Mọi sinh hoạt của người dân huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đều nhờ cả vào dòng sông Liên. |
Người dân làm đủ mọi cách để lấy nước và chắt chiu từng gàu nước vẫn không đủ dùng. Các con sông, khe suối cũng đang dần cạn kiệt, cuộc sống của người dân đối mặt muôn vàn khó khăn.
Xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) có 8 thôn với hơn 1.300 hộ dân, trong đó có hơn 300 hộ dân tại 4 thôn đang dùng nước sông, nước suối để sinh hoạt. Thế nhưng, nhiều tháng qua, dòng sông Liên - nơi cung cấp nước chủ yếu đã cạn trơ đáy. Thời gian tới, nếu không có mưa thì các hộ trong vùng sợ rằng, nguồn nước ít ỏi còn lại trên con sông này sẽ không đủ đáp ứng cho họ.
Theo các hộ dân, do năm nay nắng hạn kéo dài nên tình trạng thiếu nước diễn ra sớm hơn mọi năm 2 tháng, khiến đời sống sinh hoạt và SX của bà con gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nước sông ngày càng ô nhiễm nên người dân chỉ có thể sử dụng để rửa chén bát, xoong nồi, giặt giũ...
Anh Lục Ban Huấn, thôn Làng Măng, xã Ba Dinh cho biết: “Phía đầu sông có nhiều hộ dân sinh sống, nên chất thải từ chuồng heo, chuồng gà, thậm chí là rác xả hết xuống sông, khiến nguồn nước ô nhiễm nặng. Mỗi lần tắm xong người ngứa không chịu nổi. Nhưng nước sạch để uống còn thiếu trầm trọng, lấy đâu ra nước sạch để tắm giặt”.
Để có nước sinh hoạt, người dân dùng nhiều cách khác nhau nhưng không hiệu quả. Theo ông Phạm Văn Nhoi, thôn Làng Măng thì bà con không biết làm gì để có nước ăn uống, ngoài việc đào mấy cái hố nhỏ cạnh bìa sông để lọc nước. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân bỏ ra 5 - 10 triệu đồng thuê thợ về đào giếng khoan nước. Vậy nhưng, nhiều giếng đào sâu tới 70 - 80m vẫn không có nước. Họ lại đành ngậm ngùi sử dụng nước sông, suối vậy.
Không có nước sạch, người dân xã Ba Dinh (huyện Ba Tơ) phải đào hố cạnh bờ sông để lọc nước uống. |
Ông Phạm Văn Ôn, Chủ tịch UBND xã Ba Dinh cho biết, từ trước Tết Nguyên đán đến nay chưa có trận mưa nào. Hiện tại có rất nhiều hộ dân phải dùng nước sông, nước suối để uống, tắm giặt, nấu nướng. Trong khi nguồn nước của các con sông trong địa bàn xã bị ô nhiễm nặng do chất thải sinh hoạt của người và gia cầm, gia súc đổ hết ra sông.
Tại Quảng Nam, tình trạng thiếu nước sinh hoạt nhất là ở miền núi đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Từ cuối tháng 3 đến nay, nhiều nơi ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, người dân khốn khổ vì khan hiếm nước. Các con sông, khe suối bấy lâu nay bà con vẫn thường xuyên lấy nước về ăn bây giờ không còn giọt nước nào. Hàng chục hộ dân trông chờ vào một vòi dẫn nước tập trung nhưng khó khăn lắm mới có được nước mang về dùng.
Mang theo 2 chiếc can nhựa đến ống dẫn nước đầu làng lấy nước, bà Nguyễn Thị Sót (trú thôn 4, xã Trà Bui) cho biết, từ cuối tháng 4, người dân thôn 4 phải luân phiên nhau mang can nhựa đến đây chầu chực lấy nước. Nhưng chỉ có một chiếc vòi nhỏ, nước chảy ít nên mọi người phải đứng chờ tới lượt mình.
“Nắng nóng khô hạn nên nước giờ hiếm lắm. Bà con ai cũng biết trên đầu nguồn chăn thả trâu bò, nước không sạch nhưng vì không có nước nên đành phải dùng. Các năm trước đều hạn, thiếu nước sinh hoạt nhưng hạn không đến sớm như năm nay. Nếu thời gian tới trời không mưa thì chắc sẽ không có nước uống”, bà Sót nói.
Theo người dân ở xã Trà Bui, năm 2006 tại khu vực nóc Bà Huề (thôn 4, xã Trà Bui) có xây một bể chứa nước sạch cho người dân nhưng chỉ dùng hơn 10 năm rồi hư hỏng. Do đó, nhiều năm qua, cứ đến mùa hè là thiếu nước sinh hoạt. Thậm chí, vì không có nước sử dụng nên nhiều hộ dân trong vùng còn di dời đến nơi khác sinh sống.
Hàng chục hộ dân ở xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My) phải sử dụng chung một vòi dẫn nước. |
Ông Nguyễn Dương Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay không có mưa. Tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến các thôn 2, 4, 6, 8 thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt thôn 4 thiếu nước sinh hoạt gay gắt, một số nơi không có nước hoàn toàn.
“Trước đây người dân dùng ống nhựa rồi dẫn nước về dùng, nhưng đến nay hệ thống ống nước đã xuống cấp nên nguồn nước dẫn về bị hao hụt thêm. Hiện nay 50% mực nước ở các sông, suối cạn kiệt. Trên địa bàn xã cũng có 8 công trình chứa nước sạch tự chảy nhưng đã có 6 công trình hư hỏng không thể phục vụ cho bà con. Nếu nắng cứ tiếp tục kéo dài, dân không biết lấy nước đâu mà uống”, ông Thi nói. |