Hội thảo không phải quy mô toàn quốc, nhưng đặt ra vấn đề toàn quốc, vì TPHCM là trung tâm văn hóa của cả nước và từ những sân chơi thiếu nhi đã tạo nên những gương mặt ca sĩ nổi tiếng như Hiền Thục, Tóc Tiên, Ngọc Linh, Quang Vinh…
Đời sống âm nhạc đang khan hiếm ca khúc thiếu nhi! |
Trước hết, phải thừa nhận, sau hiện tượng thần đồng ca nhạc Xuân Mai thì hơn một thập niên qua lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi đã chìm xuống một cách đáng ái ngại. Nguyên nhân chính vẫn là sự khan hiếm ca khúc mới dành cho thiếu nhi. Những nhạc sĩ có duyên sáng tác cho thiếu nhi như Phong Nhã, Phạm Tuyên hoặc Trương Quang Lục đều đã lùi dần vào hoàng hôn kiếp người, mà thế hệ thay thế chưa thấy xuất hiện.
Vì sao các nhạc sĩ không mặn mà sáng tác cho thiếu nhi? Vì thù lao rất thấp! Nghe thì cay đắng, nhưng đó là sự thật không thể phủ nhận. Trong cơ chế thị trường, nhạc sĩ phần lớn viết nhạc theo đơn đặt hàng. Các ca sĩ đang ăn khách như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm hoặc Hồ Ngọc Hà sẵn sang trả ngay cho nhạc sĩ hàng chục triệu đồng để sở hữu một ca khúc mới. Còn ca khúc thiếu nhi, không thấy ai đặt hàng! Mặt khác, nếu nhạc sĩ lặng lẽ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, thì biết công bố ở đâu? Hãy nhớ rằng, các sản phẩm cung cấp cho đối tượng nhỏ tuổi đã trở thành một vùng đất hoang vắng, sau khi băng đĩa chào thua sức mạnh internet.
Nhu cầu âm nhạc thiếu nhi có còn không? Vẫn còn, thậm chí nhu cầu rất lớn. Các trường học, từ mầm non cho đến tiểu học và trung học cơ sở đều khao khát có thêm những ca khúc để các em được hát với nhau, được cùng nhau trình diễn trên sân khấu. Và thật đáng buồn, khi mỗi ngày vẫn nhìn thấy các em nhỏ hát những giai điệu não tình hoặc du dương bolero của người lớn.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là một gương mặt sinh ra và lớn lên sau năm 1975, đã có hai ca khúc rất nổi tiếng mà các bậc phụ huynh thường hát với con em mình là “Nhật ký của mẹ” và “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”. Tâm huyết với âm nhạc dành cho thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Để có được sản phẩm Tập sách nhạc 100 ca khúc thiếu nhi, tôi đã bỏ ra 3 năm làm việc cật lực, chịu khó chuyện trò, quan tâm các con, nắm bắt tư duy, suy nghĩ, tâm tình của các con, tự cảm nhận, lắng lại và viết. Sau đó đầu tư vài trăm triệu đồng để thực hiện, tự tổ chức giao lưu và tặng tập sách nhạc đến 60 trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Theo tôi, mỗi nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ trẻ, phải tự ý thức, viết nhạc thiếu nhi là trách nhiệm, để giáo dục âm nhạc cho các con”.
Muốn âm nhạc không bỏ rơi thiếu nhi, cần phải có những đợt vận động sáng tác và có chiến lược đầu tư phổ biến ca khúc thiếu nhi trên các phương tiện truyền thông và hệ thống trường học!