Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số đại lý vật tư nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái,… cho biết, trên thị trường hiện đang bày bán sản phẩm lân nung chảy của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai có bao bì giống y hệt bao bì của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển.
Trong đó, loại bao lân 50kg của Lân nung chảy Lào Cai có nền màu trắng, hai viền xanh chạy dọc hai bên bao giống bao bì của Lân nung chảy Văn Điển như "hai anh em sinh đôi". Hơn nữa, cách viết chữ, màu sắc chữ, kích cỡ chữ, phông chữ trên bao của Lân nung chảy Lào Cai giống Lân nung chảy Văn Điển đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Cụ thể, trên cùng bao bì của Lân nung chảy Lào Cai là dòng chữ màu đỏ ghi: Phân lân Canxi Magiê, phía dưới là dòng chữ màu xanh Phân lân Nung chảy Lào Cai 15%, dưới nữa là TCVN, tiếp đến là số Quyết định công nhận lưu hành phân bón theo đúng thứ tự sắp xếp, màu sắc chữ như sắp xếp của Lân nung chảy Văn Điển.
Để ý kỹ chúng tôi nhận thấy ngay cả Tiêu chuẩn Việt Nam Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai còn ghi sai, đó là TCVN 0178: 1999, trong khi ghi đúng phải là TCVN 1078: 1999 (nay thay bằng TCVN 1078: 2018).
Đặc biệt, chi tiết giống nhất chính là logo Phân lân Nung chảy Lào Cai ở giữa bao phân bón với hình ảnh nhà máy có ống khói được bao quanh bởi vòng tròn tên công ty xen kẽ 2 ngôi sao trùng hợp giống logo nhận diện thương hiệu hàng chục năm qua của Lân nung chảy Văn Điển một cách kỳ lạ?.
Ngay cả cách ghi cách điệu khối lượng tịnh, vị trí ghi và tên công ty địa chỉ ở phía cuối chân bao phân bón của Lân nung chảy Lào Cai cũng giống Lân nung chảy Văn Điển mà bình thường nếu không để ý kỹ chắc chắn nông dân bị sẽ nhầm lẫn.
Không chỉ giống mặt trước, ngay cả mặt sau của bao lân 50kg của Lân nung chảy Lào Cai cũng "photocopy" y hệt cách thức viết tên công thức hóa học, thành phần dinh dưỡng, hàm lượng, cách ghi hướng dẫn sử dụng của Lân nung chảy Văn Điển từng câu, từng chữ.
Điều lạ lùng chúng tôi thắc mắc là tại sao Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai có nhãn hiệu, logo, màu sắc riêng là LAFCO nhưng lại không sử dụng mà lại đi sử dụng một logo giống Lân nung chảy Văn Điển với mục đích để làm gì? Bởi nếu là một doanh nghiệp làm ăn chân chính ai cũng mong muốn có cho riêng mình một thương hiệu, nhãn hiệu uy tín, khác biệt thay vì lập lờ, núp bóng doanh nghiệp cùng ngành khác.
Chúng tôi liên lạc với ông Phạm Văn Khâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai phản ánh về nghi vấn Lân nung chảy Lào Cai nhái bao bì nhãn mác của Lân nung chảy Văn Điển thì ông này cho biết, ông không trực tiếp quản lý lĩnh vực đó nên không biết?. Thật bất ngờ, lãnh đạo một doanh nghiệp mà không biết công ty mình đang kinh doanh mặt hàng gì, bao bì nhãn mác ra sao thì kể cũng lạ?.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, logo, nhãn hiệu của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ. Việc các doanh nghiệp khác nhái logo, bao bì của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển là có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển là doanh nghiệp cổ phần vốn nhà nước chi phối, được thành lập năm 1960, là danh nghiệp sản xuất phân lân nung chảy đầu tiên của Việt Nam và hiện cũng là doanh nghiệp có sản lượng lân nung chảy đứng đầu cả nước đạt 400.000 tấn/năm.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai là doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập vài năm trở lại đây với công suất nhà máy khoảng 100.000 tấn/năm.