Dân sẵn sàng hiến hàng ngàn m2 đất
Trước những năm 2010, Đức Lương được biết đến là xã vùng sâu, vùng xa và có đời sống kinh tế khó khăn của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Các tuyến giao thông từ đường liên huyện, liên xã và liên xóm trên địa bàn xã khi đó cơ bản là đường cấp phối, đường đất đã khiến cho việc giao thương của nhân dân địa phương bị hạn chế.
Đến năm 2015, Tiền Phong vẫn là một trong những xóm khó khăn nhất của xã Đức Lương, cơ sở hạ tầng gần như bằng không, tỷ lệ hộ nghèo rất lớn. Nhưng đến năm 2021, xóm vùng cao này đã thay da đổi thịt, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần giúp xã Đức Lương về đích nông thôn mới.
Để đạt được kết quả đó, không thể không kể đến những đóng góp của người được coi là "Già làng" trẻ tuổi có tên Lộc Đức Tâm, Trưởng xóm Tiền Phong từ năm 2015 đến nay. Anh là người được đánh giá có công gắn kết các dân tộc vùng cao trên địa bàn, cùng đoàn kết phát triển kinh tế, đóng góp sức người sức của xây dựng hạ tầng nông thôn.
Anh Tâm nhớ lại: Khi tôi được bầu làm trưởng xóm Tiền Phong, thì toàn bộ hệ thống giao thông của xóm toàn là đường đất, chưa có nổi 1m đường bê tông nên đi lại rất khổ. Với trách nhiệm là người đứng đầu ở xóm, tôi luôn nung nấu quyết tâm phải làm sao để cùng với bà con xây dựng được những tuyến đường giao thông, giúp thuận lợi trong giao thương hàng hóa. Nên khi Nhà nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xóm đã bàn bạc với bà con, chớp cơ hội tận dụng nguồn lực này để làm đường. Nhờ nhận được sự ủng hộ của bà con, nên đến nay cả xóm Tiền Phong có 8 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 11km đều đã được bê tông.
Trong khi vào thời điểm đó, người dân chủ yếu chỉ trông vào mấy sào chè, mảnh ruộng nên thu nhập không cao, đời sống phần lớn bà con còn nghèo khổ. Nhưng vì sao mà anh Tâm có thể vận động được bà con tự nguyện hiến hơn 20.000m2 đất, góp công góp sức để làm được hơn 11km, mặt đường rộng đủ để 2 ô tô tránh được nhau là vấn đề được nhiều người thắc mắc. Để trả lời câu hỏi đó, phóng viên đã đến hộ gia đình nhà ông Lộc Văn Cầm, người đã hiến hơn 2.000m2 đất cả thổ cư lẫn đất vườn mà không đòi hỏi 1 đồng tiền đến bù.
Ông Cầm chia sẻ: "Khi địa phương có chủ trương làm đường, để xây dựng hạ tầng nông thôn, anh Tâm là một trong những người hiến đất của nhà mình sớm nhất. Tiếp đến thì vận động anh em gia đình, họ tộc mình thực hiện hiến đất để bà con làm theo. Vì vậy đa phần người dân xóm Tiền Phong rất tin tưởng, sẵn sàng nghe theo sự lãnh đạo của trưởng xóm. Còn trường hợp lăn tăn thì anh Tâm thường xuyên đến tâm sự với bà con, chỉ cho chúng tôi thấy được những lợi ích của việc hiến đất làm đường”.
Đoàn kết bà con miền xuôi và đồng bào miền ngược
Anh Lộc Đức Tâm luôn là người tích cực, năng động và tiên phong thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế. Trước tiên, anh sản xuất nông nghiệp lựa chọn theo hướng giá trị hàng hóa, loại cây thị trường cần để trồng; buôn bán thực phẩm, vật tư… Nhờ năng động mà kinh tế gia đình anh Tâm từ hai bàn tay trắng sau khi lấy vợ, giờ đây đã là hộ khá giả.
Anh Tâm cho rằng, mình là trưởng xóm mà nghèo thì nói không ai nghe, nên trước tiên phải là người tiên phong trong phát triển kinh tế. Từ đó thì việc tuyên truyền cho bà con các chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả. Người dân thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh nên đời sống nhân dân tăng lên. Điều này thể hiện ở con số, là xóm miền núi có 165 hộ dân, nhưng chỉ có 11 hộ nghèo, tương đương với 7%.
Ngoài ra, anh Tâm còn được biết đến là người gần gũi, được quần chúng nhân dân tin tưởng trong cuộc sống, thường xuyên giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng dân cư. Trong đó, có những sự việc khó hòa giải do có tính chất dân tộc, văn hóa vùng miền khác biệt, khác quan điểm, nhưng sau đó bắt tay nhau, xây dựng xóm làng đoàn kết.
Như việc xảy ra vào năm 2018, khi có đề án sát nhập đơn vị hành chính xóm Tiền Phong với hơn 130 hộ người dân tộc Tày có tỷ lệ hộ nghèo cao, xóm Rộc Mán với hơn 30 hộ dân người dân tộc Kinh có kinh tế khá giả hơn (gốc từ tỉnh Hà Nam lên khai hoang từ những năm 1960 theo tiếng gọi của Đảng). Người dân 2 xóm phát sinh tranh cãi, không bên nào, từ việc đặt tên xóm, rồi vị trí đặt nhà văn hóa xóm… khiến việc thực hiện đề án sáp nhập gặp nhiều khó khăn.
Anh Lộc Đức Tâm nhớ lại: “Thời gian đó, trong nhiều tháng tôi và cán bộ địa phương khi đó phải tự tìm cho mình cách tiếp cận. Bản thân tôi đến từng nhà, thậm chí có những lúc phải lên rẫy của bà con đang lao động, cùng ăn, cùng làm để trò chuyện, vận động, giải thích để họ hiểu và ủng hộ. Khi đã gần gũi với bà con rồi, thì bà con sẽ lắng nghe mình truyền đạt những chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên”.
Nhờ có một phần công sức của Trưởng xóm Tâm, mà sau đó việc sáp nhập xóm được suôn sẻ, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Nhân dân 2 xóm hòa làm 1, đoàn kết với nhau, cùng nhau đóng góp tiền của và công sức giúp cho Tiền Phong từ một xóm nghèo đã đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2021. Anh Tâm cũng tiếp tục được bà con tín nhiệm bầu giữ chức vụ trưởng xóm, đại biểu HĐND và nhiều vị trí quan trọng khác trong xóm.
Bà Ma Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Đức Lương cho biết: "Đến nay, anh Lộc Đức Tâm, Trưởng xóm Tiền Phong là công dân tiêu biểu, uy tín, tấm gương điển hình phát huy tinh thần đoàn kết của địa phương. Với việc xã Đức Lương đạt chuẩn nông thôn mới có sự đóng góp rất lớn của nhân dân xóm Tiền Phong và cá nhân anh Tâm".