Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, bao gồm đất đai của bốn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP Hà Nội. Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm trên toàn hệ thống kênh đang lên mức báo động. Việc duy trì dòng chảy trên các trục sông, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái đang là bài toán khó.
Ðể ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải thời gian qua, Đoàn thanh tra Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và lập biên bản xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Mặt khác, thời gian qua, các địa phương đã tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ chất lượng nước; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm nước thải sau xử lý phải đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi xả thải.
Về lâu dài, các tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải cần quyết liệt bắt buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ các bãi chôn lấp, khu xử lý rác thải có lưu lượng xả thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên ra hệ thống Bắc Hưng Hải phải lắp đặt quan trắc tự động.
Theo Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, để khắc phục tình trạng ô nhiễm trước mắt, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) cần phải kiểm soát được lưu lượng, chất lượng nguồn thải xả, xác định được các nguồn gây ô nhiễm chính để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và kiến nghị với các bên liên quan trong việc quản lý, xử lý nguồn thải trước khi xả vào. Về lâu dài cần phải kiểm soát được tổng tải lượng chất thải tối đa được phép xả vào hệ thống thuỷ lợi theo cách tiếp cận thị trường chất lượng nước, kiểm soát cả nguồn thải thuộc diện cấp phép và nguồn thải thuộc diện không phải cấp phép.
Cũng theo Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, kết quả điều tra năm 2016 cho thấy khối lượng nước thải thuộc diện không phải cấp phép xả thải chiếm khoảng 70% tổng lượng nước thải bao gồm nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Đây là các nguồn thải hiện không thể kiểm soát và gần 100% nước thải thuộc loại này không được xử lý trước khi xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải
Việc quản lý nguồn thải thuộc diện không phải cấp phép thuộc trách nhiệm của Bộ tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương thông qua thực hiện Tiêu chí số 17 thuộc Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Mặc dù, chương trình đã thực hiện qua 2 giai đoạn (2011 – 2015 và 2016-2020) nhưng 100% các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM đều chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh. Khoảng 40-60% hộ chăn nuôi có Biogas nhưng công suất không đáp ứng và vận hành không đúng kỹ thuật nên chất thải sau xử lý không đạt yêu cầu. Nước thải trong khu dân cư được thu gom nhưng không được xử lý đều xả ra kênh, mương thủy lợi.
Vì vậy, để giải quyết tình trạng này kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và các ngành liên quan về xử lý nguồn thải phân tán (thuộc diện không phải cấp phép xả thải) trước khi xả vào Bắc Hưng Hải… Và cần bổ sung các qui định về bảo vệ chất lượng nước, kiểm soát nguồn thải xả vào trong công trình thủy lợi vào trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM cấp xã
Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung các qui định kỹ thuật về vận hành hệ thống thủy lợi để giảm thiểu ô nhiễm nước và hạn chế các tác hại do ô nhiễm nước gây ra, tăng cường công tác cấp phép xả nước thải. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong công tác kiểm soát nguồn thải, bảo vệ chất lượng nước trong Bắc Hưng Hải.
Cùng đó, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường kiến nghị cần tăng số điểm quan trắc trong hệ thống và số lần quan trắc theo lich trình vận hành của hệ thống trong cả năm đảm bảo mỗi tháng 01 lần quan trắc (12 lần/năm). Tăng số điểm quan trắc đảm bảo tất cả các kênh chính cả các công trình tiêu nước chính đều có vị trí quan trắc chất lượng nước. Chất lượng nước trong hệ thống diễn biến phức tạp theo thời gian và không gian, phụ thuộc vào các nguồn thải, tình hình thời tiết và việc vận hành các công trình trên hệ thống. Vì vậy, cần phải thường xuyên cập nhật các thông tin về nguồn thải, tình hình vi phạm về xả thải vào Bắc Hưng Hải...