| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum đẩy mạnh sản xuất và kết nối tiêu thụ nông sản

Chủ Nhật 07/11/2021 , 09:46 (GMT+7)

Các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum đã tích cực vào cuộc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kết nôi tiêu thụ nông sản cho người dân.

Giải pháp tiêu thụ cà phê luôn được tỉnh Kon Tum quan tâm hàng đầu. Ảnh: Tuấn Anh.

Giải pháp tiêu thụ cà phê luôn được tỉnh Kon Tum quan tâm hàng đầu. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh chủ yếu tập trung vào việc gieo trồng, nên sản lượng sản xuất hàng hóa nông sản tồn đọng không lớn, chủ yếu là tồn đọng ở mặt hàng cà phê.

Cụ thể, đối với sản phẩm cà phê bột, sản lượng tiêu thụ qua hệ thống các quán cà phê, giải khát, hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, sản lượng bản ra từ đầu năm đến nay giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch nên việc tiêu thụ sản phẩm cà phê nhân thông qua các đơn vị xuất khẩu giảm khoảng 40%.

Tính đến giữa tháng 10/2021, một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện tình trạng tồn đọng nông sản như Công ty TNHH Cà phê Nguyên Huy Hùng còn tổn khoảng 15 tấn cà phê bột, cả phê hòa tan, 150 tấn cà phê nhân; Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Sáu Nhung tồn khoảng 2 tấn sản phẩm cà phê hòa tan, 1 tấn tinh chất cà phê... một số Hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể còn tồn khoảng 30 tấn măng khô, măng muối...

Cà phê chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Ảnh: Đ.L.

Cà phê chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Ảnh: Đ.L.

Theo kế hoạch sản xuất vụ mùa những tháng cuối năm 2021 của tỉnh Kon Tum, tổng diện tích cây trồng đạt khoảng 172.750 ha. Trong đó, cây lúa 16.150 ha (ước sản lượng 57.050 tấn), ngô 4.414 ha (sản lượng 18.645 tấn), sắn 37.639 ha (sản lượng 569.927), cây rau các loại 1.1733 ha (sản lượng 17.455 tấn).  Đối với cây trồng lâu năm có diện tích 112.814 ha, trong đó cà phê 25.500 ha (sản lượng 54.563 tấn), cao su 75.777ha (sản lượng 94.538 tấn), cây ăn quả 6.113 ha (sản lượng 31.000 tấn)...

Hiện tỉnh Kon Tum đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao từ đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang cảm thấy lo lắng cho đầu ra của sản phẩm.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) cho biết, hiện các thành viên trong HTX có khoảng 300 ha cà phê chuẩn bị cho thu hoạch, với năng suất dự kiến đạt khoảng 3-3,5 tấn nhân/ha. Mặc dù giá cà phê đang có chiều hướng tăng, song do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nên việc tiêu thụ của loại nông sản đang gặp không ít khó khăn.

“Trong thời gian tới, HTX sẽ phải đẩy mạnh việc kết nối để tiêu thụ đi các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các tỉnh nằm trong vùng xanh. Ngoài ra, HTX cũng thông qua các kênh của Bộ NN-PTNT để lên phương án xuất khẩu cà phê đi các nước”, ông Sáu thông tin.

Để giải quyết những khó khăn, ngay từ cuối tháng 7/2021, UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập Tổ công tác 650 nhằm chỉ đạo sản xuất và kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.  Theo đó, Tổ đã xây dựng kế hoạch thúc đẩy phát triển sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện dịch Covid-19.

Về sản xuất, Tổ đã yêu cầu các địa phương cần xác định diện tích, sản lượng nông sản, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động trong sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương cũng có phương án chủ động nguồn lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt giai đoạn thu hoạch nông sản. Ngoài ra, các địa phương cần hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng để chủ động triển khai thực hiện và xử lý dứt điểm các loại dịch bệnh đang xảy ra.

Cây ăn trái cũng đang là sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Tuấn Anh.

Cây ăn trái cũng đang là sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Tuấn Anh.

Về kết nối tiêu thụ, Tổ công tác 650 đã có sự liên hệ chặt chẽ với Tổ công tác phía Nam của Bộ NN-PTNT (Tổ công tác 970) thường xuyên thông tin nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là khu vực các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM.

Thông qua mạng xã hội zalo, Tổ công tác 970 của Bộ sẽ thông báo cho Tổ công tác 650 của tỉnh về nhu cầu tiêu thụ của người dân ở các tỉnh phía Nam để đưa nông sản theo nhu cầu vào. Đến thời điểm này đã có hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm của bà con nông dân được tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ kết nối, các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cũng hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký thông tin các sản phẩm cần bán lên trang thông tin của Tổ công tác 970. Đến nay, đã có 9 đơn vị với 29 sản phẩm được đưa lên trang thông tin, giúp việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng, thuận tiện hơn. Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH MM Mega Market về kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.

"Hiện nay giá cà phê trên thế giới đang có chiều hướng tăng. Vì vậy, chuẩn bị cho vụ thu hoạch tới, một mặt ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tham gia các diễn đàn kết nối, tiêu thụ để giới thiệu các sản phẩm, tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu thu mua để giải quyết vấn đề cà phê nhân. Mặt khác, sẽ giới thiệu thông qua các hệ thống cửa hàng bán lẻ để giải quyết vấn đề cà phê bột cho các hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh", ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Kon Tum.

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.