| Hotline: 0983.970.780

Không cần tiêu chuẩn môi trường với nước thải chăn nuôi làm phân bón

Thứ Sáu 19/07/2019 , 08:56 (GMT+7)

Nước thải chăn nuôi là nguồn lợi kinh tế không nhỏ khi sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Nhưng hiện chưa có quy định nào về việc sử dụng nước thải chăn nuôi làm phân bón.

Báo NNVN đã trao đổi với TS Kiều Minh Lực, Phó TGĐ Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam về vấn đề này.

TS Kiều Minh Lực.

Theo TS Kiều Minh Lực, hiện nay, phương pháp phổ biến trong xử lý nước thải chăn nuôi của người dân vẫn là qua hầm biogas, để có thể tận dụng một phần khí sinh học làm chất đốt, đồng thời cũng giảm thiểu phát thải khí và mùi hôi và tiêu diệt ký sinh trùng và sinh vật có hại. Quy mô, thiết kế và hiệu quả xử lý nước thải cũng rất khác nhau ở từng nông hộ.

Phương pháp xử lý nước thải chăn nuôi heo ở các trang trại chăn nuôi lớn đang áp dụng là nước thải từ chuồng nuôi được dẫn vào hồ lắng. Tại đây một phần chất khô được tách ra bằng máy ép phân, phần còn lại sẽ được dẫn vào hầm biogas để lên men phân giải chất hữu và lắng cặn thành bùn, phần nước sau biogas được dẫn qua 2-3 hồ chứa để dùng vào tưới cây. Đối với các trang trại tái sử dụng nước cho hoạt động chăn nuôi như làm mát và rửa chuồng thì nước thải tiếp tục được qua một vài khâu xử lý tiếp theo.

Thưa ông, khi xử lý chất thải trong chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng, sẽ mang lại những lợi ích như thế nào?

Nước thải chăn nuôi đang bị xã hội nhìn nhận với thái độ tiêu cực về ô nhiễm môi trường vì không được xử lý và sử dụng hiệu quả. Nguyên nhân cũng do nhiều hộ chăn nuôi không có điều kiện xử lý vì nằm trong khu dân cư, đất đai nhỏ hẹp, chi phí xử lý lớn.

Tuy nhiên, ở một góc độ tích cực, nước thải chăn nuôi là một nguồn lợi kinh tế. Nếu đặt chăn nuôi vào một hệ thống cây trồng – vật nuôi thích hợp thì nước thải chăn nuôi sẽ góp phần làm gia tăng giá trị của hệ thống cây trồng - vật nuôi.

Chất thải chăn nuôi nói chung và nước thải chăn nuôi nói riêng sẽ là nguồn phân bón hữu cơ quan trọng cho cây trồng, đặc biệt trong một xã hội đang chuyển dần sang nông nghiệp hữu cơ. Do đó, cần phải coi nước thải chăn nuôi là một nguồn lợi kinh tế và xử lý nước thải chăn nuôi theo mục đích sử dụng một cách hiệu quả và kinh tế nhất. Có như vậy thì mới thúc đẩy phát triển chăn nuôi hiệu quả, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người.

Xác định chất thải chăn nuôi là nguồn lợi kinh tế, C.P Việt Nam đang xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ nhằm thu gom phân và chất thải chăn nuôi từ các trang trại chăn nuôi để sản xuất phân bón cho cây trồng. Máy ép phân sử dụng trong các trang trại của C.P cũng là một giải pháp để thu gom phân từ chất thải lỏng để sản xuất phân bón, đồng thời giảm lượng chất rắn đi vào hệ thống biogas, làm tăng tuổi thọ của hệ thống xử lý nước thải.

Nước thải chăn nuôi tái sử dụng cho cây trồng có thể gây ra những vấn đề gì về môi trường?

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng có thể gây hại cho cây trồng, cho đất và cho nguồn nước ngầm nếu sử dụng không đúng hoặc quá liều lượng. Ảnh hưởng xấu này không chỉ riêng đối với nước thải chăn nuôi mà chung cho tất cả các loại hóa chất nông nghiệp, phân bón nông nghiệp khác khi sử dụng cho cây trồng. Vấn đề là cần khuyến cáo nông dân sử dụng đúng liều lượng và trong mối tương tác với các hóa chất, phân bón khác để mang lại hiệu quả cao nhất cho cây trồng.

Hiện nay chưa có tiêu chuẩn riêng về nước thải chăn nuôi tái sử dụng cho cây trồng. Theo ông, tiêu chuẩn này có cần thiết phải ban hành hay không?

Hiện tại Quy chuẩn 62 của Bộ TN-MT là văn bản quy định về tiêu chuẩn môi trường đối với nước thải chăn nuôi khi xả thải ra nguồn tiếp nhận bên ngoài khu vực trang trại. Văn bản này đang được Bộ TN-MT sửa đổi theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng hơn và cũng phù hợp với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Quy chuẩn 62 không có điều khoản quy định đối với nước thải chăn nuôi khi sử dụng cho mục đích làm phân bón, tưới cây.

Nước thải chăn nuôi nếu xả vào nơi làm nguồn nước sinh hoạt cho người dân thì bắt buộc phải xử lý để đạt tiêu chuẩn loại A, nếu xả vào các nguồn tiếp nhận không sử dụng vào nước sinh hoạt thì yêu cầu tiêu chuẩn phải thấp hơn, điều này đã được nêu rất rõ trong Quy chuẩn 62. Nhưng nếu dùng vào mục đích phân bón, theo tôi, không cần phải có tiêu chuẩn về môi trường.

Nếu có quy định như vậy, sẽ không có ai bỏ tiền ra xây trại chăn nuôi ở những nơi mà bắt buộc phải đầu tư nhiều tỷ đồng để xử lý nước, phân gia súc để đạt tiêu chuẩn loại A, mà ngược lại sẽ khuyến kích người dân xây trại chăn nuôi ở những nơi mà nguồn nước thải sẽ là nguồn lợi lớn cho cây trồng.

Có một số ý kiến cho rằng cần quy định riêng về môi trường đối với nước thải chăn nuôi dùng làm phân bón vì nước thải chăn nuôi mang mầm bệnh dịch bệnh. Tuy nhiên, nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải được hiểu là từ chăn nuôi an toàn sinh học, không có dịch bệnh. Trong trường hợp một trang trại chăn nuôi có dịch bệnh thì chất thải chăn nuôi bao gồm cả nước thải phải được xử lý theo quy định nêu trong Luật Thú y.

Xin cảm ơn ông!

"Bộ TN-MT đang sửa đổi quy chuẩn nước thải chăn nuôi khi xả thải ra môi trường (Quy chuẩn 62), theo đó quy chuẩn này không áp dụng đối với nước thải chăn nuôi dùng làm phân bón cho cây trồng.

Như vậy, có thể hiểu rằng nước thải chăn nuôi dùng cho mục đích phân bón thì không cần có yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường. Tuy nhiên, cần có quy định rõ ràng về vấn đề này.

Phương án tốt nhất là nên có một điều khoản trong Quy chuẩn 62 là nước thải chăn nuôi dùng làm phân bón thì không phải áp dụng các tiêu chuẩn môi trường", TS Kiều Minh Lực.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.