Bắt buộc các chủ xe ô tô phải mở tài khoản tại Ngân hàng, để thuận tiện cho việc xử phạt nguội những lỗi vi phạm luật giao thông của xe do Camera an ninh ghi được.
Ảnh minh họa |
Đề xuất này lập tức gặp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Bởi thứ nhất, tiền được làm ra một cách hợp pháp là tài sản hợp pháp của người dân. Công dân hoàn toàn có quyền sử dụng hoặc không sử dụng những đồng tiền đó vào những mục đích không trái với pháp luật và đạo đức. Quyền đó đã được hiến định. Gửi tiền vào ngân hàng là giao dịch dân sự giữa công dân và ngân hàng. Gửi hay không là quyền của công dân, do người dân quyết định.
Còn cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông là những cơ quan được giao xử lý những phương tiện giao thông vi phạm pháp luật về giao thông. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, hai cơ quan trên có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp được quy định trong luật để xử lý triệt để, không bỏ sót, không làm oan người vi phạm, nhằm mục đích bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong lĩnh vực giao thông, bảo vệ hạ tầng giao thông là cầu cống, đường sá.
Nhưng để tạo thuận lợi cho mình mà bắt buộc người dân có ô tô phải mở tài khoản ở ngân hàng, thì không được. Dù phạt nguội những vi phạm qua camera an ninh là một việc làm hay, hạn chế tiêu cực, giảm bớt lực lượng tuần tra kiểm soát. Nhưng nếu đề xuất này được chấp nhận, trở thành luật, thì Luật Giao thông Đường bộ sẽ vi hiến, sẽ mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự, và hơn thế nữa, còn vi phạm nhân quyền.
Thứ hai, nếu làm thế, thì sẽ tạo ra một sự lãng phí rất lớn. Ngoài những doanh nghiệp kinh doanh vận tải có tài khoản ở ngân hàng, thì trên cả nước ước tính có trên 3 triệu xe ô tô chỉ dùng vào mục đích đi lại, không kinh doanh. Mức phạt cho mỗi lần vi phạm của xe ô tô nhỏ nhất cũng từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng. Có những lỗi, mức phạt lên tới cả chục triệu đồng kèm theo tước bằng lái có thời hạn. Vì vậy, nếu mở tài khoản, thì mỗi tài khoản của chủ xe phải có số dư tối thiểu 2 triệu đồng. Với trên 3 triệu xe, một khoản tiền rất lớn, lên tới trên 6 ngàn tỷ đồng bị “chôn” ở ngân hàng một cách vô lý.
Tốt hơn hết là hãy công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, là một khi phát hiện lỗi qua camera an ninh, nếu gửi giấy báo quá một thời hạn mà chủ xe không đến nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi thông báo nộp phạt đến các trạm đăng kiểm. Đến hạn, chủ xe sẽ chỉ được đăng kiểm sau khi thực hiện đủ nghĩa vụ nộp phạt của mình. Làm thế, mọi chuyện sẽ rất rõ ràng. Cơ quan có thẩm quyền sẽ thu được đủ số tiền nộp phạt. Người phạm lỗi cũng “tâm phục, khẩu phục”, mà lại không vi hiến và không mâu thuẫn với luật khác như đề xuất trên.