| Hotline: 0983.970.780

Quỹ khuyến nông Hà Nội - ‘ngân hàng’ đặc biệt nhất toàn quốc:

I. Ở trong khu cách ly vẫn ngày ngày trợ giúp từ xa cho chủ trại

Thứ Ba 28/09/2021 , 09:55 (GMT+7)

Không chỉ có mức phí thấp nhất mà nhân viên của “ngân hàng” đặc biệt này còn vào tận chuồng hay ra tận ruộng của khách để tư vấn kỹ thuật, kết nối tiêu thụ.

Gặt máy thời Covid-19

Lúc chúng tôi đến thì ông Trần Văn Khải ở xã Liệp Tiếp, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đang ngồi trên buồng lái máy gặt, cười nói rổn rảng sau quãng thời gian dài đằng đẵng giãn cách xã hội vì Covid-19, chỉ ngồi bó gối ở nhà.

Lúa đã uốn câu rồi chín vàng ươm ngoài đồng trong khi trời thì mưa sụt, mưa sùi không ngớt khiến cho lòng người nông dân như có lửa đốt còn ông Khải thì cứ đi ra đi vào, đứng ngồi không yên. Đến khi được “sổ lồng” thì cả hai vợ chồng cùng đi gặt ngay tắp lự. Lúa mùa này do bà con không ra ngoài chăm sóc được nên năng suất cũng kém, nhưng có thu còn hơn không, nhất là khi trời đen kịt một màu chì, đài dự báo mấy ngày tới sẽ là những ngày giông gió liên tiếp.

Hơn 2 năm về trước, ông Khải lên kế hoạch mua một chiếc máy gặt đập liên hợp nhưng không đủ vốn. Khi biết được quỹ khuyến nông ông đã tới làm thủ tục để vay 500 triệu, mức cao nhất có thể. Thủ tục vay được cán bộ tạo điều kiện chỉ nội trong 1 tuần vì họ biết mùa gặt có tính thời vụ rất nhanh, nếu không sẽ lỡ cả nửa năm trời. Với tài sản thế chấp là sổ đỏ đất ở, một chiếc máy Kubota của Nhật Bản đỏ chói, mới cóng, bóng loáng được mang về trong niềm vui sướng của cả gia đình.

Ông Khải đang lái máy gặt trên cánh đồng làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Khải đang lái máy gặt trên cánh đồng làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vì có tuổi, sức khỏe có hạn nên vợ chồng ông chỉ gặt quanh làng, quanh xã, mỗi vụ máy hoạt động hơn 1 tuần được tổng cộng chừng 50-60 mẫu lúa. Chi phí ít nhất mỗi ngày cho máy hoạt động là 3 triệu trong khi giá mỗi sào gặt là 140-150.000đ, cũng cho khoản thu nhập khá với nhà ông như ông bà nên sau gần 3 năm họ đã thu hồi được cỡ gần 300 triệu.

Do dịch Covid 19, 2 vụ nay ông bà không đánh máy đi được ra ngoài, thêm vào đó làng nào hầu như cũng có máy gặt đập liên hợp, diện tích làm dịch vụ thu hẹp nên thay vì mỗi vụ phải thuê 2 người đóng thóc thì giờ đây họ chỉ phải thuê 1 người.

Ông Khải kể: “Nhà tôi đông người, ngoài cấy 7 sào lúa để lấy thóc ăn thì nguồn thu nhập chính trông cả vào cái máy gặt này. Sắp tới khi vãn dịch, bớt chốt kiểm tra, di chuyển được thuận lợi, chúng tôi sẽ cố gắng đi xa, tìm những nơi có nhiều cánh lúa để gặt thuê dù biết chi phí nhiều, vả lại ruộng khó làm hơn nhưng thời buổi khó khăn này vẫn phải cố gắng thôi... Tôi thấy Quỹ khuyến nông nên được mở rộng thêm để cho người dân có điều kiện mua máy móc phục vụ cho sản xuất, tạo công ăn, việc làm chứ nhà nông bỗng dưng một lúc lấy đâu ra tới mấy trăm triệu để mà tự mua sắm?”.

Đây là buổi gặt đầu tiên sau đợt giãn cách xã hội của ông Khải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đây là buổi gặt đầu tiên sau đợt giãn cách xã hội của ông Khải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thành phố hỗ trợ cho chương trình vay vốn phát triển cơ giới hoá nên những ai mua máy đều được miễn phí quản lý quỹ, chỉ phải trả nợ gốc theo chu kỳ 1 năm 1 lần trong thời gian 3 năm. Theo quy định 1 năm 1 lần ông Khải phải ra Trạm Khuyến nông để nộp tiền 1 lần nhưng nhiều lúc còn trả sớm hơn hạn cả vài tháng: “Anh có khoản tiền trả em luôn không nhỡ cuối năm lại tiêu lạm vào mất”. Nhờ đó, ông đã trả được cỡ hơn 400 triệu.

Ngay cả một chủ máy khác là Phùng Văn Biền cùng ở xã Liệp Tiếp cũng có tâm lý tương tự, thường anh đem tiền đến trả ngay sau mỗi vụ gặt dù chưa đến thời hạn. Nhờ sức trẻ lại tham gia vào các hội nhóm máy gặt trên mạng xã hội nên ngoài làm ở xã nhà 35-40 mẫu, anh còn đi gặt thuê ở tận mạn Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, do đó mà lợi nhuận thu được khá hơn hẳn. Sau khi trừ hết chi phí, bình quân vụ xuân anh thu lãi được 120 triệu, vụ mùa thu lãi được 90 triệu.

Năm nay, do tình hình Covid 19 đi lại khó khăn, phải khai báo y tế, xét nghiệm đủ loại mà cũng chỉ đi được trong huyện là chính. Thêm vào đó nhân công tăng, xăng dầu tăng, thành ra dự kiến mức lãi của anh dự kiến vụ mùa này chỉ còn khoảng 70 triệu…

Chuyến thăm trang trại trong mưa giông

Sắp trưa, trời lại đổ mưa sầm sập, nước gần ngập 1/2 bánh xe nhưng chúng tôi vẫn dò dẫm đi trên con đường làng bởi vì biết ông Phùng Văn Phượng, chủ trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu huyện Quốc Oai vẫn còn đợi. Cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra trong tiếng mưa rơi gõ trên mái tôn to như ngô rang nổ trong chảo gang.

Đã gần 10 năm với 4 đợt vay khuyến nông lần lượt 150 triệu, 200 triệu và 2 lần 300 triệu, ông Phượng trở thành một người có thâm niên cao nhất trong việc hợp tác với quỹ. Lúc đầu ông chăn nuôi vịt đẻ, năm 2015 mới mở rộng quy mô bằng nuôi thêm gà đẻ. Lứa gà đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, cả đàn đang đẻ rất đẹp bỗng dưng bị bệnh, ngừng cho trứng khiến ông lỗ khá nặng.

Ông Phượng khoe mớ trứng vịt mới thu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phượng khoe mớ trứng vịt mới thu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau đó, tìm hiểu ông mới biết lý do và khắc phục bằng cách gà giống mua về phải làm lại vắc xin, kể cả trại bán đã làm rồi. Từ bấy trở đi việc chăn của ông diễn ra rất thuận lợi theo cách “ăn chắc mặc bền”, vay dần dần, nâng cấp quy mô dần dần khi thấy tín hiệu khả  quan. Nhờ đó trong 7 năm chăn nuôi, khi khá, khi bình thường, mỗi năm gia đình ông lãi 350-400 triệu.

Do Covid 19 làm đứt gãy chuỗi tiêu thụ sản phẩm, hiện tại giá trứng gà ông Phượng bán ra giảm chỉ còn 1.800đ/quả, trứng vịt chỉ còn 2.500đ/quả trong khi giá thức ăn lại cao nên với 10.000 con gà đẻ, 1.000 con vịt đẻ nuôi khéo, mỗi ngày gia đình chỉ lãi khoảng 2 triệu.

Ông Phượng nhận xét, so với ngân hàng, quỹ khuyến nông có nhiều lợi thế, thứ nhất là mức phí thấp, thứ hai là thời gian vay được 2 năm, trả xong lại được vay tiếp để có thể chủ động mua con giống, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra chủ trại còn được cán bộ cho đi thăm các mô hình chăn nuôi trong và ngoài thành phố, hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi sao cho phù hợp với từng loại...

Một góc của trang trại ông Phượng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của trang trại ông Phượng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc chúng tôi ra về, ông Phượng ra tiễn dù trời vẫn còn mưa nặng hạt và tận tình chỉ đường tắt đi vòng qua chỗ ngập nước, lúc này đã chìm sâu cỡ nửa mét. Trên đường, chị Đỗ Thị Thu Hương-Cán bộ phụ trách quỹ khuyến nông của Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai cho tôi hay làm việc qua trưa hay tới tận tối mịt cũng là chuyện thường ngày ở đơn vị. Bắt đầu triển khai quỹ từ năm 2009, trong suốt hơn chục năm đó, một điều may mắn là quỹ trên địa bàn huyện chưa có nợ xấu dạng khó đòi. Hiện tổng lượng cho vay là hơn 19 tỉ với khoảng hơn 50 hộ dân được hưởng lợi trong đó chủ yếu thuộc vốn sản xuất còn lại là vốn cơ giới hóa đồng bộ.

Trong quá trình đồng hành cùng bà con, nhất là những trang trại nhỏ mới chăn nuôi thì Trạm khuyến nông có cán bộ tư vấn kỹ thuật giúp cho nhiều thứ kiểu cầm tay, chỉ việc. 6 tháng đi thu phí 1 lần, nhiều khi chị Hương còn đến tận hộ để vừa thu phí vừa kiểm tra sản xuất. Có khi chỉ là một câu hỏi thăm, một lời động viên lúc gian khó thôi nhưng đã giúp cho khoảng cách giữa họ với người dân trở nên gần lại.

Dịp Covid 19, các cán bộ của Trạm không đến được trực tiếp thì họ lại gọi điện hỏi thăm. Bản thân chị Hương lúc đó đang ở trong khu vực cách ly vì dạng F1 nhưng vẫn liên lạc, động viên các chủ trại rằng: “Thôi các bác cùng cố gắng vì không chỉ gia đình ta mà còn cả nước, cả thế giới đều bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.”. Rồi chị hỏi thăm giá trứng đang là bao nhiêu, hộ nào gặp khó trong tiêu thụ do trường học đóng cửa, khu công nghiệp ít công nhân đi làm thì giới thiệu cho các kênh tiêu thụ như một số người quen, một số chuỗi liên kết.

Chị còn hướng dẫn các hộ liên hệ với Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội để nhờ làm thủ tục chứng chỉ luồng xanh giúp quá trình di chuyển, tiêu thụ hàng hóa được dễ dàng hơn chứ để nông dân tự xoay sở sẽ rất chậm và nhiều lúng túng. Nhờ đó mà đã san sẻ được chút ít nỗi lo của bà con nông dân mùa Covid 19.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.