| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Hà Nội, 30 năm hoạt động của 'những người chung nhóm máu'

Thứ Ba 11/04/2023 , 07:43 (GMT+7)

“Chú có khỏe không? Nghe giọng chú cháu vẫn thấy tràn trề sinh lực nhỉ?”. “Ừ đúng rồi, bởi chúng mình cùng chung một nhóm máu khuyến nông mà lị”.

Tiên nữ rải hoa thay cho còng lưng cấy

Đó là đoạn trao đổi qua điện thoại giữa chị Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và ông Trương Ngọc Lương- nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì, đã 75 tuổi nhưng tình yêu nghề lúc nào cũng sục sôi trong máu. Ông cười và bảo với tôi rằng: “Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng tình yêu khuyến nông như có sẵn ở trong máu của tôi và nhiều đồng nghiệp tôi, những người chung một nhóm máu khuyến nông”.

Ông Lương gắn bó với khuyến nông từ những ngày đầu thành lập trạm, năm 1993: “Hồi ấy, khuyến nông đã chọn mình, chứ mình ban đầu không chọn khuyến nông”. Những năm 90 của thế kỷ trước, Ba Vì còn là một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Tây cũ nơi người dân nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần. Ti vi, đài, báo chưa mấy ai có, nên những thông tin về khoa học kỹ thuật của khuyến nông đem tới thực sự có giá trị với họ.

Empty

Gieo sạ bằng công cụ kéo tay ở tỉnh Hà Tây cũ. Ảnh: Tư liệu.

Ông kể: “Nông dân khi đó vẫn cấy tay, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời kể cả lúc nắng nóng lẫn khi giá rét. Năm 1994, 1995 chúng tôi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cấy mạ khay, không phải nhổ mạ nữa mà chỉ gieo mạ vào khay, khi nảy mầm dài chừng 4-5cm thì đưa vào thúng mang ra ruộng để tung. Từ còng lưng nhổ mạ, còng lưng cấy, mọi thứ trở thành nhẹ nhàng, tôi vẫn gọi như tiên nữ rải hoa mà mỗi ngày được 4-5 sào, gấp 4-5 lần cấy kiểu truyền thống.

Năm 2007 tiến tới gieo sạ bằng công cụ kéo tay thì năm 2008 có một đợt rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục 38 ngày. Lãnh đạo tỉnh Hà Tây khi đó đến họp với Ba Vì để khắc phục tình trạng mạ chết vẫn chỉ đạo, phải làm mạ sân rồi cấy chứ không được gieo sạ vì sợ hỏng. Giữa hội nghị của huyện ủy do ông Hoàng Thanh Vân- Bí thư chủ trì, tôi kiến nghị rằng thời vụ không còn mấy ngày nữa, không kéo sạ, ném sạ sẽ không kịp: “Anh cứ cho mua nhiều máy sạ hàng vào, sai đâu anh em chúng tôi chịu”. Sở dĩ tôi dám nói thế bởi cây chỉ thị là xoan lúc đó đã ra những chúm lá chân chó thì mạ ra đồng sẽ an toàn”.

Empty

Sản xuất ngô đông. Ảnh: Tư liệu.

Cũng vụ xuân năm đó, ông Nam- Chủ nhiệm HTX Cổ Đô của huyện Ba Vì gọi cho anh Nguyễn Văn Hà-Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cầu cứu về chuyện 10 ha mô hình sạ đã gieo 20 ngày rồi mà cây chưa mọc khiến cho nông dân kéo đến nhà để bắt đền, một số hộ còn phá bỏ để cấy tay. Anh Hà liền báo cáo với anh Nguyễn Văn Chí- Giám đốc Trung tâm hồi đó và được cử về Ba Vì để cam kết là nếu hụt năng suất thì khuyến nông sẽ đền.

Cán bộ chỉ đạo hầu như không ngày nào không có mặt tại mô hình để theo dõi. Khi thời tiết ấm dần, cây lúa phát triển đều và được mùa chưa từng có. Năng suất của ruộng gieo sạ bằng giàn kéo tay vượt trội đến nỗi nhiều hộ đã trót phá để cấy lại tiếc. Sau đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tây đã tổ chức hội thảo toàn miền Bắc về phương pháp gieo sạ bằng giàn kéo tay này, vốn trước chủ yếu chỉ phổ biến ở trong Nam.

Nhiều khi Trạm Khuyến nông Ba Vì phải tổ chức tập huấn ở sân chùa, sân đình vào buổi tối vì để tránh ảnh hưởng đến ngày lao động của dân, thế mà người ta vẫn kéo đến nghe mê say. Mỗi ngày họ lại tiếp thu được một ít để ứng dụng vào sản xuất.

Một thời sôi nổi

Trở lại chuyện khuyến nông gắn bó với nông dân ở một thời sôi nổi, chị Vũ Thị Hương hồi đó còn là một cán bộ bình thường, vẫn đi cùng các đồng nghiệp bằng xe máy xuống những huyện xa như Ba Vì để tập huấn. Nhiều hôm họ phải ngủ lại hội trường xã, màn không có, chỉ được cấp cho cái chăn mới, trùm lên thì mùi hóa chất nồng nặc, bỏ ra thì muỗi đốt kín người. 

Empty

Mô hình nuôi ếch. Ảnh: Tư liệu.

Chị Hương nhớ mãi chuyện di dân của một số hộ thuộc xã Tân Đức về xã Cẩm Lĩnh (khoảng năm 2001) vì bãi sông Hồng bị sạt lở. Từ vùng bãi chuyển về vùng đồi, đá sỏi đến mức cuốc còn quằn, đất thì nóng nên có nhà đã bỏ về. Khuyến nông lúc đó hỗ trợ cho họ trồng keo lai trên đồi để lấy bóng mát, trồng vải, nhãn trong vườn, nuôi lợn. Ngoài hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật còn phải nắm tâm tư, nguyện vọng của dân đồng thời động viên bà con vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.

Nhiều buổi trời mưa đi kiểm tra cây, con của các gia đình trong xóm, đường đất lầy lội không thể đi được cán bộ phải bỏ cả xe máy, giày dép để lội chân trần vào. Sau 1 năm, quay lại thấy cây cối tốt tươi, đàn lợn sinh sôi, khuyến nông vui chung với dân và cảm nhận được tấm lòng mà bà con dành cho mình…

Trước đây ở Hà Tây cũ người dân thường tự để các giống lúa 140-150 ngày như Nông nghiệp 8, Ải 32, Chân trâu lùn…khiến cho cây bị phân ly thành nhiều tầng, năng suất thấp. Nhờ có chương trình khuyến nông  sản xuất giống lúa nhân dân đã đưa các loại Q5, Khang dân, Bắc thơm vào. Với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và thay đổi hẳn mùa vụ, sang xuân muộn, mùa sớm, tạo điều kiện để có vụ thứ ba là vụ đông với rau màu và đậu tương, ngô. Tiêu biểu, có thể kể đến HTX Hồng Dương ở huyện Thanh Oai, HTX Mỹ Thành của huyện Mỹ Đức, nhất là khi chuyển từ gieo gốc rạ sang gieo vãi, có người như anh Nguyễn Duy Nam- Phó Chủ nhiệm HTX Hồng Dương khi đó cấy tới vài chục mẫu đậu tương.

Empty

Sản xuất đậu tương đông. Ảnh: Tư liệu.

Không chỉ trồng trọt, chương trình nạc hóa đàn lợn, Sind hóa đàn bò, chăn nuôi lợn tập trung xa khu dân cư, mô hình lúa-cá-vịt đã góp phần vào chuyển đổi cơ cấu vật nuôi của tỉnh. Ngoài ra khuyến nông còn tổ chức các phiên chợ, hội thi, hội thảo, tạo điều kiện cho nông dân trong tỉnh có cơ hội tiếp xúc với thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới.

Về phía Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũ trong giai đoạn này đã triển khai xây dựng mô hình tập trung vào mũi nhọn 3 cây (rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, các loại hoa chất lượng cao), 3 con (lợn hướng nạc, bò sữa, bò thịt và các loại thuỷ đặc sản), 2 ngành nghề trọng điểm (bảo quản, chế biến nông sản và ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp bền vững). Duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả cho 118 câu lạc bộ khuyến nông với 8.500 hội viên, 70 đài phát thanh có chuyên mục khuyến nông ở các quận, huyện, xã, phường và 121 cán bộ khuyến nông viên cơ sở. Điểm đặc biệt là đã hình thành, phát triển, quản lý và bảo toàn được quỹ khuyến nông-một “đặc sản” riêng có, tạo thành bệ đỡ về vốn cho nông dân.

Empty

Thủy sản cũng là một thế mạnh của Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Sau sáp nhập, Hà Nội đã triển khai các mô hình tập trung vào các đối tượng, sản phẩm chủ lực của ngành, địa phương như hoa, rau chất lượng ứng dụng công nghệ cao; VietGAP, hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Những mô hình này đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của từng địa phương, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong thực tiễn sản xuất. Như đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh đã góp đưa diện tích trồng hoa, cây cảnh toàn thành phố đạt hơn 6.400 ha, hình thành 47 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với diện tích khoảng 1.800 ha trong đó diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30%. Vai trò cầu nối của khuyến nông trong chuyển giao khoa học kỹ thuật tới nông dân, kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm thể hiện khá rõ.

Hà Nội cũng đi đầu miền Bắc trong cơ giới hóa với máy làm đất cỡ lớn, máy cấy, gặt liên hợp. Hiện nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như tuy đã dồn điền đổi thửa nhưng ruộng đồng vẫn còn nhỏ, rồi chuyện ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp sinh thái, theo chuỗi…Vì thế đội ngũ khuyến nông cũng cần phải nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng được yêu cầu. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần tiếp tục bám sát định hướng của thành phố, của ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, tư vấn dịch vụ...

Ngày 02/3/1993, Nghị định số 13/1993/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đánh dấu sự hình thành hệ thống khuyến nông trên cả nước. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (cũ) và Trung tâm Khuyến nông Hà Tây cũng được thành lập. Ngày 7/11/2008, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định 1902/QĐ-UBND hợp nhất thành Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hiện nay.

Xem thêm
Tinh gọn tổ chức bộ máy: Phải làm nhanh, tạo đột phá mang tính cách mạng

Sáng 25/11, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình Định tập trung khắc phục các điểm sạt lở

Lực lượng chức năng của huyện miền núi An Lão đang tập trung khắc phục các điểm sạt lở do mưa lớn để khơi thông ách tắc giao thông.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.