Ngày 12/12, Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Ngành cao su 2025: Xu hướng giá và cơ hội thị trường toàn cầu trong bối cảnh EUDR" tại TP.HCM, thu hút sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp trong ngành.
Theo đó, năm 2024, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với biến động mạnh mẽ từ các yếu tố địa chính trị, biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển xanh.
Những thay đổi trong chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát và áp lực giảm phát thải carbon đã tạo ra khó khăn cho ngành cao su, vốn gắn bó chặt chẽ với các ngành ô tô, xây dựng và tiêu dùng. Ngành cao su còn đối mặt với thay đổi về nhu cầu tiêu thụ và các tiêu chuẩn kỹ thuật tại các thị trường quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).
Dù vậy, ngành cao su Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển và kiên định với các mục tiêu chiến lược. Dự kiến trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 10,2 tỷ USD, trong đó cao su thiên nhiên đạt 3,1 tỷ USD, sản phẩm cao su chế biến đạt 4,6 tỷ USD và gỗ cao su ước đạt 2,5 tỷ USD. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành vẫn duy trì vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một trong những thách thức lớn của ngành là Quy định không phá rừng của EU (EUDR), yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu, bao gồm cao su, phải chứng minh rõ ràng nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề khó khăn đối với ngành cao su Việt Nam, vốn đang nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào quy trình sản xuất và nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của các thị trường quốc tế, đặc biệt là EU.
Tại hội thảo, giáo sư Adelegan, Tổng thư ký Nhóm nghiên cứu cao su quốc tế (ISG), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính bền vững trong sản xuất. "Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, cần chú trọng nâng cao chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tuân thủ yêu cầu khắt khe của EU. Việc tuân thủ các quy định này sẽ giúp ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững", ông Adelegan cho biết.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, cũng khẳng định ngành cao su Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các giải pháp bảo vệ môi trường, quản lý nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù gặp nhiều thách thức, các chuyên gia cho rằng ngành cao su Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển bền vững. Việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sản phẩm sẽ giúp ngành duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Hội thảo không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm mà còn là bước đi quan trọng giúp ngành cao su Việt Nam đối mặt với thách thức và tận dụng cơ hội phát triển. Những giải pháp và kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng và phát triển bền vững, vững vàng hơn trong cuộc đua phát triển toàn cầu”, ông Hưng nhấn mạnh.