| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp chế biến hạt điều gây ô nhiễm môi trường

Thứ Tư 08/12/2021 , 16:03 (GMT+7)

Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát, chuyên chế biến hạt điều đã có hành vi xả thải ra môi trường vừa bị tỉnh Phú Yên quyết định xử phạt 250 triệu.

Doanh nghiệp nhiều lần bị người dân phản ánh gây ô nhiễm

Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát được Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 4/2/2013.

Ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Phú Yên chấp nhận chủ trương của Công ty này đầu tư dự án cơ sở hạt điều Đại Hưng Phát tại thông báo số 778, quy mô công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm và quyết định chủ trương đầu tư 1658 đối với dự án mở rộng xưởng chế biến hạt điều Đại Hưng Phát.

Cơ sở chế biến hạt điều Đại Hưng Phát gây ô nhiễm môi trường khiến người dân sống xung quanh vô cùng bức xúc. Ảnh: AN.

Cơ sở chế biến hạt điều Đại Hưng Phát gây ô nhiễm môi trường khiến người dân sống xung quanh vô cùng bức xúc. Ảnh: AN.

Theo đó, dự án cơ sở chế biến hạt điều Đại Hưng Phát có tổng diện tích hơn 16.830m2 nằm trên địa bàn thôn Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa.

Năm 2014, Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát được UBND huyện Phú Hòa chấp nhập đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường dự án xưởng chế biến hạt điều, công suất 990 tấn sản phẩm/năm.

Tiếp đến năm 2016, Công ty này được UBND huyện Phú Hòa chấp nhập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường dự án mở rộng xưởng chế biến hạt điều Đại Hưng Phát với sông suất 3.000 tấn sản phẩm/năm, nguyên liệu đầu vào 18.000 tấn hạt điều thô.

Theo người dân ở xã Hòa Quang Bắc, từ khi cơ sở chế biến hạt điều đi vào hoạt động, bà con nhiều lần có đơn phản ánh về việc cơ sở này gây ô nhiễm môi trường về nước thải và khí thải, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân xung quanh.

Sở Tài Nguyên và Môi trường Phú Yên đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra tại Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát.

Thanh tra Sở TN-MT Phú Yên chỉ ra việc Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát tự ý sử dụng vỏ hạt điều chưa ép dầu để đốt lò đã làm phát sinh mùi gắt khó chịu. Ảnh: AN.

Thanh tra Sở TN-MT Phú Yên chỉ ra việc Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát tự ý sử dụng vỏ hạt điều chưa ép dầu để đốt lò đã làm phát sinh mùi gắt khó chịu. Ảnh: AN.

Kết quả cho thấy, nhiều công đoạn của quá trình chế biến hạt điều tại Công ty làm phát sinh mùi đặc trưng và phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là chất thải có chứa thành phần nguy hại. Thế nhưng Công ty đã không chấp hành đúng hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, cũng như không chấp hành đúng pháp luật bảo vệ môi trường (Công ty xây lắp đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường) nên đã xả thải ra môi trường có nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép.

Đáng lưu ý là việc Công ty tự ý sử dụng vỏ hạt điều chưa ép dầu để đốt lò đã làm phát sinh mùi gắt khó chịu, đặc biệt là phát sinh chất thải nguy hại phenol trong nước thải và khí thải. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhân dân khu vực nhà máy nhiều lần có đơn phản ánh gửi đến các cấp, cũng như phản ánh gay gắt gây mất trật tự xã hội tại địa phương. Còn trường học xung quanh nhiều lần phải cho học sinh nghỉ học.

Xử phạt nghiêm, buộc khắc phục hậu quả

Trước hành vi thứ nhất của Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát là xả nước thải có chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải vào hầm bi có vị trí giáp cửa vào phía tây khu vực lò hấp hạt điều gồm các thông số: BOD5 vượt 5,14 lần, TSS vượt 2,5 lần, COD vượt 2,67 lần, tổng phenol vượt 1,75 lần, coliform vượt 1,88 lần, tổng nitơ vượt 1,43 lần, độ màu vượt 1,1 lần.

Công ty TNHH điều Đại Hưng Phát

Công ty TNHH điều Đại Hưng Phát

Hành vi thứ 2 là xả nước thải có chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải vào hầm bi nằm ở khu vực đất trống phía tây sát tường rào trong khuôn viên của nhà máy gồm các thông số: BOD5 vượt 77,83 lần, COD vượt 40,3 lần, coliform vượt 5,2 lần, pH = 4,2, TSS vượt 1,94 lần, tổng P vượt 1,39 lần, độ màu vượt 1,33 lần, tổng dầu mỡ vượt 1,29 lần, H2S vượt 1,19 lần.

Hành vi thứ 3 là vi phạm quy định về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND huyện Phú Hòa phê duyệt, cụ thể công ty lắp đặt đường ống để xả nước thải không qua xử lý từ thiết bị nồi hấp hạt điều và từ bồn chứa nước thải dập bụi của lò hơi ra các hầm bi không chống thấm nằm bên trong khuôn viên của công ty.

Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 250 triệu đồng đối với Công ty TNHH điều Đại Hưng Phát. Đồng thời xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường 1 tháng kể từ ngày Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát nhận được quyết định xử phạt; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường gồm các hầm bi phải được chống thấm và được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Thời gian hoàn thành việc khắc phục và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở TN-MT) chậm nhất đến ngày 30/12/2021.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan

Liên quan sai phạm này, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND huyện Phú Hòa rà soát lại kế hoạch bảo vệ môi trường số 1046/UBND ngày 5/9/2016 theo quy định pháp luật. Hướng dẫn Công ty hoàn thiện để thực hiện xác nhận lại kế hoạch bảo vệ môi trường theo đúng thực tế Công ty đang hoạt động, nhằm đánh giá, dự báo mức độ ô nhiễm môi trường và đưa ra các giải pháp kiểm soát môi trường khí thải, nước thải…Cùng với đó kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham mưu, phê duyệt hồ sơ môi trường của Công ty có những sai sót đã nêu. Cũng như liên quan trách nhiệm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường đối với Công ty. Từ đó dẫn đến Công ty có nhiều hành vi vi phạm trong thời gian dài, nhưng không được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.