| Hotline: 0983.970.780

Làng tôi hôm nay

Thứ Sáu 16/02/2018 , 09:01 (GMT+7)

Là cây viết phóng sự trên báo Văn nghệ những năm đầu Đổi mới. Ông là tác giả “Lời khai của bị can” viết về ông “Vua Lốp”. Ông còn là tác giả của phóng sự về những người nông dân Thổ Tang (Vĩnh Tường) đã “xé rào” để buôn bán khắp nơi..., PV Báo NNVN trò chuyện với nhà văn Trần Huy Quang xung quanh chủ đề nông thôn.

09-45-23_img_4135
Nhà văn Trần Huy Quang


Từ 'Cái đêm hôm ấy đêm gì'

Thưa nhà văn Trần Huy Quang, tôi cũng như nhiều bạn đọc khác luôn nhớ đến ông là cây viết phóng sự trên báo Văn nghệ những năm đầu Đổi mới. Ông là tác giả “Lời khai của bị can” viết về ông “Vua Lốp”. Ông còn là tác giả của phóng sự về những người nông dân Thổ Tang (Vĩnh Tường) đã “xé rào” để buôn bán khắp nơi.

Có thể nói rằng, từ “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (tên tác phẩm của Phùng Gia Lộc) mà nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Nông thôn Việt Nam thay da đổi thịt theo một cách nói hình ảnh. Tuy nhiên, đấy là bề ngoài, còn bên trong, cũng có nhiều nỗi niềm trăn trở đúng không?

Cảm ơn bạn đã nhớ những thiên phóng sự được dư luận chú ý một thời. Bạn ạ, nếu đưa nông thôn ngày nay so với nông thôn thời “Cái đêm hôm ấy đêm gì” thì đúng là một trời một vực, bởi vì nông thôn ngày nay có điện, có ô tô. Mà bóng điện so với ngọn đèn dầu thì ngộ lắm. Cái thời “Cái đêm hôm ấy đêm gì” là thời khủng khiếp. Nhờ có điện mà nông thôn mở ra nhiều ngành nghề, như đô thị, phố xá dài rộng, cửa hàng cửa hiệu sáng choang.

Từ sửa chữa ô tô, hàn xì đến vàng bạc, gội đầu nhuộm tóc, làm móng, quán net… không khác gì thành thị. Như làng tôi, làng Kẻ Mơ bên bờ biển, trước chỉ trồng một vụ lúa, một vụ ngô khoai, khi nào cũng thiếu lương thực, ăn khoai lang trừ bữa. Nay có điện, tưới tiêu được người dân chuyên canh trồng rau, hành bán khắp nơi. Làng có trang web rau sạch, bán buôn cho khách từ Hà Nội cho tới Huế, Đà Nẵng. Trong làng có đến dăm chục cái xe tải, chục cái xe khách, có dăm đại gia và xe con thì gần trăm chiếc. Làng có một bãi tắm, một khách sạn 4 tầng lầu, hai sân bóng đá, một resort.

Tuy nhiên so với ngày xưa, thời của tôi mới lớn lên, tôi có nói chuyện với con cháu thì đứa nào cũng xuýt xoa, ôi thời của ông sướng quá. Sướng quá thì cũng chẳng sướng quá đâu, thanh niên thời đó ăn khoai, mặc áo vá, đi dép cao su, khổ chứ. Nhưng chúng tôi đi học không mất tiền, bị bệnh đi bệnh viện không mất tiền, có đi vào công viên hay xem triển lãm cũng không phải mua vé, không sợ bị bắt cóc, không bị trấn lột. Nếu có tiêu hết tiền, bị đói có người đưa về nhà cho ăn, cho ngủ... Thầy giáo đến thăm học sinh có khoai ăn khoai, có cơm ăn cơm, hết lòng vì học trò, nên mới có hình ảnh “Người thầy đầu tiên” lung linh mãi hết cuộc đời.

Ba tháng hè, những đứa trẻ thời đó, tha hồ đánh khăng, chơi ù, chơi đáo, nhảy dây, chơi ô ăn quan… dưới bóng lũy tre đầu ngõ mà nhà nào cũng có, dưới bóng mát của những cây phượng, cây đa to hai ba người ôm nơi sân chùa sân đình. Hoặc dưới bóng râm nhỏ hơn của cây chay, cây vối, cây bồ kết, cây ngọc lan của nhiều nhà trong xóm. Và dưới tiếng ríu ra ríu rít hoặc lảnh lót cao vút với rất nhiều giai điệu của nhiều đàn chim bao giờ cũng dày đặc trên bờ tre hoặc hàng gạo đang nở hoa dọc theo giếng Thơ, một cái giếng cổ. Một bầu không khí trong lành, rất tự nhiên, một môi trường an lành, thanh thản, không bị đố kị, không phải đua nhau làm giàu bất chấp đạo lí. Nay những thứ ấy không còn, mất đi vĩnh viễn.

Nếu so sánh hai đứa trẻ xưa và nay thì đứa trẻ ngày xưa có phúc lợi xã hội cao hơn ngày nay nhiều.

Ông sinh ra và lớn lên ở “mường nước mặn” ven biển Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chắc hẳn việc dựng chòi viết văn bên bờ biển quê hương cũng khiến ông va đập nhiều với thực tại đời sống người dân nông thôn quê ông nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung. Có khi nào ông thấy bất lực vì ngòi bút của mình đã không diễn tả nổi đời sống thực tại của nông thôn và nông dân?

Những năm ấy tôi cũng đã viết một số truyện ngắn về nông thôn như “Đò ngang”, “Xa nhau”, bối cảnh là nông thôn nhưng để nói chuyện đất và cây, quan hệ đất và cây, không phải người ta thích trồng cây gì thì trồng, nhầm, nếu đất không chấp nhận cây thì cố trồng cũng thoái hóa và tàn lụi. Đất dễ bị dẫm đạp nhưng không phải đất không có sức mạnh.

Hợp tác xã làng tôi tan rã vào loại sớm nhất cả nước. Quá bê bối. Đầu tiên là hợp tác xã mua bán tan. Vốn liếng là của dân, mỗi nhân khẩu góp 5 đồng (bằng 2 triệu thời nay) sau hơn hai năm kinh doanh dưới sự lãnh đạo của xã, còn lại cái lều rách, một đống nợ và cô nhân viên bán hàng đang kềnh càng mang bụng chửa với ông chủ nhiệm già. Sau đó thì đến hợp tác xã nông nghiệp toàn xã từng sắp xếp lại giang sơn, tan. Chủ nhiệm ôm một đống tiền chạy vào Tây Nguyên trốn. Ngày nay dân còn tấm tắc khen: “Ông ấy giỏi lắm, như người thần, ăn hết cả kho thuốc sâu, cả kho phân đạm mà không chết”. Nhiều ông đội “đổi điểm lấy tình” (đi trước thời đại), rải con khắp thôn. Làng tôi một thời hay lắm, bi cũng lắm mà hài cũng nhiều.
 

Đến "giàu thế để làm gi"?

Nếu đã là cố hương, tôi e rằng nông thôn sẽ thiếu mầm sống, tựa như cây xanh vươn cành trên đất dần bạc màu. Tất nhiên “trời sinh voi trời sinh cỏ”, còn nông dân thì “đói đầu gối phải bò”, có điều người viết văn, viết báo liệu rằng có thể bằng ngòi bút của mình để đưa những điều trông thấy thấu đến tai mắt những người làm chính sách không thưa ông?

Câu hỏi này nên gửi cho các nhà hoạch định vĩ mô, nhưng tôi cầm chắc ai nhận được cũng sẽ lúng túng. Nông thôn Việt Nam phát triển theo hướng nào, với diện mạo nào là một vấn đề không phải cảm tính, hiện đại hay hoài cổ, là một hay đa diện, là thuần Việt hay sao chép mô hình của một quốc gia nào gần giống Việt Nam? Chúng ta đã từng thở phào nhẹ nhõm khi nước ngoài bảo trợ cho ta giữ được nguyên vẹn một Đường Lâm, một Hội An với bao giá trị về mọi mặt. Chúng ta đã từng tiếc hùi hụi khi một ngôi chùa cổ bị tàn phá, một ngôi nhà cổ vài trăm năm không còn giữ được nguyên vẹn.

“Làng tôi”. Ảnh: Vũ Đức Phương/ Phongsuanh-vapa/ Tuoitre.vn

Tuy nhiên qui luật của muôn đời là vậy, bãi biển nương dâu, vật đổi sao dời, không bàn tay con người thì cũng bởi thiên nhiên, nhiều nền văn minh đã bị xóa sổ trên trái đất ta đang ở. Làng tôi có đến ba ngôi chùa, một ngôi đền và một đình làng, với đầy đủ lễ hội, cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, không gian tuổi thơ tôi đẹp và trong lành như mộng nhưng nó đã bị tàn phá cách đây hơn bốn chục năm, chỉ còn trong cổ tích. Tức là nó chỉ tồn tại khi nước ta mới chỉ có ba muơi triệu dân. Nay dân ta đã đông lên gấp ba, dĩ nhiên nó phải phá vỡ bức tranh cây đa bến nước mái đình…

Hơn nữa qua nhiều năm thiếu thốn, bằng lòng với cái nghèo, khi dân ta được tiếp xúc với thế giới thì choáng ngợp, ngất ngây với sự giàu sang của thế giới, liền chạy theo tiện nghi, đeo bám những giá trị phù phiếm, xuất hiện một giai tầng trọc phú, loại này vì lợi nhuận và mưu chức tước mà bất chấp.

Muốn có một cái gì đó, số đông và giới quyền lực phải tạo nên một cái ấn tượng về sự giàu có, ít nhất cũng vẻ bên ngoài, dù bên trong người nông dân cảm thấy cuộc đời bấp bênh hơn bao giờ hết. Do vậy mới xuất hiện nhiều thứ chỉ để khoe mẽ: cổng nhà thật cao to, rồi cổng chào ngõ, cổng chào xóm, cổng chào thôn, cổng chào làng, cổng chào xã, cổng chào huyện, cổng chào tỉnh...

Có người bạn của tôi khi chứng kiến đổi thay ở một ngôi làng đã phải thốt lên rằng “giàu thế để làm gì”? Anh ấy đã tỏ ra xót xa khi những giá trị truyền thống bị phá vỡ thay vào đó là toàn bộ một diện mạo mới lạ. Tất nhiên, tôi nghĩ rằng không phải cứ giữ cái truyền thống đã là hay, nhưng hẳn việc gạn đục khơi trong, đảm bảo hài hòa giữa truyền thống và hiện đại kế thừa lẫn nhau vẫn hơn?

Nếu bạn hỏi thì tôi có thể trả lời rằng tôi không thích cái nông thôn mới kiểu ấy, nó giống như khu lao động ở đô thị thời trước, nó cắt đứt với truyền thông, nó đánh mất cái vẻ đẹp làng xã truyền thống, nó a dua kệch cỡm, có tính mục đích gì đó. Làng tôi nay không còn bóng tre, không còn tiếng chim, kể cả những con chim sẻ, là giống chim của làng quê. Thế có thể còn gọi được là nông thôn nữa không?

Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà văn!

Xem thêm
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa làm Chủ tịch Hội văn nghệ Tiền Giang

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vừa đắc cử Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029, trở thành người trẻ nhất cả nước giữ vị trí lãnh đạo văn nghệ địa phương.

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm