Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Coca - Thứ Hai, 28/10/2024 , 20:20 (GMT+7)

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Minh họa: Trần Tiến Thành.

Từ đêm qua, trời mới bắt đầu mưa kèm theo không khí lạnh tràn về, mà như mùa đông đã bao phủ cả Hà Nội. Tiết trời se lạnh rất nuông chiều giấc ngủ và là sáng chủ nhật nên càng dung túng cho tôi ngủ nướng. Nhưng, tin nhắn của bác A2 đã khiến tôi tỉnh hẳn ngủ. Bác nhắn rằng ở trong quê Quảng Bình đang mưa rất to và gửi cho tôi hình ảnh ông và mệ (bà). Tôi bật dậy, gọi điện và nhắn tin cho ông mệ và các bác, các chị trong quê để hỏi thăm tình hình ngay. Mệ nói rằng, các bác đã chuẩn bị đồ dùng, thực phẩm thiết yếu cho ông mệ để sống chung với bão lụt rồi. Vừa lo lắng cho ông mệ, tôi lại còn lo cho con chó, rồi mẹ con nhà mèo và cả đàn gà sau vườn, đàn cá koi ở hồ trước sân, mà ông mệ vẫn chăm nuôi, bầu bạn hàng ngày. Rồi cả hai chú rùa nhỏ ông nuôi trước hiên nhà nữa. Không biết những “người bạn” ấy sẽ như thế nào? Mệ bảo, yên tâm, vì con chó con mèo ở đây cũng sống quen với bão lụt rồi.

Buổi chiều, chị Mỹ Tâm chụp ảnh chỗ của chị, đang bị ngập sâu trong mưa lớn, làm tôi hoang mang và nhắn tin hỏi thăm chị, tôi gọi điện cho mệ mà chưa được. Tôi xem lại tin nhắn và mấy bức ảnh mà bác A2 gửi cho tôi. Bác A2 còn bảo, ông dùng trạm phát điện con tặng rồi. Tuy nhiên, nụ cười hiền từ và lạc quan của ông vẫn không làm tôi vơi đi lo lắng.

Cái trạm phát điện nhỏ đó là món quà mà tôi ấp ủ muốn tặng ông mệ để dùng khi mất điện trong mùa bão lụt hằng năm. Khi chuẩn bị được món quà mong ước đó, tôi đã viết những dòng thư chứa đầy sự hồi hộp với nét chữ còn run tay, gửi đến ông mệ.

Ông mệ kính yêu!

Hôm nay, con rất vui khi được gửi món quà đặc biệt cho ông mệ ạ. Chắc là ông mệ đã đọc bài báo “Bão Nay” của con rồi đúng không ạ? Một động lực to lớn giúp con hoàn thiện bài báo nhanh nhất, đó là có tiền nhuận bút để mua tặng ông mệ một chiếc trạm phát điện nhỏ, rất hữu ích dùng trong những ngày bão lụt ạ.

Mệ có thể yên tâm gọi điện và nghe điện của các bác, gọi hỏi thăm mà không sợ hết pin. Vì trạm phát điện này có rất nhiều tính năng tiện ích, dùng vào những ngày có sự cố mất điện, bão lụt. Ngoài ra, chiếc máy khá nhỏ, nên có thể mang theo khi đi cắm trại cùng các bác nữa ông mệ ạ.

Hihi..., đây là lần đầu tiên con tiếp xúc với máy này ạ. Con đã sạc pin đầy đủ rồi, có gì ông mệ cùng các bác khám phá thêm tính năng của chiếc máy này giúp con nhé. Con chúc ông mệ và cả nhà luôn vui tươi, mạnh khỏe ạ”

(Con gửi tặng ông mệ tờ báo có in bài “Bão Nay” của con)

Ký tên: Coca – Mỹ Su – Ngoan xinh yêu của ông mệ ạ!

Tác giả Coca, học sinh Hà Nội 13 tuổi cùng ông và mệ.

Có lẽ, cái trạm phát điện nhỏ này nhà sản xuất đã nghiên cứu và thiết kế riêng cho người dân vùng hay bị lụt. Buổi tối đẹp trời hôm ấy, tôi hăm hở ra ga Hà Nội gửi món quà về Quảng Bình cho ông mệ. Tôi hồi hộp lắm vì biết các bác đã trang bị cho ông mệ rất nhiều thiết bị tiện ích, hiện đại trong sinh hoạt hàng ngày rồi. Không biết món quà này ông mệ có thích không? Nhưng thật nghịch lý, đây là món quà mà tôi mong muốn được tặng, nhưng lại không muốn ông mệ dùng tới. Bởi khi dùng là khi có sự cố mất điện, bão lụt... Tôi chợt nhớ tới trận lụt năm 2020, khi ấy tôi học lớp 3, mệ đã viết bài thơ tặng tôi trong một lá thư hồi âm.

“Quê mệ lụt bão liên miên

Bão trước chưa dứt lại liền lụt sau

Gây nhiều mất mát khổ đau

Nhà cửa tan nát vườn rau không còn...”

Mỗi đợt bão lụt, tôi chẳng biết làm gì ngoài việc viết thư và điện thoại cho ông mệ. Tôi rất cảm động khi về quê thấy ông mệ cất giữ cẩn thận những bức thư của tôi. Có bức thư ông mệ đặt xuống dưới kính của mặt bàn. Mệ bảo, để thư như vậy, để lúc nào cũng đọc được thư của tôi. Mặc dù có những bức thư tôi viết từ hồi tôi học lớp 3, lớp 4 nhưng giấu kín không gửi, nhưng tình cảm của tôi luôn hướng về ông mệ, hướng về quê Lệ Thủy. Những mùa lụt Lệ Thủy cứ nhiều lên theo năm tháng tôi lớn.

Thông tin về người Lệ Thủy bị mất tích trong khi tham gia cứu hộ lũ lụt liên tục được đăng tải trên các báo đài. Các trang facebook của người dân Lệ Thủy được cập nhật từng giờ từng phút về sự ảnh hưởng của cơn bão số 6, gây mưa lớn khiến nước sông Kiến Giang dâng cao, tràn vào sân, vào nhà. Mọi người đã chủ động, khẩn trương ứng phó với lụt.

Suốt buổi tối, điện thoại mệ báo bận liên tục. Chắc là các bác ở xa lo lắng, nên gọi hỏi thăm ông mệ nhiều. Cuối cùng thì tôi cũng gọi được cho mệ. Mệ bảo, bác Thái hướng dẫn ông dùng trạm phát điện rồi, nên không lo mất điện. Năm ni nước to hơn năm 2020, nước ngập bậc thềm rồi, nước lên nhanh lắm... Nhưng mệ bảo yên tâm, ông mệ lên tầng hai, còn đồ đạc tủ lạnh, máy giặt... không kịp kê cao, nước vào ngập thì đành chịu hỏng. Nhưng tôi hiểu tính mệ là mệ vẫn cứ sẽ lo cho đồ đạc bị hỏng mà lọ mọ đem đi cất dọn. Mệ chắt chiu, giữ gìn từng vật dụng nhỏ trong nhà. Mệ sẽ lo cho con chó và mẹ con nhà mèo có chỗ nằm ấm áp. Tôi biết ông sẽ lại nhường đồ ăn cho chúng, như ông vẫn thường làm như vậy trong các bữa ăn hàng ngày. Rồi hồ cá trước sân chắc đã được ông quây lưới xung quanh, để cho đàn cá koi tinh nghịch không lợi dụng nước lụt tràn bờ, mà tranh thủ bơi tung tăng ra sông Kiến Giang. Bác Hiền, bác Dương A4, nhà ở gần ông mệ nhất và thường trực chăm sóc ông mệ. Chắc lúc lụt như thế này thì bác Dương A4 lại càng bận rộn hơn với công việc ở ủy ban huyện Lệ Thủy. Tôi nhắn tin hỏi thăm bác, bác Hiền bảo Lệ Thủy đang mùa lụt, có thuật ngữ gọi là “nước khách”, con biết không? Là nước như khách, đến rồi đi à bác? - Tôi trả lời. Bác bảo đúng vậy, bác đang dọn đồ lên cao, đêm nay chắc sẽ ngập...

Buổi trưa hôm sau đi học về, tôi xem tin tức Quảng Bình với con số thống kê đã lên tới hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tôi gọi điện cho mệ hỏi thăm thì mệ bảo, nước đang lên cao nhưng “không can chi mô”, mọi đồ thiết yếu để chung sống với lụt đã được chuẩn bị hết rồi, ông mệ lên ở tầng hai rồi, nên con cứ yên tâm. Tuy vậy, tôi vẫn có chút lo lắng vì mệ luôn lạc quan để con cháu yên tâm. Khi nghỉ hè về quê với ông mệ là tôi biết rồi, dù mệ có rất mệt, nhưng khi các con gọi điện hỏi thăm là mệ luôn tươi cười và nói những điều vui vẻ, tốt đẹp. Giá như bây giờ tôi có thể về quê, cùng ông mệ vượt qua cơn lũ lụt này thì hay biết mấy. Tôi sẽ phụ mệ nấu ăn, dọn nhà và chăm sóc những pets (thú cưng, vật nuôi) của ông mệ...

Tôi phần nào đã hiểu được nỗi lòng, sự quan tâm, lo lắng của những người con ở xa, nghe tin lũ lụt nơi quê nhà mà không về được. Tôi nhớ đến câu chuyện mùa lụt của cô Lê, cô cũng sinh ra ở vùng quê tỉnh Quảng Bình. Tối hôm qua, tôi đã nhắn tin nói chuyện, hỏi thăm cô. Cô bảo, Lệ Thủy lụt rồi, nhà chị dâu cô cũng ở đó. Còn quê cô ở huyện miền núi Tuyên Hóa, nơi mà năm nào cũng lũ lụt, có năm lụt tới hai, ba lần. Mưa to là lụt. Lụt quen thuộc đến mức đứa trẻ con lên 3, 4 tuổi đã biết soạn lụt, chao bùn khi nước rút. Có năm lụt cao quá, lên đến nóc nhà. Lúc đó, anh trai cô đang đi coi thi ở huyện khác. Em gái cô ở nhà dì út. Mẹ cô gọi điện bảo anh cô, nếu mẹ có bề gì thì chăm sóc em. Còn khi lụt ở nhà đủ bốn người thì mẹ bảo, nếu nhà ngập hết thì lấy dây buộc mấy mẹ con lại, để có bề gì anh cô còn kiếm được cả nhà.

Giờ đây, các anh chị em cô đã trưởng thành, mỗi người sinh sống một nơi. Cô Lê đang công tác tại công an huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Xa Quảng Bình gần 800km, những ngày mưa bão, cô càng nhớ những trận lụt mà tuổi thơ của cô đã trải qua. Cô đứng ngồi không yên, khi giờ đây chỉ còn mẹ cô một mình trong căn nhà lưu giữ kí ức tuổi thơ.

Cô kể lại trận lụt lịch sử năm 1993 ở Quảng Bình. Nhà cô có bốn anh chị em, lúc đó cô 6 tuổi, em gái cô 4 tuổi ở nhà với mẹ. Ba cô dạy cấp ba trên thị trấn, anh trai lên học và cùng ở đấy. Cuối tuần, ba với anh mới đi tàu về nhà một lần. Chị gái cô ở với dì út. Thời đó, đồng lương giáo viên không đủ ăn nên con cái mỗi đứa mỗi nơi. Năm đó lụt to lắm, nước dâng nhanh và ngập tới tận nóc ngôi nhà làm bằng gỗ, mái lá liêu xiêu - tài sản chắt chiu của ba mẹ cô.

“Ở quê mình, ngôi nhà nào cũng sẽ có những chiếc sàn bằng gỗ ở trên nóc nhà, vừa làm nơi trú ẩn của gia đình vừa để kê đồ đạc khi lụt. Ba mẹ con cứ ôm nhau, ngồi trên chiếc sàn gỗ đó mà cầu trời khấn phật cho nước nhanh hạ. Tiếng trống báo động đánh liên tục, trời thì cứ mưa to. Lúc nước gần ngập cái sàn gỗ, mẹ bóc mái nhà ra, kêu cứu. Khắp nơi đều là tiếng kêu cứu, than khóc của những nhà hàng xóm. Lúc đó, có một cái đò nhỏ đi qua, chở thím nhà bên cạnh đi trú nhờ một nhà cao ở đầu làng. Mẹ mình liền gửi hai chị em đi theo. Thím thì có bầu. Trên đò chỉ có chú chèo đò, thím ấy và hai chị em mình. Mẹ chỉ kiếm được hai miếng áo mưa nhỏ, cắt ra, đưa cho hai chị em để khỏi ướt. Con đò lênh đênh trên biển nước, đi qua cả ngọn tre. Hai chị em nhỏ xíu ôm nhau, ngọn tre móc vào áo mưa, kéo hai chị em suýt rớt xuống nước. Bây giờ nghĩ lại, vẫn thảng thốt giật mình. Lúc đó hai chị em rớt xuống thì sao? Rồi nước lụt cuốn trôi nhà thì sao? Mẹ thì sao?".

Nước ngập 1 ngày 1 đêm thì chị em mình cũng nhịn đói từng đó ngày giờ. Nhà người ta, người ta cho trú nhờ, chứ cơm đâu người ta cho mình ăn. Được cho một tí cháo loãng, mình - con bé 6 tuổi cũng biết nhường em ăn. Tối ôm em ngủ để em khỏi lạnh, còn mình thì nằm lạnh run không ngủ được.

May mắn là nước chỉ dâng gần ngập nóc nhà. Mẹ đã phải ngâm mình trong nước suốt một đêm. Sau đó nước rút gần hết, thì ba ở trên trường mới lội nước đi về. Nhà bếp trôi mất, nhà trên xiêu vẹo. Năm đó học trò của ba, mấy anh về đông lắm, cùng thầy dựng lại nhà bếp.

Mẹ thì mặc kệ nhà cửa lao đi kiếm hai chị em. Vào nhà mà mẹ gửi con không thấy con đâu, mẹ vừa chạy vừa khóc. Biết đâu... May thay, có người chỉ ngôi nhà hai chị em đang ở. Mẹ tất tả chạy lên đó, ôm hai chị em khóc nấc. Mẹ nói, biết thế này, mẹ không gửi hai con đi đâu cả. Có thế nào ba mẹ con cũng ở cùng nhau. Đến giờ mình vẫn nhớ câu nói của mẹ “có chết, mấy mẹ con cũng phải ở chung một chỗ”. Lúc đó, mình còn nhỏ không biết sao mẹ lại khóc? Giờ mới hiểu mẹ sợ... Từ đó trở đi, mỗi khi đến mùa mưa lớn, ba đều nghỉ dạy sớm về nhà với mẹ, dọn dẹp nhà cửa. Và cũng từ đó, mỗi khi lụt về, mẹ đều bảo, “nếu có gì thì chúng ta cũng sẽ ở cùng nhau”. Vậy mà giờ còn mình mẹ.

Mỗi năm đến mùa mưa bão, mình lại lo lắng không yên. Thương mẹ vô vàn mà chẳng làm gì được. Đất ông bà ở đó, giờ ba nằm đó. Kêu mẹ đi ở với con cháu, mẹ bảo mẹ không đành lòng, mẹ thương ba! Cầu trời đừng mưa lụt nữa. Bão trên trời, bão trong lòng, chẳng lúc nào yên!”.

Tôi muốn ôm cô Lê một cái thật chặt, để chia sẻ cảm xúc này với cô. Như bây giờ, tôi cũng muốn được về với ông mệ Lệ Thủy.

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý, đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương, cho mọi người.

Coca
Tin khác
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.

GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp
GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.

Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'
Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'

Gã trai xứ Nghệ với bút danh Đinh Nho Tuấn trong tập thơ ‘Năm ngón chưa đặt tên’ đã bày tỏ 'dành cho lúa những lời thứ nhất, dành cho lúa những lời sau cùng’.

Truyện ngắn đặc sắc hắt bóng lên nhịp sống hiện đại ra sao?
Truyện ngắn đặc sắc hắt bóng lên nhịp sống hiện đại ra sao?

‘Truyện ngắn đặc sắc 2024’ vừa được Nhà xuất bản Văn học và SBooks phát hành, khi chưa hết năm 2024, thực sự gây chú ý cho công chúng văn chương.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường suốt đời đau đáu cuộc sống nông thôn
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường suốt đời đau đáu cuộc sống nông thôn

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết 'Mảnh đất lắm người nhiều ma' nổi tiếng, vừa qua đời trưa 2/10 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.