Theo lịch sử để lại, nghề tơ tằm ở đây đã có từ xa xưa. Trước kia, làng nghề rất đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Sau này, người Cổ Chất đã du nhập nghề ươm tơ dệt lụa, trải qua nhiều thế kỷ đã trở thành làng nghề tơ Cổ Chất ngày nay. Ảnh: Mai Chiến. |
Tơ Cổ Chất được làm bằng phương pháp thủ công nên rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng. Ảnh: Mai Chiến. |
Có mặt tại một xưởng kéo tơ tư nhân, chúng tôi được biết, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ mất khoảng hơn 30 ngày. Người làng Cổ Chất ươm cả tơ trắng và tơ vàng. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là có thể xuất bán được. Và, được các chủ xưởng đổ cho các làng dệt khăn, màn ở trong và ngoài xã... Ảnh: Mai Chiến. |
Trong những xưởng kéo tơ, các bà, các chị miệt mài làm việc không biết mệt mỏi trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khuấy liên tục nên sợi tơ thi nhau nhả ra. Ảnh: Mai Chiến. |
Ở huyện Trực Ninh, xưởng dệt sản xuất khăn, màn tập trung nhiều ở xã Trực Chính, Phương Định và 1 số xã lân cận. Du khách đặt chân đến vùng đất này, sẽ được hòa mình vào trải nghiệm thực tế, được nghe âm thanh lách cách phát ra từ máy dệt khăn, dệt màn. Ảnh: Mai Chiến. |
Trước đây, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất rất thịnh hành, phát triển nên hầu như nhà nào cũng “bám” nghề này để kiếm tiền, nuôi sống gia đình. Song, hiện nay, do nhiều Cty may mặc, giày da “mọc” lên, đem lại thu nhập cao hơn nghề ươm tơ nên nhiều lớp trẻ không còn bám theo nghề này nữa, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, sức khỏe có hạn thì mới làm. Ảnh: Mai Chiến. |
Theo người dân, nghề ươm tơ đang dần mai một, chỉ còn ít số hộ gia đình còn “bám nghề” như muốn lưu giữ lại cái nghề của cha ông, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa xưa. Ảnh: Mai Chiến. |