Năm 2020 là năm nền kinh tế thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Trong quý I/2020, thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng dẫn đến nhiều khó khăn cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của nước ta. Sang quý II/2020, nhờ thị trường phần nào được khơi thông nên ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu vượt khó. Như được tiếp sức, các doanh nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đồng loạt vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa chủ động tổ chức sản xuất.
Nhờ đó, năm 2020 ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu đạt gần 12,5 tỷ USD, vượt kỳ vọng của Chính phủ và của Bộ NN-PTNT. Không ngoại lệ, trong năm 2020, ngành chế biến lâm sản xuất khẩu của Bình Định cũng đã đạt được kết quả cao nhất trong nhiều năm qua với giá trị kim ngạch đạt 540 triệu USD, tăng 14% so với năm 2019, chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Bước sang năm 2021, từ đầu năm đến nay, mặc dù còn gặp không ít khó khăn do tác động của dịch Covid-19, thế nhưng hoạt động của các doanh nghiệp chế biến lâm sản của Bình Định vẫn đạt được những kết quả khả quan. “Năm 2021 tuy tình hình dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, nhưng các doanh nghiệp trong ngành chế biến lâm sản xuất khẩu ở Bình Định đã tìm được phương thức phù hợp để thích ứng, vươn lên”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Công Thương Bình Định, 2 tháng đầu năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm đồ gỗ toàn tỉnh này đạt 69,5 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả mà các doanh nghiệp ngành lâm sản Bình Định đạt được trong 2 tháng đầu năm là 1 nỗ lực lớn, là động lực để các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu của tỉnh.
Theo đánh giá của ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, để có kết quả khả quan trong đầu năm mới như đã kể trên, là nhờ các doanh nghiệp trong ngành đồng lòng phấn đấu thực hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 đạt 595 triệu USD, tăng hơn 10% so với năm 2020. Muốn được như vậy, trong năm nay các doanh nghiệp trong ngành phải xây dựng thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định” cho nhóm hàng đồ gỗ ngoài trời và đồ gỗ nội thất, nỗ lực tăng thị phần tại các thị trường truyền thống có nền kinh tế phát triển ổn định, có sức mua mạnh và hiện đã tạm ổn trong công cuộc phòng chống Covid-19.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để ngành gỗ phát triển bền vững, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành phải chủ động nắm bắt lợi thế, đẩy mạnh liên kết và giảm rủi ro trong thương mại. Đầu tiên phải xác định rõ sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bức phá của ngành gỗ. Sản phẩm chiến lược được xác định là tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Còn thị trường chiến lược là Mỹ, thị trường “khổng lồ” của Việt Nam về mặt hàng này. Minh chứng là các sản phẩm chiến lược nói trên của Việt Nam xuất sang Mỹ chiếm đến 90%.
Tiếp tới là các doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm từ gỗ rừng trồng và phát huy hiệu quả chuỗi phát triển lâm nghiệp. Đặc biệt, vùng duyên hải miền Trung có diện tích rừng trồng rất lớn, nhưng lại mất cân bằng giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân đối là do sự bùng nổ của ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Trong khi nguồn nguyên liệu cho dăm có thể đưa vào chế biến, tạo ra các mặt hàng có giá trị cao hơn.
“Theo định hướng của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong năm nay, các doanh nghiệp chế biến lâm sản trong tỉnh sẽ chung tay xây dựng Bình Định trở thành một trong những trung tâm sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí cho thị trường Mỹ, Anh; tăng cường đầu tư các sản phẩm chế biến sâu sau dăm gỗ như ván dăm, ván sợi, viên nén. Đặc biệt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định còn khuyến khích thành viên trong hiệp hội mạnh tay đầu tư trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ quốc tế để có thể xâm nhập các thị trường cao cấp”, ông Lê Minh Thiện chia sẻ.