| Hotline: 0983.970.780

Không nên “trói buộc” báo chí

Thứ Hai 15/10/2012 , 19:04 (GMT+7)

Hơn 100 nhà báo của các cơ quan báo chí đến tham dự và phát biểu ý kiến tại hội thảo có chủ đề “Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí”.

Sáng 15/10, tại Hà Nội, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC - thuộc liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí”. Hơn 100 nhà báo của các cơ quan báo chí đến tham dự và phát biểu ý kiến.


Ảnh: infonet

Hội thảo được thực hiện vào lúc Quốc hội chuẩn bị thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), mà theo dự thảo do Chính phủ trình bày có bổ sung quan trọng về nghĩa vụ của báo chí trong phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong công tác PCTN.

Theo dự thảo sửa đổi Luật PCTN, khoản 4 điều 101 có ghi: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Đã có 1 bản đề dẫn của hội thảo cùng 4 bản tham luận và rất nhiều ý kiến phát biểu của các nhà báo thể hiện quan điểm là không cần thiết có khoản 4 trong điều 101 của Luật PCTN sửa đổi. Các ý kiến phát biểu, trong đó có đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, các Cty luật và đông đảo các nhà báo đều cho rằng, nếu đưa khoản 4 này vào thì đồng nghĩa sẽ “trói buộc” báo chí trong việc tham gia giám sát và PCTN.

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến - báo Thanh niên; nhà báo Ngọc Năm - Đài TNVN và nhà báo Bá Kiên - báo Tiền phong đều cho rằng: Mọi quyền hạn và trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí đều được quy định rất rõ trong Luật Báo chí cũng như trong Quy định về đạo đức nghề nghiệp báo chí rồi. Nó không những được thể hiện rõ mà còn thể hiện một thái độ được tôn trọng và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho nguồn tin mà ở đây chính là danh tính của người cung cấp thông tin.

“Việc có thêm khoản 4 trong điều 101 của dự thảo Luật PCTN sửa đổi sẽ làm cho các Luật đá nhau, chồng chéo lên nhau. Và nếu cứ như thế thì ai mà dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa” - bà Hà Kim Chi - Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam lên tiếng.

Ngay trong điều 7 của Luật Báo chí đã được thể hiện rõ như sau: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Liên quan đến dự thảo Luật PCTN sửa đổi, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội gửi UBTV Quốc hội ngày 17/9/2012 cũng viết: “Theo quy định về đạo đức hành nghề báo chí (do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành) và Bộ quy tắc nghề nghiệp báo chí của thế giới thì bảo vệ nguồn tin là một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của người làm báo".


Các nhà báo tham dự đông đảo.  Ảnh: infonet

Sau ý kiến của nhà báo Nguyễn Việt Chiến nhắc đến chuyện báo chí tham gia các vụ việc ở PMU 18; vụ Văn Giang và vụ mãi lộ CSGT thì nhà báo Phan Lợi - Trưởng đại diện báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội nói rằng: “Có một câu hỏi rất lớn hiện chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng là tòa án xét xử sai thì được lấy tiền ngân sách ra để bồi thường theo NQ 388 mà nay là Luật bồi thường của Nhà nước. Những người xét xử sai có thể chỉ bị kỷ luật nhẹ hoặc kiểm điểm nhẹ nhàng. Trong khi đó, nhà báo và cơ quan báo chí viết hàng trăm thậm chí hàng ngàn bài viết phanh phui nhiều vụ tham nhũng bê bối, chẳng may có sai sót một vài chi tiết là bị truy tố và xử phạt với những hình thức rất nặng?”.

Theo nhà báo Phan Lợi thì dự thảo Luật này, báo chí là đối tượng trực tiếp bị điều chỉnh nhưng rất tiếc ban soạn thảo đã không lấy ý kiến của đối tượng bị điều chỉnh. Trong khi quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì bắt buộc phải lấy ý kiến số đông của đối tượng bị điều chỉnh.

Nếu Luật PCTN sửa đổi được thông qua với việc giữ nguyên khoản 4 của điều 101, chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến báo chí trong công tác tham gia giám sát, quản lý xã hội; đặc biệt là với công dân muốn thông qua báo chí để phản ánh những vấn đề tham nhũng. “Chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến từ hội thảo này để gửi lên ban soạn thảo. Hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm của Quốc hội đối với vấn đề này” - nhà báo Phan Lợi cho biết thêm.

+ TS Nguyễn Đình Lộc - nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp: “Người giúp đỡ dân nhiều nhất vẫn là nhà báo. Bởi có rất nhiều đơn thư tố giác gửi đến nhiều nơi nhưng rồi không được giải quyết song với sự lên tiếng của báo chí, quyền lợi của người dân mới được bảo vệ”.

+ Không đồng tình với việc đưa khoản 4 điều 101 vào trong Luật PCTN sửa đổi, ông Phan Hữu Thư - nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp thẳng thắn: “Nếu đưa khoản 4 này vào thì đó là bước đi lùi chứ không phải là bước tiến của đổi mới”.

 

Xem thêm
Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.