| Hotline: 0983.970.780

Ký sự biển Đông

Thứ Hai 12/09/2011 , 10:15 (GMT+7)

Gần 1 tháng trời, phóng viên báo NNVN lênh đênh cùng ngư dân trên biển Đông. Rất nhiều câu chuyện hấp dẫn và cả những gian nan giữa muôn trùng sóng gió sẽ được đề cập trong ký sự đặc biệt này.

Gần 1 tháng trời, phóng viên báo NNVN lênh đênh cùng ngư dân trên biển Đông. Rất nhiều câu chuyện hấp dẫn và cả những gian nan giữa muôn trùng sóng gió sẽ được đề cập trong ký sự đặc biệt này. NNVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ra khơi

Trong một buổi làm việc cùng nhau, tôi ngỏ lời với ông Nguyễn Văn Ái, chủ tàu lưới vây rút chì BĐ 94439 TS ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ, Bình Định): "Nếu không phiền, anh cho tôi theo anh em ngư dân ra biển Đông một chuyến”. Cất giọng cười hào sảng, ông Ái nói: "Chỉ sợ ông không chịu nổi sóng gió chứ gia đình tui có đến 4 chiếc tàu. Sẵn sàng".

Chiếc tàu cá “khủng” đưa tôi ra biển Đông

Lênh đênh cùng tàu "khủng"

Y hẹn, tôi có mặt tại bến cảng Hải Đoàn 48 đóng tại Quy Nhơn (Bình Định). Vừa bước lên tàu, ông Ái giới thiệu: “Ông khách này sẽ đi theo tàu mình chuyến này”. Bao nhiêu người có mặt trong tầng giữa lúc đó đều trố mắt nhìn (trong đó có 2 con trai của ông là tài công Nguyễn Minh Vương và thuyền trưởng Nguyễn Công Tý). Tôi chưa kịp đếm có bao nhiêu đôi mắt đang “trố” ra thì ai đó lên tiếng: “Có bị say sóng không đấy ông? Mới ra khơi mà đòi về là bọn tui mất toi chuyến đó, 350 triệu chứ không ít đâu”.

Nghe vậy tôi cũng hơi lo bởi đã bao giờ tôi đi biển xa kiểu này đâu. Có chăng chỉ vài ba chục hải lý đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hoặc đảo Nhơn Châu (Bình Định). Thế nhưng sự háo hức trong tôi đã thắng. Không do dự, tôi mạnh miệng: “Tôi chỉ say khi nốc rượu, sóng biển thì chẳng ăn thua”. Mọi người đều cười. Nhưng cười không phải là dấu hiệu của niềm tin. Tôi hiểu điều ấy khi thấy nhiều đôi mắt đang “soi” vào cái dáng vẻ chẳng mang chút gì là “biển giã” của tôi. Để “thoát” khỏi những đôi mắt nghi ngờ của 19 thuyền viên, tôi theo chân ông Ái đi tham quan con tàu.

Thú thật, trước chuyến đi này tôi đã có ít nhất 1 đêm không ngủ để cân nhắc. Nên. Không nên? Nên thì quá nên, bởi đau đáu gần hết đời người nay mới có dịp ra biển Đông. Lại được theo ngư dân, được tường tận những khổ nhọc trong cuộc mưu sinh của họ trên biển. Không nên, cũng không phải là không có lý. Thời gian vừa qua tàu cá của ngư dân ta thường xuyên bị "tàu lạ" đuổi bắt, sự bất ổn ấy khiến nhiều đồng nghiệp đã lo lắng cho tôi. Mùa này lại là mùa biển động. Ngoài khơi mưa bão bất thường. Nhiều bất trắc rình rập. Cân nhắc mãi, rốt cuộc, tôi đứng về phía biển!

Thế nhưng chút lo trong lòng lập tức tan biến khi tôi tham quan con tàu dài 26m rộng 7m, có tổng công suất 900 CV. Bề thế quá, như 1 ngôi nhà vững chãi. “Đi tàu này thì ông không phải lo gì đâu, nó có thể trụ vững giữa khơi trong gió cấp 10. Chỗ ăn chỗ ngủ tuy không bằng ở nhà nhưng rất “nghiêm”, điện đài đầy đủ cho ông làm việc luôn trên tàu”, ông Ái giới thiệu.

Trong đời làm báo, tôi cũng đã có nhiều cơ duyên với “thuyền và biển”, nhưng chưa bao giờ tôi “chung sống” dài ngày với 1 chiếc tàu cá “khủng” như thế này. Riêng chuyện “ăn” của nó đã rất “hãi”. Mỗi chuyến biển nó “nuốt” đến 16.000 tấn dầu, 3.500 cây đá, 8.000 lít nước ngọt và muôn thứ lương thực, thực phẩm khác dành cho 19 thuyền viên sinh hoạt trong 30 ngày lênh đênh trên biển. Điều kiện sinh hoạt của thuyền viên chẳng thua gì ở nhà. Một cái giường rộng rãi trông như 1 cái sập gụ lớn. Quanh chỗ nằm, mỗi thuyền viên được trang bị 1 cái tủ gỗ có mẫu mã cực đẹp, trông như món hàng nội thất đắt tiền để đựng đồ dùng cá nhân. Với những con người quanh năm suốt tháng dập dềnh giữa trùng khơi thì đây quả là chốn an cư lý tưởng. “Ngày làm mệt, tối lăn lưng ra tấm phản mát rượi, đánh một giấc là sáng mai bao nhiêu mệt nhọc của ngày trước tan biến hết, chúng tôi lại sung sức với công việc ngày mới”, thuyền viên lớn tuổi nhất Nguyễn Văn Tống (50 tuổi) tâm sự.

Nội thất của buồng lái tàu ở tầng trên càng làm tôi mê mẩn. Sau bánh lái là 2 cái giường cũng được làm bằng gỗ xịn, có thiết kế như những chiếc giường ở các khách sạn nhiều sao. Đây là nơi nghỉ ngơi của tài công và thuyền trưởng. Sở dĩ tôi đặc tả vẻ hoành tráng của 2 chiếc giường ở buồng lái 1 cách khoái hoạt là vì trong chuyến biển này, 1 trong 2 cái giường ấy đã được chủ tàu Nguyễn Văn Ái “biên chế” cho tôi làm chỗ ngủ và làm việc trong suốt chuyến biển.

Phía trên chỗ đứng của tài công là những máy móc hiện đại. Tài công Nguyễn Minh Vương (34 tuổi) giải thích: “Đây là ra đa, có nhiệm vụ báo những chướng ngại vật khi còn cách tàu khoảng 40 hải lý. Lái tàu đi trong đêm hoặc giữa cơn mưa không có nó thì kể như mù. Hai máy định vị, 1 cái 2 chiều, cái kia 3 chiều cho mình biết độ sâu lòng biển và các cụm đảo quanh tàu. Có nó không sợ đi lạc, không sợ “lấn sân” sang vùng biển các nước khác. Còn đây là 2 máy icom dùng để liên lạc với các tàu bạn và người nhà, hoạt động cả ngày lẫn đêm...”. Rồi nào là la bàn, máy fax để nhận thông tin thời tiết từ tổng đài Duyên hải tại Đà Nẵng. Thuyền trưởng Nguyễn Công Tý thi vị thêm chuyến đi cho tôi: “Ở tầng giữa có cả giàn máy karaoke 5 số, lúc nào thấy nhớ nhà, bảo anh em nổ máy điện, bật máy “ru” vài bài là vui biển vui trời ngay”.

Kéo neo, ra khơi

Mở biển

Suốt 9 giờ lao động không ngơi tay (từ 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm), 19 thuyền viên trên tàu hoàn thành việc tiếp liệu cho con tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Công Tý phát lệnh nhổ neo.

Mặc dù ai nấy đều mệt nhoài nhưng đêm nay họ phải thay ca lên buồng lái canh tàu hỗ trợ cho tài công. Mỗi ca trực có 2 người, kéo dài 2 giờ đồng hồ. Nhiệm vụ của những người canh tàu là ngồi 2 bên mạn tàu, mắt quan sát 2 bên để phát hiện chướng ngại bổ trợ cho máy móc và tầm nhìn bị hạn chế của tài công. Một nhiệm vụ khác của những người canh tàu là trò chuyện để tài công tỉnh thức trong khi lái tàu. Tôi tình nguyện lên ngồi gần tài công để làm người canh tàu thứ ba trong ca trực đầu tiên. Ngồi bên 1 người “lắm chuyện” như tôi, miệng thường trực những câu hỏi, tôi chắc chưa bao giờ tài công Vương tỉnh táo như vậy.

Để tiết kiệm nhiên liệu, Vương chỉ cho tàu chạy 1 máy. “Vội gì đâu, khi nào vào cuộc đánh bắt tui mới chạy 2 máy”, Vương nói. Với công suất 900 CV, nếu chạy “thả ga” tàu sẽ đạt tốc độ 11,5 hải lý/giờ. Còn hiện tại, với tốc độ 8 hải lý/giờ, con tàu di chuyển chầm chậm trên biển như 1 người ung dung bách bộ. Mùa này ngoài khơi gió nam đang săn, nước thủy triều rất xiết nên tàu chúng tôi không hướng thẳng ra biển Đông mà chạy ven lộng (gần bờ) đến đảo Phú Qúy (Phan Thiết) rồi từ đó mới ra biển Đông.

Ngay sau khi tàu mở biển, thuyền trưởng Nguyễn Công Tý không ngừng lên máy icom liên lạc với tàu bạn, những tàu câu mực xà ở biển Đông. Từ những tàu câu mực xà này, tàu của Vương sẽ có những thông tin chính xác về những luồng cá lớn. Đây là mối liên kết làm ăn trên biển rất hiệu quả và cực kỳ thú vị mà tôi sẽ nói rõ hơn trong bài viết sau.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.