| Hotline: 0983.970.780

Sức sống mới trên đỉnh Pù Lầu

Thứ Hai 01/05/2023 , 07:00 (GMT+7)

Bắc Kạn Trên đỉnh Pù Lầu quanh năm sương mù bao phủ, người dân Phiêng Phàng từ bỏ lối làm ăn cũ, tìm hướng đi mới. Chẳng mấy chốc diện mạo bản làng đã đổi thay.

Người tiên phong mở lối

Thôn Phiêng Phàng ở cheo leo trên đỉnh núi Pù Lầu, là thôn vùng cao của xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Tất cả các hộ trong thôn là người Dao, trước đây đời sống rất khó khăn do khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác ít. Nhưng vài năm trở lại đây, người dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy, có nhiều cách làm mới đem lại hiệu quả tích cực.

Thôn Phiêng Phàng chênh vênh trên đỉnh núi Pù Lầu. Ảnh: Ngọc Tú.

Thôn Phiêng Phàng chênh vênh trên đỉnh núi Pù Lầu. Ảnh: Ngọc Tú.

Với dáng người mảnh khảnh, ít ai nghĩ với một người thế hệ 9X như anh Đặng Hành Dũng lại có thể mạo hiểm bỏ một đống tiền xây bể nuôi cá ở nơi non cao này.

Trang trại cá tầm, cá hồi của Dũng chót vót trên đỉnh núi, các trung tâm xã hơn 10km. Chỉ cách đây vài năm, trong bản chẳng ai nghĩ sẽ có người đến đây chơi chứ chưa nói gì đến mua cá hay ngắm cảnh. Vậy mà Dũng dám làm, năm 2020, với vốn liếng gần tỷ đồng, một trang trại cá hồi quy mô đã hình thành.

Trại cá có hơn 10 bể, Dũng nuôi từ cá nhỏ đến cá thương phẩm, cứ lứa này gối lứa sau, mùa nào cũng có cá để bán.

Anh Đặng Hành Dũng với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Anh Đặng Hành Dũng với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi. Ảnh: Ngọc Tú. 

“Lúc mới làm cũng trăn trở vì mình không có kiến thức, kỹ thuật, phải vừa làm vừa học hỏi. Nhưng ở đây điều kiện tự nhiên rất phù hợp, nguồn nước trên núi cao lúc nào cũng mát lạnh nên rất tốt để nuôi cá tầm, cá hồi”, Dũng chia sẻ.

Sau một thời gian mày mò, đến nay mô hình nuôi cá tầm, cá hồi của Dũng phát triển tốt, quy mô ngày càng mở rộng.

Dũng cho biết, nuôi cá tầm, cá hồi sau khoảng 18 tháng là bán được, hiện cá tầm có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, cá hồi khoảng 450.000 đồng/kg. Lúc nào trong bể của trang trại cũng có khoảng 3 tạ đến 5 tạ cá để phục vụ khách hàng.

“Lúc đầu mình lo cá không bán được, nhưng bây giờ không có đủ cá mà bán, nhiều người họ lên tận đây để mua. Từ đó, mình nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nên đã xây dựng thêm cơ sở ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, check in cho khách”, Dũng cho biết thêm.

Du khách đến trải nghiệm mô hình nuôi cá tầm, cá hồi ở thôn Phiêng Phàng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Du khách đến trải nghiệm mô hình nuôi cá tầm, cá hồi ở thôn Phiêng Phàng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thành công từ mô hình nuôi cá tầm, cá hồi kết hợp du lịch trải nghiệm của anh Đặng Hành Dũng, giờ đây trên đỉnh Pù Lầu đã có thêm những trại cá khác mọc lên.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Ở trên đỉnh núi, khí hậu khắc nghiệt, nhưng tạo hóa cũng ban tặng cho người dân Phiêng Phàng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ như bức tranh thủy mặc.

Phiêng Phàng có thác nước cao dựng đứng tuôn trào quanh năm, nơi đây cũng có những rừng trúc đẹp tuyệt mỹ như trong những bộ phim kiếm hiệp.

Đến Phiêng Phàng vào tầm tháng 11 hàng năm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang chín rộ uốn lượn quanh những dòng suối trong xanh.

Những thửa ruộng bậc thang đẹp như trong tranh là điều kiện tốt để phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Tú.

Những thửa ruộng bậc thang đẹp như trong tranh là điều kiện tốt để phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Tú.

Tất cả tạo ra cho Phiêng Phàng những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Bà Triệu Thị Mản, Bí thư chi bộ thôn Phiêng Phàng cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây cùng với định hướng của chính quyền, bà con trong bản đã chú trọng phát triển du lịch. Một số hộ trong thôn sửa chữa nhà cửa, xây dựng những địa điểm chụp ảnh cho du khách. Những ngày cuối tuần có hàng trăm du khách gần xa lên đây để tận hưởng không khí trong lành, hòa mình vào văn hóa bản địa và thưởng thức ẩm thực độc đáo.

“Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thì chưa đủ hấp dẫn, mà thôn chúng tôi chú trọng giữ gìn, quảng bá văn hóa độc đáo của cộng đồng người Dao đến với du khách. Đến đây du khách có thể tìm hiểu về trang phục, nếp sống, hay ẩm thực của chúng tôi”, bà Mản chia sẻ.

Một điểm nhấn khác trong chuyến du lịch đến Phiêng Phàng của du khách là khám phá những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nếp Tài ngút tầm mắt.

Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm góp phần tăng thu nhập cho người dân thôn Phiêng Phàng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm góp phần tăng thu nhập cho người dân thôn Phiêng Phàng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nếp Tài là một giống lúa bản địa với hạt dẻo mềm, hương thơm đặc trưng, người dân nơi đây đã khéo léo tạo ra những thửa ruộng nếp tài nhấp nhô, uốn lượn như những dải lụa quanh chân núi.  

Không chỉ phục vụ du lịch, lúa nếp Tài giờ đây đã trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng mang lại thu nhập cao cho người dân ở Phiêng Phàng.

Hợp tác xã Yên Dương đã liên kết với những hộ dân ở Phiêng Phàng trồng lúa nếp Tài theo hướng hữu cơ. Sản phẩm lúa nếp Tài cũng là sản phẩm gạo đầu tiên của Bắc Kạn được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Nhờ tham gia liên kết, diện tích trồng nếp tài hữu cơ đã lên đến hơn 30ha, với năng suất đạt từ 35 - 38 tạ/ha, giá bán 14.000 đồng/kg cho hợp tác xã, người dân Phiêng Phàng có nguồn thu nhập ổn định.

Làm nông thôn kiểu mẫu

Để nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới, hiện nay huyện Ba Bể và tỉnh Bắc Kạn đang tập trung đầu tư xây dựng Phiêng Phàng trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, chính quyền đầu tư, người dân hiến đất, một tuyến đường bê tông dài gần chục km xuyên qua những dãy núi đã hình thành.

Ngoài ra những tuyến đường nội thôn, đường đến các điểm du lịch cũng đang dần được đầu tư.

Thôn Phiêng Phàng ngày càng đổi thay. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thôn Phiêng Phàng ngày càng đổi thay. Ảnh: Ngọc Tú. 

Huyện Ba Bể đã xây dựng được tuyến du lịch kết nối du khách khám phá Phiêng Phàng với trải nghiệm những cánh đồng bí xanh thơm trên địa bàn huyện.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh (Hà Nội) đến tham quan, trải nghiệm ở Phiêng Phàng hào hứng cho biết, đến đây được ngắm cảnh đẹp, được tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số rất độc đáo. Hiện nay xu hướng du lịch trải nghiệm đang rất thịnh hành, mình cũng không ngờ ở thôn trên núi cao mà họ cũng làm du lịch rất tốt.

Ông Trung Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, thôn Phiêng Phàng nằm gần tuyến tỉnh lộ đến hồ Ba Bể, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch. Điều quan trọng hiện nay là tiếp tục tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hướng dẫn người dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn.  

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin, chủ trương của tỉnh hiện nay là xây dựng nông thôn mới gắn với thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì quan trọng nhất là nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Riêng đối với thôn Phiêng Phàng có nhiều điều kiện để xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Hiện tỉnh đã có chính sách về phát triển du lịch trong đó có những chính sách để tập huấn, hướng dẫn người nông dân về làm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Phiêng Phàng ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Phiêng Phàng ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trở lại Phiêng Phàng hôm nay, thôn, bản đang ngày càng khang trang, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn như khoác lên mình tấm áo mới. Đó cũng chính là hướng đi, là cách làm để xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất