Từ đó nâng cao giá trị và hình ảnh cho con cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản kiến nghị lùi thời gian thực hiện Nghị định, đồng thời đòi sửa một số điều khoản.
Kiến nghị của VASEP
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, phân tích, việc cân đối cung - cầu, quy hoạch theo địa giới hành chính hay quy hoạch trên diện tích vùng nuôi trong nội dung Nghị định cần làm rõ và cần có chế tài trong việc kiểm soát quy hoạch.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng và một số DN XK cá tra, việc đăng ký hợp đồng DN qua Hiệp hội Cá tra Việt Nam có nhiều điểm bất lợi cho DN. Bởi trên thực tế cho thấy, trong Ban lãnh đạo Hiệp hội Cá tra cũng có nhiều cá nhân là chủ DN SX cá tra. Do vậy, việc đăng ký này có thể ảnh hưởng đến DN khác.
“Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng bớt quy định đăng ký do Hiệp hội Cá tra thực hiện. Bởi việc đăng ký đã có hải quan làm và họ đã có tất cả số liệu. Hiện Hiệp hội Cá tra có rất nhiều DN, có lãnh đạo DN lại là Phó Chủ tịch Hiệp hội và DN này cũng XK cá tra. Vậy thông tin mật này có kín được không?”, ông Dũng nói.
Còn ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch VASEP, TGĐ Cty Thủy sản Hùng Vương, nhận định: Nghị định về con cá tra phải đi từ gốc. Đây là sự liên kết 3 nhà giữa nông dân, DN và nhà quản lý để phát triển. Nhưng thời gian qua, việc đầu tư nuôi trồng chưa có, kể cả DN đầu tư nuôi trồng từ ngân hàng cũng không có.
Chính vì vậy, ông Minh cho rằng phải có những giải pháp căn cơ mới giải quyết được cái “khó” của ngành hàng cá tra. “Tôi cho rằng Nghị định ra đời là cần thiết, nhưng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Làm sao để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người nuôi. Người dân có một ao, ngày trước chính mình khuyến khích người ta làm, bây giờ áp dụng những tiêu chuẩn thì khó thực hiện”, ông Minh cho hay.
Mặc dù Nghị định có hiệu lực từ 20/6, nhưng quy định từ 31/2/2015, tất cả vùng nuôi phải đạt tiêu chuẩn VietGap, ASC, GlobGap… Quy định này chỉ phù hợp với những vùng nuôi của các DN có đầu tư lớn, còn DN nhỏ, nhất là nông dân không có khả năng tài chính mà đưa quy định này vào chỉ làm tăng thêm chi phí vì thực tế họ không có nhu cầu và nhiều thị trường cũng không đòi hỏi có chứng chỉ như vậy.
Ngoài ra, theo lãnh đạo VASEP, việc quy định độ ẩm 83% là không thực tế, bởi “khi chúng ta nâng chất lượng cá tra lên thì phải khảo sát xem có phù hợp với thị trường tiêu thụ không? Nâng chất lượng lên đồng nghĩa với việc phải tăng giá bán, nhưng con cá tra Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh rất lớn từ một số loài thủy sản như con cá Alaska bollock chẳng hạn.
Sản lượng đánh bắt loài cá này hằng năm từ Mỹ, Nga đều đang tăng nhanh chóng. Thành ra, giá của loài thủy sản này cạnh tranh không chỉ với cá tra Việt Nam mà ngay cả cá biển làm surami”, một lãnh đạo VASEP nói.
“VASEP làm phá sản ngành nuôi cá tra”
Bước sang những tháng đầu năm nay, tỷ lệ diện tích cá tra do DN nuôi đã tăng lên rất nhanh và chiếm khoảng 70% tổng diện tích nuôi cá tra. Điều này cho thấy, những nông hộ nuôi cá tra đã mất khả năng tự đầu tư SX và chuyển dần sang lệ thuộc vào DN thông qua các hình thức nuôi hợp tác, nuôi gia công cho DN.
Chính vì thế, với hy vọng cùng với ý kiến của các DN trực tiếp SX, chế biến cá tra ở ĐBSCL, Nghị định 36 đi vào thực tế sẽ tạo ra “luồng gió mới” trong nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra. Từ đó, sẽ nâng cao giá trị và hình ảnh cho con cá tra của Việt Nam.
Ông Hồ Văn Vàng, GĐ Liên hiệp HTX Thủy sản Vĩnh Long, cho rằng, Nghị định 36 ra đời ngày 29/4/2014 được lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo trong vòng 4 năm với 10 tỉnh ĐBSCL, các hộ nuôi, nhà máy chế biến, Hiệp hội Thủy sản các tỉnh, chuyên gia nước ngoài… nên rất đầy đủ và đây sẽ là cơ hội để ngành nuôi cá tra phục hồi.
Tuy nhiên, việc VASEP tổ chức họp các nhà máy chế biến để kiến nghị Chính phủ về chậm ban hành Nghị định 36 đến 1/7/2015, không đồng tình quy định mạ băng 10% cũng như không đồng tình giá sàn thu mua nguyên liệu là “làm phá sản ngành cá tra, làm nghèo nông dân ĐBSCL và làm nghèo kinh tế đất nước”.
Ông Vàng dẫn chứng, gần 10 năm qua, VASEP lãnh đạo các nhà máy chế biến và XK cá tra tự do thao túng, quản lý lỏng lẻo để các DN cạnh tranh không lành mạnh, tranh nhau hạ giá bán để có đơn hàng, từ đó ép giá mua của nông dân.
“Trong 2 năm 2012 và 2013, các DN mua cá của nông dân dưới giá thành từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, đồng nghĩa với nông dân lỗ số tiền tương tự. Nhiều hộ nuôi phá sản, đời sống gặp rất nhiều khó khăn”, ông Vàng phân tích.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, VASEP và các DN có đóng góp rất lớn đối với tìm kiếm thị trường và XK các sản phẩm cá tra nói riêng và thủy sản nói chung. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thị trường một cách bền vững, đã đến lúc chúng ta phải bỏ những lợi ích cá biệt để tuân thủ các quy định, vì lợi ích chung. |
Theo ông Vàng, việc ra đời Nghị định 36 nhằm chấn chỉnh lại ngành cá tra, từng bước đi vào ổn định để người SX trong chuỗi cung ứng cá tra có lợi ích, ổn định và phát triển bền vững. Đây là mô hình rất thành công tại Na Uy với sản phẩm cá hồi.
“Kiến nghị trên của VASEP là sự vùng vẫy không thể chấp nhận được. Nhiều DN mua cá của nông dân nợ từ 1 đến 6 tháng, thậm chí không trả. Như vậy, các DN đã đối xử rất tệ với nông dân. Ngoài ra, Nhà nước có chính sách hoàn thuế VAT 5% tiền thức ăn cho DN, còn nông dân thì không được.
Đã ưu đãi như thế, thì đáng lẽ DN phải làm tốt hơn. Đằng này, họ còn quay tăng trọng, bơm nước vào cá từ 30-40% khiến sản phẩm cá tra của Việt Nam mất uy tín trên thị trường thế giới. Đây là một hành vi phá hoại nền kinh tế đất nước”, ông Vàng bức xúc.
Trên quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, không thể lùi thực hiện Nghị định được, mà Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị định, nhất là thời gian có hiệu lực thi hành.
“Nghị định là công cụ pháp lý để chấn chỉnh, tái cơ cấu toàn bộ ngành hàng, khắc phục những điểm hạn chế. Như vậy không có lý do gì để lùi cả. Tất nhiên, để thực hiện đầy đủ Nghị định thì cần hoàn thiện một số các công việc khác nữa”.
“Về giá sàn thu mua nguyên liệu, Nghị định quy định giá sàn làm cơ sở hướng dẫn cho thu mua. Hiện Bộ Tài chính đang tính toán để cho ra những phương án cụ thể nhất”, ông Tuấn thông tin.
Về quy định độ ẩm là 83% và tỷ lệ mạ băng 10%, tại sao phải quy định, ông Tuấn cho rằng, hiện các sản phẩm cá phi-lê XK Việt Nam đang bán ra thị trường có tỷ lệ mạ băng và độ ẩm rất khác nhau. Thậm chí tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước rất lớn khiến người tiêu dùng thế giới phản ứng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
“Về phần các DN, họ có lập luận tưởng là đúng thế này: Chúng tôi chế biến và XK những sản phẩm mà thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, lập luận này chỉ đúng trong một phạm vi nhất định. DN chỉ bán cho nhà NK, chứ người tiêu dùng không trực tiếp đặt hàng họ.
Như vậy, khi người tiêu dùng mua sản phẩm về, họ thấy tỷ lệ nước cao quá, họ không sử dụng, và đương nhiên họ quay lưng với sản phẩm của ta. Như vậy là ảnh hưởng đến thương hiệu. Đây là thực tế”, ông Tuấn nói.