| Hotline: 0983.970.780

Không xây hầm biogas để đối phó

Thứ Tư 24/07/2019 , 13:05 (GMT+7)

Theo Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Trung ương, một trong những điểm quan trọng mà dự án LCASP nhận thấy là đa số các trang trại đã đầu tư hầm biogas khá bài bản, nhưng vẫn không thể đáp ứng các yêu cầu về xả thải nước thải chăn nuôi theo Tiêu chuẩn QCVN 62 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Biogas – con dao hai lưỡi

Do vậy, chủ trang trại thường chọn phương án đầu tư hầm biogas một cách hình thức để được phép chăn nuôi trong khi đó giảm thiểu các chi phí vận hành bảo dưỡng và sửa chữa hầm biogas.

14-26-52_home-biogs-digester-1200x800
Biogas không phải “tấm lá chắn” tốt nhất để bảo vệ môi trường chăn nuôi. Ảnh: MP.

Điều này đã dẫn đến các hầm biogas của các trang trại không thực hiện được chức năng xử lý môi trường một cách hiệu quả. Ở nhiều nơi, hầm biogas chỉ là nơi chứa chất thải chăn nuôi, khi đầy sẽ tràn ra môi trường gây ô nhiễm hơn là khi không có hầm biogas. Một số trường hợp thực tế khi dự án LCASP khảo sát đã ghi nhận chủ trang trại không sửa chữa hầm biogas khi bị rách hỏng.

Ví dụ điển hình ở một trang trại tại Tiền Giang: Khi đoàn khảo sát của dự án LCASP đến và phát hiện ra hầm biogas bị rách thì chủ trang trại nói hầm vừa mới bị rách, sẽ cho sửa chữa ngay, nhưng sau hơn 1 năm, đoàn quay lại thì hầm biogas vẫn còn nguyên vết rách như cũ mà không được sửa chữa.

Một hiện tượng phổ biến của các trang trại có hầm biogas dung tích lớn là việc xả khí gas thừa ra môi trường mà không đốt bỏ. Mặc dù nhiều chủ trang trại khẳng định với Đoàn khảo sát của dự án LCASP là thường xuyên đốt bỏ khí ga nhưng trên thực tế thì các chủ trang trại sợ cháy nổ nên thường lén xả khí ga ra môi trường.

Đoàn khảo sát của dự án LCASP có kiểm tra nhiều buồng đốt khí gas thì đều phát hiện ra buồng đốt rất ít hoạt động do có cỏ mọc hoặc rêu bám. Khí gas xả ra môi trường sẽ gây hiệu ứng khí nhà kính cao gấp 23 lần so với khí CO2, do vậy, việc xả khí ga thừa ra môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí nhiều hơn khi không có hầm biogas.
 

Tỷ suất lợi nhuận không cao

Do nước thải sau biogas vẫn chưa thể đạt được yêu cầu xả thải ra môi trường theo tiêu chuẩn QCVN 62 nên người dân được khuyến cáo làm thêm các bể phụ phẩm để lắng bớt chất thải rắn đối với công trình biogas quy mô nhỏ và hệ thống hồ lắng, hồ lọc và hồ sinh học đối với các công trình biogas quy mô lớn để xử lý bổ sung nước thải sau biogas trước khi xả ra môi trường. Cặn thải ở đáy hầm biogas thường rất ít và chỉ được hút lên khi hầm đầy (khoảng 5 - 6 năm một lần).

Về lý thuyết, nếu các công trình khí sinh học vận hành đúng tiêu chuẩn thì sẽ đem lại hiệu quả xử lý môi trường chăn nuôi tốt. Tuy nhiên, các nghiên cứu của dự án LCASP chỉ ra rằng các hầm biogas đem lại tỷ suất lợi nhuận không cao (chỉ tối đa khoảng 17% một năm đối với hầm biogas có dung tích khoảng 9 m3) và hầu hết các hầm biogas có dung tích trên 50 m3 đều cho tỷ suất lợi nhuận âm (tức là lợi nhuận thu được không đủ bù đắp chi phí vận hành bảo dưỡng hầm biogas).

Qua tìm hiểu thực tế về những mặt mạnh và hạn chế của công nghệ khí sinh học. Dự án LCASP đã thống nhất điều chỉnh thiết kế để chỉ hỗ trợ cho người dân xây lắp các công trình biogas quy mô nhỏ (dưới 50 m3) và chỉ hỗ trợ các hầm biogas quy mô vừa (trên 50 m3) với điều kiện người chăn nuôi phải có phương án sử dụng hết khí gas cho mục đích đun nấu, phát điện và nước thải sau biogas phải được sử dụng hết cho mục đích tưới vườn để tăng thêm lợi nhuận.

Đã hỗ trợ xây lắp 50.000 hầm biogas

Đến 31/12/2018, toàn dự án LCASP đã hỗ trợ xây lắp được hơn 50.000 hầm biogas quy mô nhỏ và khoảng 30 công trình biogas quy mô vừa cho mục đích trình diễn. Hầu hết các công trình biogas do dự án hỗ trợ đều phát huy hiệu quả tốt, đem lại thu nhập gián tiếp cho người dân thông qua tiết kiệm chi phí nhiên liệu đun nấu.

DN

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất