Đối với thị trường Hoa Kỳ từ trước đến nay các sản phẩm trái cây Việt Nam nói riêng và trái cây nhiệt đới nói chung vẫn chủ yếu cung cấp cho khách hàng là người Việt, người Trung Quốc, người Châu Á tại Mỹ và gặp nhiều khó trong việc tiếp cận khách hàng bản địa.
Mặc dù vậy, từ những lô xoài, bưởi, sầu riêng… của Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ trong thời gian qua đã giúp chúng ta tạo nên bàn đạp để tiến vào thị trường khó tính này. Có thể số lượng chưa nhiều, chưa đủ để các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán với các đối tác lớn ở Hoa Kỳ nhưng đã góp phần quảng bá rất lớn hình ảnh, chất lượng trái cây Việt Nam, nông sản Việt Nam đến với người Hoa Kỳ.
Đó cũng là cột mốc hết sức quan trọng, bởi chúng ta đều biết thị trường Hoa Kỳ khó tính nhất thế giới, đặc biệt là đối với sản phẩm cây có múi. Người Thái Lan mất rất nhiều năm chưa thể thành công với thị trường này nhưng bây giờ người Việt mình đã làm được. Thành công đó đến từ việc khảo sát thị trường, nắm bắt được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm và xây dựng chiến lược cạnh tranh.
Trước hết nói về chất lượng sản phẩm, người Hoa Kỳ họ đánh giá rất cao chất lượng trái cây Việt Nam. Tôi nhớ năm 2016 khi đại diện của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến làm việc với Chánh Thu, chúng tôi đã giới thiệu với họ về quả bưởi quê hương Bến Tre và tất cả đều khen ngợi. Rồi xoài, sầu riêng và một số sản phẩm trái cây khác của Việt Nam ít nhiều đã gây được tiếng vang ở thị trường Hoa Kỳ. Điển hình như sản phẩm sầu riêng Ri6 đông lạnh của Việt Nam dù mới tiếp cận nhưng hiện đang được đánh giá rất cao tại thị trường Mỹ, nhiều đối tác lớn đặt hàng, tuy nhiên chúng tôi không đủ sản lượng để cung cấp, nhất là vào những chuỗi hệ thống bán lẻ cực lớn như Walmart, Costco Wholesale…
Trước đây đối với thị trường Hoa Kỳ, nhắc đến sầu riêng là họ nghĩ đến Thái Lan, nhưng giờ đây chúng ta đã định vị được sản phẩm “made in Viet Nam”, đó là điều hết sức quan trọng, cho thấy tiềm năng, cơ hội của trái cây Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ là rất lớn, vấn đề chúng ta cần phải xây dựng chiến lược, nhìn nhận rõ ưu điểm, lợi thế và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Năm ngoái, tôi may mắn được tham gia cùng đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đi Hoa Kỳ. Được tham dự những cuộc làm việc với Tập đoàn Walmart để kết nối nông nghiệp Việt Nam với chuỗi đại siêu thị toàn cầu này... Chuyến đi đó và cả những chuyến đi trước nữa đã giúp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và những bài học về thị trường Hoa Kỳ để từ đó xây dựng chiến lược phát triển, hoàn thiện chuỗi sản xuất, chế biến để có thể đưa sản phẩm trái cây Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường này. Ở một góc độ khác, nỗ lực của Chính phủ, Bộ NN-PTNN và các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang mở ra thêm cơ hội mới cho hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng nghĩa với cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó có các sản phẩm trái cây vào thị trường Hoa Kỳ ngày càng rộng mở hơn.
Thực tế đối với trái cây Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể chia thành hai loại sản phẩm chính là sản phẩm trái cây tươi và sản phẩm trái cây đông lạnh. Về sản phẩm trái cây tươi, sau bưởi, xoài tôi cho rằng chúng ta phải xây dựng chiến lược làm sao để cùng nhau có thêm nhiều dòng sản phẩm hơn nữa để tiếp cận, mở rộng thị trường ở Hoa Kỳ, nhất là đối với những dòng sản phẩm lợi thế của Việt Nam chứ không phải chỉ 8-9 sản phẩm như hiện nay. Chúng ta cần xác định mục tiêu chính là tiếp cận, chinh phục người tiêu dùng bản địa.
Thứ hai đối với dòng sản phẩm trái cây đông lạnh, xu thế của thị trường, người tiêu dùng thế giới nói chung và người Hoa Kỳ nói riêng càng ngày họ càng cần những dòng sản phẩm chế biến sâu, sử dụng tiện lợi và bảo quản được lâu. Đó chính là cơ hội của sản phẩm trái cây đông lạnh, sản phẩm trái cây sấy, bánh kẹo làm từ trái cây… Tức là chúng ta phải đa dạng hóa sản phẩm, chế biến những sản phẩm đặc trưng của châu Á thành sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu người Hoa Kỳ. Đồng thời tăng cường vai trò của các cơ quan, cộng động người Việt ở Hoa Kỳ, tăng cường truyền thông, cùng với cộng đồng doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, chất lượng trái cây Việt Nam.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân, tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam có thể ngồi lại với nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ, để hoạch định chiến lược rõ ràng, bài bản, xây dựng chuỗi liên kết bền vững vì mục tiêu chung. Bởi với thị trường Hoa Kỳ cần phải nhìn nhận chúng ta đang có thị phần không quá lớn, doanh nghiệp không quá nhiều cho nên phải cùng nhau xây dựng chiến lược để khai thác thị trường, đa dạng hóa sản phẩm ra làm sao để tạo được sự tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường Hoa Kỳ, tạo được lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Chúng ta phải lập tức cải thiện chuỗi liên kết hiện nay. Tôi luôn mong muốn tập hợp được các doanh nghiệp khác để cùng nhau làm điều này. Bởi vì khi chúng ta bước vào được những chuỗi hệ thống bán lẻ của các tập đoàn hàng đầu thế giới thì thị trường của chúng ta không phải chỉ riêng nước Hoa Kỳ nữa mà sẽ là thị trường toàn cầu. Những tập đoàn toàn cầu với hệ thống ở nhiều quốc gia sẽ là một thị trường vô cùng rộng lớn, chắc chắn một mình Chánh Thu không thể nào đủ sức làm được.
Chúng ta phải đi cùng nhau để xây dựng niềm tin, đi cùng nhau để xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Đi cùng nhau để khi làm việc với các tập đoàn lớn trên thị trường quốc tế, câu chuyện về nông sản Việt Nam sẽ không còn là của riêng Chánh Thu, Đồng Giao, Nafoods… Sẽ là một tập đoàn đủ lớn có thể đại diện cho Việt Nam, có thể đa dạng hóa rất nhiều sản phẩm, có thể tự tin giới thiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam trên các chuỗi hệ thống mang tầm quốc tế.
Cuối cùng, dù là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc hay các quốc gia khác chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận tất cả đều là thị trường khó tính để hoàn thiện chuỗi liên kết sản phẩm, tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất. Đó là nền tảng để cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường. Nếu chúng ta lệ thuộc vào một thị trường nào đó về lâu dài sẽ có những nguy cơ khó kiểm soát đầu ra sản phẩm, khó kiểm soát ngành hàng.