẩm dừa thô sang Trung Quốc có giá trị rất thấp. Tỉnh Trà Vinh đã có được một số sản phẩm chế biến từ dừa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa phương không nên hài lòng ở mức đó mà phải tập trung nghiên cứu tạo ra thêm nhiều sản phẩm nữa. Sản phẩm đa dạng mới có giá trị gia tăng cao”.
Cũng theo GS.TS Trần Văn Hâu chia sẻ, tỉnh Trà Vinh có 3 loại dừa: dừa chao, dừa lùn, dừa sáp. Địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng dừa, nhất là vùng dừa cấy phôi. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển cây dừa nước để tận dụng nguồn tài nguyên quý giá này.