| Hotline: 0983.970.780

Không khí đón Tết cổ truyền ở cố đô

Chủ Nhật 19/01/2020 , 20:05 (GMT+7)

Phong tục đón Tết là một nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ ngàn xưa trong mọi gia đình người Việt, Huế cũng không ra ngoài đặc điểm đó.

Không khí đón Tết cổ truyền ở Huế rộn ràng trên khắp muôn nơi với nhiều nếp xưa còn được gìn giữ, bảo tồn.

Những ngày này, người dân ở Huế tất bật sửa sang lại nhà cửa để đón tết cổ truyền.

Những ngày này, ở Huế từ thành thị đến nông thôn, không khí chuẩn bị chào đón Tết cổ truyền tất bật, ấm cúng. Nhiều nhà đã có vài ba chậu hoa cúc, thược dược vàng để trước hiên, ngoài sân; một cành hoặc đôi chậu mai vàng trong nhà. Dù bận rộn đến mấy, gia đình nào cũng lo sửa sang, quét dọn sạch sẽ từ trong nhà ngoài ngõ, nơi thờ cúng tổ tiên.

Ở Huế rất coi trọng việc cúng kiếng trong những ngày Tết; trước Tết có cúng Ông Táo, cúng Tất niên, cúng cổ lên nêu, rước ông bà về ăn Tết, cúng Giao thừa… Không khí Tết ở Huế thực sự bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp, khi các phường hội thợ thuyền làm lễ cúng tổ nghề, cũng là lễ cúng tất niên, một số nghề vẫn còn tiếp tục hoạt động cho tới tận phút giao thừa.

Có dịp ghé thăm nhà ông Phạm Đăng Khiêm (71 tuổi) trú tại đường Vạn Xuân, phường Kim Long, TP. Huế, được ông cho biết, năm nào cũng vậy cứ đến khoảng ngày 25 tháng Chạp là gia đình ông Khiêm lại tạm gác công việc, quây quần bên nhau cùng sửa sang lại nhà cửa, sân vườn để chuẩn bị chào đón Tết cổ truyền.

Cũng theo ông Khiêm, sau khi quét dọn bàn thờ, thay cát mới cho bát nhang và đánh bóng những bộ tam sự, ngũ sự trên bàn thờ gia tiên, gia đình ông chuẩn bị hương hoa đi thăm viếng, dọn dẹp vệ sinh nơi phần mộ, rồi thắp mấy nén nhang mời người quá cố về ăn Tết với gia đình.

Chăm chút, trang trí bàn thờ tổ tiên.

Đến với gia đình ông Nguyễn Điểu (62 tuổi, ở phố cổ Bao Vinh, xã Hương Vinh (TX. Hương Trà) chúng tôi cũng thấy được cảnh tất bật công việc chuẩn bị đón tết nơi đây. Tạm gác công việc hàng ngày làm vàng mã, gia đình Điểu cũng đang tranh thủ lau chùi lại nhà cửa, bàn thờ để sắp xếp bố trí cho kịp thời gian Tết.

“Những ngày này thì nhà nào cũng thế  bộn bề, tất bật để chuẩn bị đón xuân; tuy hơi vất vả hơn ngày thường nhưng cảm thấy vui vẻ và ấm cúng vì sự đoàn viên gia đình” ông Thiết chia sẽ.

Tết có lẽ là ngày để người phụ nữ trong gia đình Huế trổ tài nữ công gia chánh. Bà Nguyễn Thị Phụng 65 tuổi ở Bao Vinh ( Hương Vinh, TX. Hương Trà) là một trong số đó, vừa chuẩn bị những nguyên vật liệu cho món ăn ngày Tết, bà Phụng vừa cho biết, Tết năm nay gia đình bà cũng chuẩn bị món ăn như mọi năm, trong đó, không thể thiếu những món truyền thống Huế như bánh chưng, bánh tét và các món nem chả tré, dưa món, tôm chua.

Khắp nơi người dân treo cờ Tổ quốc và chưng hoa trước nhà để chào đón xuân về.

Theo bà Phụng, sự chuẩn bị được cho là chu đáo nhất có thể thấy ở mâm cỗ ngày Tết của người Huế. Tùy theo điều kiện từng gia đình nhưng nhìn chung ở mâm cỗ ngày Tết của người Huế thường thấy có bánh chưng, bánh tét, nem tré, dưa món, tôm chua, thịt luộc. Ngọt thì có các loại mứt, bánh ngọt như bánh thuẩn, bánh in, mứt gừng, mứt dừa, mứt me, mứt hạt sen, chè khoai môn, chè xanh đánh... Ngoài ra, còn có các món bánh tráng, rau sống, thịt gà trộn rau răm, vả trộn, măng trộn, mít trộn được dọn như món khai vị.

Vào ngày đầu năm các gia đình theo đạo Phật ở Huế thường có mâm cơm chay ngày mồng để cúng tổ tiên. Món chay dưới bàn tay sáng tạo và khéo léo của các bà nội trợ, các loại rau dưa bình thường như hoa chuối, nấm rơm, đậu phụng, đậu hũ... trở thành những món thơm ngon, lạ miệng.

Sắc xuân trên đường phố.

Với người Huế, sự tỉ mỉ, khóe léo trong các món ăn bày biện lên mâm cỗ cúng gia tiên không chỉ thể hiện sự công phu, nết tài nội trợ của người phụ nữ mà còn là nét gia phong của mỗi nhà.

Không khí rộn rã đón xuân còn được thể hiện trên mọi nẻo đường, ngõ xóm ở Huế; người đi chợ để mua sắm thực phẩm, quần áo cho gia đình ngày tết, người thì đến chợ hoa chọn cho mình một vài chậu cúc, cành đào khoe sắc đưa về nhà chưng tết.

Một phần không thể không kể đến là trò chơi, lễ hội những ngày Tết ở Huế, rất phong phú, đa dạng dù là trò chơi xuất phát từ cung đình hay là trò dân dã. Có thể kể đến như: trò chơi tập thể có hội bài chòi, đu tiên, đua ghe, đấu vật... hay lễ hội như đua ghe trên sông Hương, vật võ làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang); trong gia đình có hội bài tới, xăm hường, tứ sắc.

Nét xuân đã về trên khuôn mặt trẻ thơ.

Tết cổ truyền, người Huế thường dành đêm giao thừa là lúc gia đình đoàn viên, ngày mồng Một để đi viếng mộ tổ tiên, thăm nhà thờ họ tộc, thăm ông bà, cha mẹ, chúc Tết thầy, cô... sang mồng Hai, mồng Ba đi viếng thăm đồng nghiệp, bằng hữu.Năm nào cũng vậy, trong công viên Thương Bạc vẫn diễn ra hội chợ với các trò vui xuân có thưởng và trong các gia đình người Huế tiếng gieo xúc xắc của trò xăm hường vẫn rộn vang trong ba ngày Tết.

Trong văn hóa đón Tết cổ truyền ở Việt Nam, trong cách thức chung của cả nước thì mỗi vùng miền cũng có nét riêng mang đặc sắc địa phương, Huế cũng không ra ngoài đặc điểm đó. Tết ở Huế vẫn còn lưu giữ được nhiều nếp xưa.

Xem thêm
Công bố kết quả khám nghiệm tử thi nhà văn Quỳnh Dao

Kết quả khám nghiệm tử thi nhà văn Quỳnh Dao cho thấy không có dấu vết án mạng. Gia đình nữ nhà văn không có ý kiến về kết quả khám nghiệm tử thi.

Man.United thua Arsenal, rơi khỏi tốp 10

Lượt trận vòng 14 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025 chứng kiến thêm cuộc so tài hấp dẫn giữa Arsenal và Man.United.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.