| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề Phja Thắp vào mùa

Thứ Bảy 08/08/2020 , 08:17 (GMT+7)

Khi nhắc đến làng nghề làm hương truyền thống của người Nùng ở Cao Bằng ai cũng biết đến làng Phja Thắp tại xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa.

Hương phơi trên đường vào những ngôi nhà sàn truyền thống của người Nùng.

Hương phơi trên đường vào những ngôi nhà sàn truyền thống của người Nùng.

Phja Thắp là một làng du lịch cộng đồng có 50 hộ dân, người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Nùng. Phja Thắp được nhiều người biết đến vì vẻ đẹp nguyên sơ, người dân nơi đây vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân Phja Thắp có thêm nghề làm hương truyền thống từ lâu đời để phục vụ cho nhu cầu của người dân trong tỉnh vào các ngày lễ tết hay những nghi lễ tâm linh.

Dạo quanh một vòng trong làng thấy gia đình nào cũng đang làm hương, từ người già, người trẻ, cho đến các bạn nhỏ ai cũng có thể tham gia vào công việc làm hương. Cũng có lẽ vì nó mộc mạc, đơn sơ, nhưng cũng khá cầu kì nên tất cả mọi thành viên trong gia đình khi nông nhàn, hay các em học sinh khi nghỉ học đều có thể tham gia phụ giúp bố mẹ.

Để làm ra sản phẩm hương hoàn chỉnh phải trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên người dân phải đi tìm mua cây mạy mười, hoặc cây mai, cây tre. Mỗi cây mai hiện nay có giá khoảng 30 nghìn đồng, cây được chẻ bằng tay để làm thân hương có đặc tính dễ bắt lửa mà giá thành rẻ. Lá cây bầu hắt mọc trên rừng tự nhiên được sử dụng để làm chất kết dính, người dân đem về phơi khô rồi tán ra nhỏ.

Bột hương có lẽ là khâu quan trọng nhất vì nó quyết định màu sắc, mùi hương, hay nói cách khác là chất lượng của hương được mua ở các xưởng mộc, gỗ thông mục được nghiền nát để làm chất tạo màu, trầm hương cũng được nghiền nát và phơi khô.

Đến nhà của bạn trẻ Hoàng Văn Giáp năm nay mới 24 tuổi nhưng có kỹ thuật làm hương rất điêu luyện. Giáp nói ngày xưa, các cụ làm hương vất vả vô cùng do chưa có nhiều máy móc hỗ trợ, để có mùn cưa làm bột cho hương phải đập thủ công rất vất vả.

Bây giờ hiện đại hơn, có máy móc, có xe để vận chuyển nguyên liệu, đường đi dễ hơn. Lá cây bầu hắt ngày càng khó kiếm vì cây này mọc tự nhiên mà khai thác nhiều nên lớn không kịp. Cây mai cũng khó mua rồi, vì phải đi tìm tận huyện khác mới mua được.

"Cao điểm là tết cổ truyền và lễ thanh minh, ai cũng cố làm nhiều để bán. Làm hương chăm chỉ mỗi năm có thể thu nhập từ năm mươi đến sáu mươi triệu đồng”, Giáp chia sẻ.

Hương được bán ở các phiên chợ huyện hoặc đi những huyện xa giáp với Hà Giang như Bảo Lâm, Bảo Lạc. Để có thể bán được, đắt khách, chất lượng hương phải tốt, hương có thể châm thử cho khách xem, nếu ưng về giá cả và chất lượng sẽ bán được nhanh.

Hoàng Văn Giáp đang thực hiện công đoạn xếp hương thành bó để chờ mang đi chợ bán.

Hoàng Văn Giáp đang thực hiện công đoạn xếp hương thành bó để chờ mang đi chợ bán.

Hầu hết những ngôi nhà sàn nơi đây đều có sân, dưới sàn là nơi để xe, dụng cụ nông nghiệp và đặc biệt có nơi riêng biệt để làm hương.

Về công đoạn làm hương, Giáp cho biết đầu tiên người ta nhúng từng bó que vào nước tạo độ ẩm, sau đó nhúng vào bột cây bầu hắt để tạo chất kết dính, tiếp đó là nhúng vào bột hương và cứ thế làm lặp lại bốn lần sẽ hình thành những que hương hoàn chỉnh.

Làm hương trông đơn giản nhưng cần quen tay, chỉ cần lỡ tay nhúng nhiều chất kết dính quá hoặc dính nhiều bột quá thì que hương sẽ to không đồng đều hoặc không chắc chắn.

Từng bó hương sau khi tẩm xong được đem ra ngoài đồng phơi, hay phơi ở bất cứ vị trí trống nào. Người dân nơi đây chế tạo thêm những chiếc chân phơi hương bằng bê tông, có hình dạng như chiếc cốc khá nặng để tránh bị đổ hương khi có gió thổi.

Ngoài đồng những mảnh đất mềm đã thu hoạch lúa thì chỉ cần dùng một cây gậy có đầu nhọn chọc xuống nền đất đều thành hàng lối là có thể phơi hương.

Công đoạn làm hương khó nhất, vất vả nhất là tạo hình cho bột dính vào que sao cho đều và chắc.

Công đoạn làm hương khó nhất, vất vả nhất là tạo hình cho bột dính vào que sao cho đều và chắc.

Đến nay, nghề làm hương truyền thống của người Nùng ở Phja Thắp vẫn duy trì và phát triển, đem lại thu nhập cho người dân, cung cấp số lượng lớn hương để phục vụ trong sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Không những vậy, những ngôi nhà sàn truyền thống cũng góp phần thu hút khách du lịch vì cảnh quan vẫn nguyên sơ, làng nghề vẫn truyền thống.

Hương thành phẩm được phơi trên sân chờ ngày chợ phiên.

Hương thành phẩm được phơi trên sân chờ ngày chợ phiên.

(Kiến thức gia đình số 32)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.