Ký ức về một vị tướng có cốt cách văn nhân

TRÌNH QUANG PHÚ - Thứ Bảy, 03/09/2022 , 06:56 (GMT+7)

Ông thường nói với tôi, mình chỉ có một chữ đa là đa ý kiến. Ông viết những điều ông nghĩ, có lẽ phải một thập niên sau hoặc dài hơn mới phù hợp.

Ở tuổi thanh xuân, chúng tôi thường đọc tùy bút của Trần Độ và thấy như ông tiếp lửa vào mỗi chúng tôi, đọc tùy bút của ông mà lòng cứ muốn ra chiến trường. Đó là “Anh bộ đội và tuổi hai mươi”, đó là “Anh hùng và chân lý” (ông ký bút danh Cửu Long). Những bài ông viết từ miền Nam cứ hừng hực, hừng hực lửa chiến đấu. Càng đọc càng mê ông và quí trọng ông.

image_55415491 (1)

Nhà văn - Trung tướng Trần Độ.

Năm 1968, đi chiến trường Khe Sanh, một hôm bên chiến hào giữa đạn bom như vãi trấu, một chiếc máy bay bà già (loại cánh quạt L19) lượn rải truyền đơn, mấy tờ rơi vào chỗ chiến hào của chúng tôi. Tôi vươn tay lượm mấy tờ, đồng đội la lên: “Xé đi, đồ tâm lý chiến đọc làm gì?". Tôi lướt vội xem chúng nói gì, thì giật mình, một tin làm rúng động tim tôi: “Tướng Trần Độ đã chết”. Chúng chụp ảnh ông trong bộ bà ba đen nằm chết co quắp không rõ mặt và nói rõ: ông chỉ huy trận tổng tiến công tết Mậu Thân vào Sài Gòn và đã bị chúng tiêu diệt.

Trong chiến đấu hy sinh là lẽ thường, nhưng tin này bồi hồi trong chúng tôi, những người lính trẻ tiếc thương một vị tướng tài đã có những bài văn làm rung động và đi vào lòng người. Tuần sau về đến căn cứ hỏi ra mới biết là tin tâm lý chiến của địch. Ông vẫn sống và đang làm Phó Chính ủy quân giải phóng miền Nam.

Khi rời chiến trường trở về đến Hà Nội, lúc đó tôi công tác ở Ban Miền Nam (Ban CP40), tôi được biết tướng Trần Độ vẫn khỏe mạnh và vừa mới từ chiến trường về Hà Nội, ở khu đặc biệt Hồ Tây cùng với đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục và mới được gặp Bác Hồ. Hôm đó đồng chí Lê Toàn Thư - Thủ trưởng Ban miền Nam của chúng tôi lên thăm ông, tôi được tháp tùng. Gặp ông tôi thấy ở ông chất một tướng văn hơn là một tướng võ. Ông nhẹ nhàng, chân chất, giản dị. Tay luôn cầm điếu thuốc và hút liên tục. Tôi kể với ông chuyện chúng tôi được tin ông chết, ông cười: "Chúng nó không giết được chúng ta bằng súng đạn thì phải giết bằng truyền đơn thôi". Im lặng một giây, hút một hơi thuốc ông nói: "Với chúng ta, trong công tác tuyên truyền phải luôn tôn trọng sự thật, không có sự thật sẽ làm mất niềm tin của dân và sẽ phản tuyên truyền".

Bẵng đi một thời gian, tôi có dịp gặp lại ông, khi đó đất nước đã thống nhất, ông là ủy viên Hội đồng nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc Hội và trước đó là Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương. Khi đó tôi giúp việc cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tôi thường gặp ông trong những lần ông đến thăm và làm việc với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Những cuộc trao đổi giữa ông với Luật sư lần nào cũng thú vị. Có lần Luật sư hỏi ông có quan tâm đến dân chủ không? Ông nói: tôi thì cho đây là mấu chốt của cách mạng nhưng nhiều người hiểu dân chủ kiểu khác. Hai người tranh luận cuối cùng họ thống nhất: khi người dân làm chủ thì xã hội mới văn minh, con người mới có hạnh phúc. Cụm từ dân chủ và người dân làm chủ được hai ông bàn qua trao lại nhiều lần.

Có lần sau khi làm việc xong, Trần Độ rủ tôi đi chụp ảnh. Ông cũng là người say mê nhiếp ảnh, máy ảnh luôn bên người. Chúng tôi thân nhau có lẽ có lý do mê nhiếp ảnh, kể cả thư ký của ông, anh Nghiêm Hà cũng là nhà nhiếp ảnh. Và một điều thú vị nữa, ông là nhà văn, một cây tùy bút. Những bài tùy bút của ông đã chinh phục tôi từ tuổi thanh niên. Ông là hội viên vào lớp sáng lập Hội nhà văn Việt Nam nhưng không bao giờ ông tự coi mình là nhà văn. Ông nói rạch ròi với tôi: “Gọi mình là nhà văn nghe nó ngượng lắm, nhà văn thì phải dấn thân suốt đời. Mình chỉ thích viết theo tùy hứng, nói đúng ra là mê văn học, thích đọc và thích viết”.

Sau này khi về hưu và khoảng chục năm cuối đời sức khỏe ông yếu, nhất là chân phải mổ, nhưng ông vẫn thích đi và viết. Tôi có điều kiện gần gũi ông hơn. Ông hay trao đổi và nhờ tôi, Nghiêm Hà, Đỗ Trọng Hội hỗ trợ để ông được đi lại giao du, thăm bạn bè chiến hữu. Có lần ông gọi tôi ra đưa ông vào Thành phố Hồ Chí Minh. Có lần ông đề nghị tôi giúp ông đi tìm người bạn cũ là lính ở chiến trường mất liên lạc, phải qua ba bốn người trung gian và cả ngày mới tìm ra. Họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chúng tôi cũng vui lây với sự đoàn tụ đúng nghĩa của hai chữ đồng đội.

Chúng tôi đưa ông đi Long Hải, Vũng Tàu, đi miền Tây, đi Đà Lạt… Những chuyến đi như vậy ông rất thân tình kể chuyện đời làm tướng cho tôi nghe mà ông vẫn gọi là chuyện đời lính của ông. Trong các hồi ức đó tôi thích nhất là chuyện ông cùng tướng Lê Trọng Tấn là người chỉ huy đầu tiên gặp tướng thua trận Đờ-cát Tơ-ri (De castries) ngay sau khi ta chiếm hầm chỉ huy ở Điện Biên.

Anh kể: “Anh em báo đã bắt được tướng Đờ - Cát. Cấp trên bảo phải xác minh chính xác đúng Đờ - Cát rồi mới báo cáo để công bố. Khi mở màn chiến dịch chúng tớ đã được Bộ Tổng đưa cho một tấm ảnh của Đờ - Cát. Hôm gặp hắn mình thấy hắn vẫn đội cái Ca-lô đỏ mà đã có lần y khích tướng: Đội cái mũ đỏ này để Việt Minh nhận rõ mục tiêu. Mình nhìn cái mũ đỏ của nó mà thấy ghét, mình hỏi nó bằng tiếng Pháp: “Ông có thể lấy cái mũ đỏ của ông ra được không?”. Mình muốn y bỏ mũ để dễ xác định với ảnh chân dung của hắn, nhưng cái ý sâu xa là mình muốn bảo nó hãy bỏ cái ý ngông nghênh của kẻ xâm lược đi. Y gật đầu bỏ vội ca-lô đỏ ra. Mình và anh Tấn so y với tấm hình thì dù có gầy đi nhưng là đúng. Kiểm tra một số yếu tố khác chúng tớ biết chắc chắn đã bắt Đờ - Cát và toàn bộ Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên, liền báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để tuyên bố kết thúc trọn vẹn trận chiến đấu lịch sử Điện Biên Phủ".

Một chuyện thứ hai của ông cũng rất ấn tượng với tôi đó là chuyện ông đi vào Nam. Ông không vượt Trường Sơn như chúng tôi. Thật ly kỳ, theo ông kể, ông cùng tướng Hoàng Cầm bay sang Trung Quốc rồi đi bằng đường thủy như kiểu đường Hồ Chí Minh trên biển Đông. Như vậy là ông lênh đênh trên biển và qua 3 quốc gia, ông đã đi dọc chiều dài trên 3.000 cây số hình chữ S của tổ quốc Việt Nam và đi trên biển Đông. Để rồi sau đó từ Campuchia vào Tây Ninh trở thành Phó Chính ủy quân giải phóng miền Nam. Chuyến đi gian khổ, ly kỳ, hai người phải đóng vai thợ máy và công nhân đốt lò trên một tàu buôn Trung Quốc. Tàu phải vượt qua sự bủa vây của Hạm đội 7 và sự tuần tra của hải quân ngụy Sài Gòn.

Vào tới đất miền Nam, cởi bỏ bộ quần áo nhà buôn Trung Quốc, bỏ cả giày dép, mặc bộ bà ba đen, quấn cái khăn rằn và cưỡi chiếc xe đạp không thắng, không chắn bùn đạp tông tênh giữa rừng gộp nó ngồ ngộ và lâng lâng thế nào ấy. Anh nói với tôi, anh sẽ viết hồi ký… Sau ngày ông mất tôi đọc trong Hồi ký của ông có bài "Trên đường đi B" rất thú vị. Tôi xin trích một đoạn sau đây:

"Tháng 9 năm 1964, ở một Hội nghị Trung ương, đến giờ nghỉ giải lao, anh Nguyễn Chí Thanh kéo tôi ra sân, vỗ vai và bảo:

- Chuẩn bị đi B.

- Chuyến đi này có tớ (tức anh Thanh), có cậu, Tấn và Cầm. Tớ đã chọn mấy tay này cùng đi với tớ.

Anh Thanh có dặn riêng tôi: "Cậu phải kiếm một máy ảnh thật tốt". Tôi liền vào Tổng cục Chính trị xin. Bấy giờ, ai đi B đều được ưu tiên hàng đầu nên các anh ở Cục bán bộ lập tức cho lục kho, lấy và giao cho tôi chiếc máy ảnh Pratika. Thời đó, loại máy này oai lắm.

Còn phương thức đi như thế nào thì tôi cũng không được biết gì hơn là sẽ đi bằng phương thức đặc biệt và bằng con đường đặc biệt. Anh Thanh còn bảo, bốn người sẽ đi làm hai đợt. "Đi bằng phương thức đặc biệt có lẽ là đi bằng con đường hợp pháp, phải đi qua một số đô thị, qua Phnôm Pênh hay Sài Gòn gì đó?" - tôi nghĩ mà lo. Từ 15-16 tuổi đã thoát ly đi làm cách mạng, có tiếp xúc với xã hội nhưng vẫn thấy bản thân còn nhiều sự vụng về, kém cỏi. Tôi hy vọng được đi cùng đợt với anh Tấn, như bấy lâu nay vẫn sống và làm việc cùng anh. Anh lớn hơn tôi hàng chục tuổi, cũng đã vào đời lâu và có kinh nghiệm nhiều hơn tôi. Đùng một cái, vào khoảng tháng Mười thì có thông báo anh Thanh và anh Tấn đi trước. Thế là tôi mất chỗ để dựa. Còn lại tôi và anh Hoàng Cầm đi đợt sau.

Ăn tết xong, vào một buổi tối chúng tôi nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu: đúng 7 giờ sáng mai lên tập trung ở Bộ để đi. Chưa biết đi bằng cách nào, nhưng tôi vẫn chuẩn bị tư trang lên đường. Tôi bỏ hết đồ quân phục lại, mặc thường phục, tay xách chiếc vali nhỏ. Rồi lại phải giúp ông Hoàng Cầm chải chuốt cái đầu "cợp" của ông ấy cho dễ coi. Có lẽ lần đầu tiên ông ấy diện quần áo thành thị.

Lên tới Bộ, hỏi đi như thế nào thì họ bảo là ra sân bay. Tới đây thì tôi yên trí là đi máy bay, rồi có lẽ sẽ bay thẳng sang Phnôm Pênh. Ra tới nơi thì thấy đó là một chuyên cơ, loại máy bay thường, nhưng chỉ thấy hai chúng tôi đi. Các phi công bảo:

- Chúng tôi có nhiệm vụ đưa các đồng chí đến Quảng Châu.

"Sang Trung Quốc sao?" - tôi lại hoang mang không hiểu đường đi thế nào mà lại vòng sang Trung Quốc?

Đến Quảng Châu bạn đón tiếp niềm nở, đưa vào nhà khách ăn uống, nghỉ ngơi. Bấy giờ tôi mới biết tương đối rõ là đi bằng đường biển. Tôi và ông Hoàng Cầm sẽ xuống một tàu biển đi tới cảng Xi-ha-núc-vin ở Tây Nam Campuchia. Trên tàu, chúng tôi đóng giả làm thuỷ thủ. Đó là loại tàu vận tải, chở hàng cho Campuchia. Chúng tôi lại chờ ở Quảng Châu khoảng một tuần lễ, ngày đi thăm thú cảnh vật địa phương, thăm Hoàng Hoa Cương, thăm mộ Phạm Hồng Thái, mộ 72 liệt sĩ, trèo núi, ngắm cảnh...

Hôm xuống tàu, họ dẫn chúng tôi vào phòng của thuỷ thủ, mỗi phòng chừng bốn đến năm mét vuông, có kê hai chiếc giường một, cửa đóng im ỉm suốt ngày. Tàu nhổ neo. Vài ngày sau họ mới dẫn chúng tôi đi xem phần đầu và cuối con tàu. Trên boong tàu đặt mấy khẩu liên thanh phủ bạt kín. Chắc loại 12 ly 7. Họ nói:

- Tàu buôn thì không được mang vũ khí, nhưng lần này có nhiệm vụ chở chúng tôi, nên trang bị thêm, nhưng bất đắc dĩ mới dùng, còn thì phải phủ kín.

Tàu trọng tải ba ngàn tấn, chở hàng gì thì họ không nói. Năm ngày lênh đênh giữa trời biển, hai anh em ngồi đánh tú-lơ-khơ và nói chuyện vui với nhau. Ngày thứ năm thì tàu cập bến. Chúng tôi lại bận quần áo thường phục. Ông thuyền trưởng mời chúng tôi lên khoang chỉ huy ngồi, rồi đóng chặt cửa lại. Ông nói:

- "Các đồng chí cứ ngồi đây, đừng ló ra ngoài, không để lộ gì cả".

- Chúng tôi được mời lên xe.

Xe lao đi, đến lúc đó, chúng tôi mới hiểu: danh nghĩa là cán bộ đại sứ Trung Quốc ra đón hàng, khi lên đến tàu, họ đánh tráo người của họ để đưa chúng tôi đi, còn người của họ thì lưu lại trên tàu. Là ô tô ngoại giao nên không sợ bị kiểm soát, lên xe ngồi là chúng tôi về thẳng Phnôm Pênh".

Trần Độ có biệt tài viết tùy bút. Văn của ông giản dị, nói đúng ra là dung dị, gần gũi với người đọc, cũng rất hình ảnh, rất chi tiết, ông luôn hướng được người đọc về một mục đích tích cực: là yêu nước và cứu nước.

Ông thường nói với tôi, mình chỉ có một chữ đa là đa ý kiến. Vì đa ý kiến nên mình thích viết. Tôi và Nghiêm Hà nhiều lần tranh luận những ý kiến của ông. Ông viết những điều ông nghĩ, có lẽ phải một thập niên sau hoặc dài hơn mới phù hợp. Có lần ông nghe chúng tôi, nhưng nhiều lần ông vẫn giữ ý mình, có chăng là điều chỉnh chút đỉnh. Ông là vị tướng, được phong Trung tướng từ 1974 nhưng ông vẫn đơn giản sống như thời lính. Sau giải phóng, căn phòng ở và làm việc của ông ở 97 Trần Hưng Đạo, ông để một nửa là những kệ sách kê sát nhau như một thư viện thu nhỏ và bên cạnh đó là chiếc võng Trường Sơn. Ông nằm võng và đọc sách. Thấy tôi nhìn thích thú góc sách ấy, ông cười: “Góc Trường Sơn của tớ đấy”. Ông vẫn bình dị. Có lần ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ của Nguyễn Trọng Oánh:

“Anh ngơ ngác giữa cuộc đời thế mãi

Như trăng kia ngơ ngác giữa bầu trời”.

Và ông nói thêm: “Trong cơ chế thị trường này đúng là tớ ngơ ngác”.

image_67217409

Tướng Trần Độ và tướng Lê Trọng Tấn tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Đúng là ông rất ngơ ngác trước những cuộc sống bon chen chạy vạy và bị đồng tiền chen lấn thống trị. Biết vậy tôi và Nghiêm Hà nhất quyết hết lòng hỗ trợ ông, nhất là lúc ông ngã bệnh phải mổ xẻ. Ông thường gọi tôi, có lúc bận chưa kịp đến bị ông hờn dỗi, và viết thư trách móc… tôi vẫn bảo với Nghiêm Hà: “Cái gì làm được cho anh Độ chúng ta cố làm”. Một lần anh Độ hỏi tôi: “Ngôi nhà 97 Trần Hưng Đạo là nhà công vụ, nghe nói Chính phủ có chính sách bán hóa giá, vậy mình phải làm sao để mua hóa giá?”. Ông bảo tôi và Nghiêm Hà tìm hiểu. Về sau ông giao cho tôi mang thư của ông đưa tận tay đồng chí Phan Văn Khải lúc đó là Phó Thủ tướng Thường trực và ông được giải quyết theo nguyện vọng. Thế là ông đã một lần vượt qua cái ngơ ngác đời thường.

Nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam trong lời giới thiệu bộ tác phẩm Trần Độ đã viết: "Bạn đọc có thể hình dung diện mạo tinh thần của tác giả trong một thời gian dài, và trước những dấu mốc lịch sử của dân tộc", và "Biên độ tư duy rất rộng, đề tài phong phú, nhưng tựu trung có hai lĩnh vực được ông quan tâm nhất, đó là chiến tranh nhân dân với công tác chính trị, tư tưởng của quân đội và xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong đó có văn học nghệ thuật", "ông say sưa ca ngợi phẩm chất anh hùng, tình quân dân và tình đồng đội của anh bộ đội cụ Hồ".

Bây giờ thì dù ông có tránh né thế nào thì hiển nhiên ông vẫn là lớp nhà văn lớn của đất nước, lớn về độ dày với thời gian, lớn về số nhiều của tác phẩm và lớn hơn là tư duy, suy nghĩ. Đúng là trong văn của ông có võ, võ và văn của vị tướng.

Sau ngày ông mất, căn nhà được cất lại trang nghiêm, Nghiêm Hà và con trai thứ hai của ông, anh Trần Vinh Quang đã cùng một vài bạn hữu sưu tầm, tập hợp các tác phẩm của ông để xuất bản thành bộ “Trần Độ, tác phẩm”, dù là chưa tập hợp đủ hết, nhưng bộ sách đã dày đến 2.400 trang với 3 tập, rất đồ sộ. Trần Vinh Quang đã mang bộ sách có đóng dấu đỏ “Gia đình tác giả kính tặng” đến tặng tôi. Lần giở từng trang mới thấy sức viết của Trần Độ thật là to lớn. Có trên 1.000 trang là ký, tùy bút và truyện.

TRÌNH QUANG PHÚ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ6

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?10

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.