| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận: Nhiều mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 04/05/2023 , 17:38 (GMT+7)

Bộ máy giúp việc trong xây dựng NTM ở Ninh Thuận mỏng và yếu, nhất là công chức phụ trách xã thường xuyên thay đổi, không nắm được chương trình để theo dõi, tham mưu.

Nhiều mục tiêu

Năm 2023, ngoài việc duy trì, giữ vững các thành tích trong xây dựng NTM, Ninh Thuận cũng phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt là nỗ lực để giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở nông thôn ít nhất 1,5% và giảm trên 3% tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Làng quê Ninh Thuận ngày càng đổi mới nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.P.

Làng quê Ninh Thuận ngày càng đổi mới nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.P.

Để đạt được mục tiêu trên, Ninh Thuận nỗ lực quyết tâm thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 6 Chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân, giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại.

Trong đó, Ninh Thuận đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số, phát triển du lịch nông thôn.

Để các vùng nông thôn không chỉ thay đổi về hình thức, mà đời sống người dân ngày càng ấm no, Ninh Thuận ưu tiên phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; chú trọng phát triển và củng cố kinh tế tập thể; hỗ trợ, thành lập HTX ở các xã chưa có HTX; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo.

Trong quý I/2023, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã thẩm định và trình UBND tỉnh công nhận 2 xã Nhị Hà, Quảng Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới và 2 xã Lương Sơn, Nhơn Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 31 xã và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nho là cây đặc thù của tỉnh Ninh Thuận không chỉ là cây làm giàu mà còn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: M.P.

Nho là cây đặc thù của tỉnh Ninh Thuận không chỉ là cây làm giàu mà còn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: M.P.

“Trong quý I/2023, các huyện trên địa bàn Ninh Thuận cũng đã thẩm định, công nhận thêm 17 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới và 1 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số thôn đạt chuẩn nông thôn mới lên 36 thôn, đạt tỷ lệ 14% và 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho hay.

Kiện toàn Ban chỉ đạo nông thôn mới các địa phương

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương ở Ninh Thuận chưa toàn tâm toàn ý nên làm nảy sinh nhiều vướng mắc. Ví như trong những đợt tập huấn, đánh giá bộ tiêu chí  giai đoạn 2021-2025, nhiều xã không cử cán bộ tham gia nên việc triển khai, đánh giá không chính xác, không đúng quy định; kể cả nhiều huyện cũng không tổ chức thẩm tra, rà soát nên độ tin cậy không cao. Điều này dẫn đến quá trình thẩm định phải đối chiếu, chỉnh sửa nhiều lần.

Bộ máy giúp việc trong xây dựng nông thôn mới các cấp hiện rất mỏng và yếu, nhất là công chức phụ trách nông thôn mới cấp xã thường xuyên thay đổi, không nắm bắt được nội dung chương trình để theo dõi, tham mưu. Công tác báo cáo của các địa phương phần lớn chậm tiến độ, không đủ thông tin, số liệu, nhất là nguồn lực huy động trong dân nên rất khó tổng hợp, thậm chí có huyện không gửi báo cáo năm.

Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: M.P.

Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: M.P.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các Bộ về các nội  dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở NN-PTNT Ninh Thuận và Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã chuyển tải kịp thời đến các ngành, địa phương để nghiên cứu, áp dụng. Các khó khăn, vướng mắc phát sinh khác theo hướng dẫn của các Bộ, ngành thì các địa phương phản ánh về Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh để tổng hợp, kiến nghị.

“Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, chúng tôi đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo nông thôn mới và bộ phận giúp việc để tổ chức triển khai, thực hiện chương trình đạt hiệu quả. Đề nghị các huyện chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao rà soát, tổ chức thực hiện nâng mức đạt tiêu chí đảm bảo duy trì, giữ vững chất lượng tiêu chí, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận chia sẻ.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay, trong năm 2023, ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực từ vốn tín dụng, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư. Cùng với đó là lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án trên địa bàn để thực hiện các nội dung chương trình. Tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch năm 2023”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.