Theo đó, sự kiện quy tụ đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người của 11 tỉnh gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum.
Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với các tỉnh có các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người.
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc diễn ra vào 20h ngày 3/11/2023 tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu hứa hẹn sẽ mang lại bữa tiệc văn hóa độc đáo, đa dạng và hấp dẫn chưa từng có tại Lai Châu.
Một số hoạt động văn hóa khác cũng diễn ra tại sự kiện này hết sức hấp dẫn như: Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thèn (Tuyên Quang), Tết Ngô của Cống (Lai Châu), Lễ cầu mưa dân tộc Lô Lô (Cao Bằng), Lễ đón dâu của dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang)...
Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống, trình diễn nghề thủ công truyền thống, triển lãm đặc trưng văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam; Trưng bày, giới thiệu trang phục truyền thống của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người; tham gia cổ vũ các hoạt động thể dục, thể thao truyền thống với các môn: Kéo co, bắn nỏ và đẩy gậy...
Lai Châu sở hữu 6/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước như Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Khang Su Văn, Pờ Ma Lung với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phủ đầy rêu xanh cùng biển mây trắng bồng bềnh.
Cùng với đó là hệ thống 32 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng tạo ra các điểm du lịch rất có tiềm năng phát triển. Lai Châu còn có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc, con người Lai Châu đôn hậu, thân thiện và mến khách.