Ngày 30/7, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ký văn bản về việc theo dõi, ứng phó động đất trên địa bàn huyện Kon Plông.
Trược đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra động đất tại huyện Kon Plông khiến nhiều người dân hoang mang, lo sợ. Đặc biệt, trận động lớn nhất có độ lớn 5 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km đã gây rung lắc trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Theo thống kê của UBND huyện Kon Plông, động đất đã gây ra một số thiệt hại về tài sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.
Theo dự báo của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, thời gian tới, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là ở khu vực đông dân cư và các công trình trọng điểm.
Vì vậy, để chủ động ứng phó động đất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu UBND huyện Kon Plông theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất; tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó cũng như thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra động đất.
Đặc biệt, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Công thương tỉnh tăng cường kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn huyện Kon Plông, nếu có những sự cố thì khẩn trương khắc phục để đảm bảo an toàn công trình.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty Thủy điện Đăk Đrinh, Công ty Thủy điện Thiên Tân theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó.
Ngoài ra, các công ty thủy điện phải tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình động đất tương ứng đến mực nước dâng hồ thủy điện do đơn vị quản lý, báo cáo về cơ quan chức năng. Đồng thời, kiểm tra độ an toàn ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường. Trên cơ sở đó, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu khảo sát, nghiên cứu chi tiết về địa chất, kiến tạo và chế độ địa chấn trên địa bàn huyện Kon Plông.
Trước đó, chỉ trong 2 ngày 28 và 29/7, huyện Kon Plông đã xảy ra 45 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,7 độ. Đặc biệt, ngày 28/7, trận động đất có độ lớn 5,0 độ với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 đã khiến nhiều nhà rạn nứt, người dân hoảng sợ.