| Hotline: 0983.970.780

Giá tăng vọt, bà con vẫn thất thu từ ‘quả xóa nghèo’

Thứ Ba 24/10/2023 , 16:44 (GMT+7)

Giá thảo quả tăng mạnh song do diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng thu hoạch loại quả này không đạt kỳ vọng.

Mất mùa thảo quả khiến cuộc sống của bà con vùng cao khó khăn hơn. Ảnh: Q.C.

Mất mùa thảo quả khiến cuộc sống của bà con vùng cao khó khăn hơn. Ảnh: Q.C.

Nắng nóng, thảo quả mất mùa

Xã Khun Há (huyện Tam Đường, Lai Châu) là địa phương có diện tích lớn trồng thảo quả của tỉnh Lai Châu. Thế nhưng do nắng nóng, khô hạn kéo dài đúng thời điểm thảo quả ra hoa, khiến nhiều diện tích cây trồng bị khô héo. 

Sản lượng thảo quả thu hoạch được trong năm nay giảm sút, khiến bà con vùng cao mất đi khoản thu nhập đáng kể. Mọi dự tính, kỳ vọng vào số tiền từ việc bán thảo quả của bà con tan biến.

Ông Sùng A Di ở bản Ma Sao Phìn Thấp thuộc xã Khun Há, từ hơn chục năm nay, việc trồng thảo quả mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông. Sau thu hoạch, ước tính mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 70-80 triệu đồng từ việc bán thảo quả khô. Số tiền này có thể lo liệu được rất nhiều công việc trong nhà từ việc mua sắm đồ đạc, sửa chữa nhà cửa cũng như để phòng các công việc đột xuất khác.

“Mọi năm trước, không mất mùa, sấy khô xong gia đình thu được 22 bao, năm nay thời tiết nắng quá, hoa và cả cây vừa khô, vừa chết. Gia đình chỉ thu chưa bằng 1/3 năm ngoái, được 6 bao, được gần 21 triệu đồng thôi. Cả năm gia đình chỉ trông chờ vụ thảo quả này thế mà chỉ có được như vậy”, ông Sùng A Di nói. 

Cuộc sống của bà con vùng cao vốn dĩ đã khó khăn nay chồng chất khó khăn vì khoản thu chính sụt giảm mạnh. 

Cũng như một số hộ gia đình khác, gia đình ông Sùng A Giàng ở bản Ma Sao Phìn Thấp đã trồng thảo quả từ lâu. Có nguồn thu ổn định từ loại quả này khiến cuộc sống của ông cũng ổn định hơn. Cùng với việc trồng rau, nuôi con lợn, con gà thì khoản tiền mặt từ việc bán thảo quả giúp cuộc sống dễ thở; có tiền mặt để chi phí sinh hoạt hằng ngày. 

“Mỗi năm có đều có thu từ thảo quả nhưng năm nay hoa thì héo may còn một số diện tích quả vẫn đậu nhưng lưa thưa, vài chùm, không ăn thua. Gia đình đã thu hoạch xong nhưng chỉ được khoảng 3 tạ quả khô. Giá thảo quả có tăng so với năm ngoái nhưng tính ra thất thu 50-60 triệu đồng. Nói chung mất mùa bà con vẫn bị thiệt”, ông Sùng A Giàng nói. 

Giá thu mua tăng chóng mặt

Theo một thương lái thu mua thảo quả, chỉ trong thời gian ngắn giá thảo quả khô đã tăng chóng mặt, gần 3 lần, từ 25 triệu đồng/tấn lên 75-80 triệu đồng/tấn. Thế nhưng 4-5 ngày nay, sau khi có thông tin có thể xuất khẩu thảo quả bằng đường biển, từ cảng Hải Phòng xuất khẩu qua cảng Ngọc Lâm (Trung Quốc), giá loại quả này đã chạm mốc 97-98 triệu đồng mỗi tấn. 

Giá mua thảo quả khô tăng nóng do bà con thu hoạch được rất ít, mất mùa. Song so với trước đây có thời điểm giá thương lái nhập về kho đã là 130 triệu đồng/tấn nhưng không xuất đi được. Trong nước có nhiều chủ buôn vẫn còn tồn hàng nghìn tấn thảo quả.

Theo vị này lý giải, từ ngày có thông tư 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế thì thảo quả được xếp vào danh mục dược liệu nên việc xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc bằng đường bộ gặp nhiều khó khăn. Là dược liệu nên cần nhiều hơn các tiêu chí phải đạt được, ít nhất là phải có mã vùng trồng… mới có thể xuất khẩu.

Trong khi đó, với thời tiết nóng ẩm việc bảo quản thảo quả khô cũng rất khó khăn. Chi phí đảo để tránh mốc rất lớn, nhất là khi để trong kho hàng nghìn tấn. Khi xuất khẩu nếu hàng xấu, mốc bị trả lại thì chỉ vài container cũng khiến doanh nghiệp lao đao. Do vậy, rủi ro của các thương lái cũng rất cao. 

Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã Khun Há có trên 420 ha thảo quả. Mỗi năm xã này thu hoạch trên 100 tấn thảo quả khô, đạt giá trị từ 7-10 tỷ đồng, tùy giá từng thời điểm.

Song do mất mùa nên sản lượng thu hoạch thảo rất thấp. Giá thu mua cao cũng không thể bù lại được sản lượng đã 'mất mát'. Ước tính số tiền thất thu do mất mùa thảo quả của bà con là hàng tỷ đồng. Cuộc sống của những hộ dân ở đây sẽ khó khăn gấp bội bởi họ chỉ trông chờ vào loại quả này.  

Ông Vàng Páo Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Khun Há (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết, ảnh hưởng nắng nóng, khô hạn kéo dài đã khiến hoa màu cũng như cây thảo quả của bà con khô héo, mất mùa, diện tích cho thu hoạch ít hơn mọi năm. Với nhân dân xã Khun Há gặp không ít khó khăn vì có rất nhiều hộ nguồn thu chính là từ thảo quả; công tác xóa đói giảm nghèo của xã cũng sẽ gặp khó khăn nhất định.

Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chăn nuôi, trồng trọt, chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng chè, chanh leo để có nguồn thu nhập đa dạng hơn. 

Được biết, huyện Tam Đường là địa phương có nhiều diện tích trồng thảo quả nhất của tỉnh Lai Châu với 1.530 ha, sản lượng 383 tấn, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Khun Há và Bình Lư.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.