| Hotline: 0983.970.780

Kiến tạo không gian bền vững, đa giá trị cho nông thôn

Thứ Hai 08/05/2023 , 18:44 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, xây dựng nông thôn mới không chỉ có các tiêu chí, công trình mà phải kiến tạo được những không gian bền vững, đa giá trị.

Đoàn giám sát của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu Quốc gia làm việc với Bộ NN-PTNT chiều 8/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Đoàn giám sát của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu Quốc gia làm việc với Bộ NN-PTNT chiều 8/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 8/5, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ NN-PTNT.

Phía Bộ NN-PTNT có Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị liên quan tham dự buổi làm việc.

Kiến tạo không gian bền vững

Đánh giá chung về các chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình), Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định cả 3 chương trình đang được triển khai đúng hướng và đã có một số kết quả nhất định.

"Tuy nhiên, trong thời gian tới, các đơn vị cần cùng nhau khắc phục những bất cập, tháo gỡ lúng túng còn tồn tại”, ông Phương nói.

Theo đó, trong thời gian triển khai chương trình vừa qua, hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo vẫn còn thiếu, chồng chéo khiến các địa phương còn nhiều thắc mắc.

Bên cạnh đó, phân bổ nguồn lực, giải ngân chưa được kỳ vọng nên cần tìm cách tiếp cận trong thời gian tới để giải quyết, không để phát sinh nợ xấu.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều cần làm hiện nay là cùng kiến tạo tương lai, từ đó có cái nhìn cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Nhất trí với Trưởng đoàn giám sát việc triển khai thực hiện 3 mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói quá trình xây dựng nông thôn mới không chỉ tập trung vào phần cứng, vào các công trình được ra đời từ quá trình giải ngân.

“Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là phát triển văn hóa, môi trường, giá trị lịch sử, nâng cao đời sống cho người dân ở nông thôn”, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định và chia sẻ thêm cần tạo ra thêm được nhiều việc làm để giữ chân người dân ở nông thôn.

Dẫn chứng nhiều cách làm của các quốc gia trong khu vực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam cần có cách tiếp cận theo xu thế chung. “Về lâu dài, chúng ta cần kiến tạo những không gian bền vững cho nông thôn”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát chia sẻ về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát chia sẻ về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Tháo điểm nghẽn

Liên quan đến việc quá trình thực hiện có những điểm chưa được như kỳ vọng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ đã lường trước nhưng do việc tham gia ở cả 3 chương trình tạo ra một số vướng mắc nhất định.

Trình bày với đoàn giám sát về nội dung thực hiện các chương trình trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nêu bật yêu cầu về nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi.

"Nhiều khi đào tạo xong thì lại xảy ra thay đổi nhân sự ở địa phương. Bên cạnh đó, khi được trao quyền thì nhiều địa phương chưa đủ năng lực để thực hiện, dẫn đến việc phải hỏi lại”, ông Lê Minh Hoan nói.

Do đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được thêm nhiều sáng kiến từ các địa phương, khuyến khích cơ sở phát huy sáng tạo, năng động, chủ động huy động các nguồn lực xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Về nội dung của chương trình, ông Lê Minh Hoan đề cập đến chính sách hỗ trợ sản xuất của Bộ NN-PTNT với các địa phương, theo đó quá trình này sẽ hỗ trợ theo chuỗi để đem lại lợi ích cao nhất cho người dân ở nông thôn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng chia sẻ về ấp ủ về xây dựng đề án phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Theo Bộ trưởng, đây là cơ hội để tạo ra thêm nhiều việc làm, sinh kế mới cho người nông dân ở nông thôn.

Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả ông cũng kiến nghị các địa phương cần có cách tiếp cận thực chất hơn, cụ thể hơn để có thể tạo ra được kênh tương tác với Bộ NN-PTNT một cách hiệu quả trong quá trình thực hiện các chương trình.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tùng Đinh.

Nề nếp, đồng bộ

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi giữa các đơn vị liên qua, đặc biệt là chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng các ý kiến trong buổi làm việc đều có cơ sở và thấu đáo.

Đặc biệt ông đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ NN-PTNT trong quá trình làm việc với Đoàn giám sát về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia thời gian vừa qua.

Riêng về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là chương trình có quy mô rộng, có khó khăn vì dù có kinh nghiệm nhưng trong giai đoạn mới lại phải có cách tiếp cận mới.

Tuy nhiên, trưởng Đoàn giám sát khẳng định: “Đây là chương trình nề nếp, đồng bộ với tầm nhìn mới. Về góc độ triển khai cũng hiệu quả hơn và giải ngân cũng nhanh hơn”.

Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, ông đề nghị Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan phân tích kỹ nguyên nhân của sự chậm trễ, thiếu, chồng chéo hay không đủ dễ hiểu để các địa phương có thể thực hiện. Từ đó tìm ra các giải pháp thích hợp, đặc biệt là trong quá trình phối hợp chính sách.

Ông Trần Quang Phương nhấn mạnh việc không được để xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu dứt khoát trong triển khai và cần làm rõ hơn trách nhiệm các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện các chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng “Cẩm nang cho các chương trình”, có thể là phiên bản số hoặc phiên bản cứng để giúp các đơn vị thực thi có thể chủ động các thắc mắc thường có.

Riêng với Bộ NN-PTNT, ông Trần Quang Phương chia sẻ với những kỳ vọng, ấp ủ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng như các khó khăn trong triển khai các chương trình.

Ông đề nghị Bộ NN-PTNT rà soát lại bộ tiêu chí để phù hợp hơn với các khu vực, vùng miền. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành để sửa đổi các văn bản còn thiếu, chồng chéo, khó hiểu…

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng cần nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới ở các địa phương và phê duyệt, quảng bá những chương trình tiêu biểu, đạt hiệu quả trong thực hiện chương trình ở giai đoạn mới.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất