| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị của nghề dệt truyền thống

Thứ Hai 18/03/2013 , 15:01 (GMT+7)

Hội thảo trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV được tổ chức trong 3 ngày từ 16-18/3 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Với chủ đề “Truyền thống, đổi mới, kết nối, mở ra bước sáng tạo trong nghề dệt truyền thống ASEAN”, trong 3 ngày từ 16 đến 18/3, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức chương trình Hội thảo trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV.

Tham gia chương trình có gần 400 nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà sản xuất về dệt, thêu, nhuộm đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối thoại như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ... cùng với sự tham gia của 8 tỉnh, thành trong nước. Đây là một hoạt động thiết thực, kịp thời, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đồ vải, phát huy các kỹ thuật dệt, thúc đẩy sự sáng tạo mới trong nghề dệt truyền thống, đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa, kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia trên toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Ngân  (Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam - Phó Ban tổ chức hội thảo) cho biết, hội thảo lần này sẽ giúp cho các nhà quản lý cùng các nhà chuyên môn biết trân trọng những giá trị của văn hóa nói chung và của nghề dệt nói riêng để từ đó nâng cao ý thức trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dệt. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá và giới thiệu các sản phẩm dệt truyền thống tới các nước trên thế giới.

Hội thảo quốc tế về nghề dệt truyền thống khu vực ASEAN được sáng lập và tổ chức đầu tiên bởi Hội dệt truyền thống Himpunan Wastraprema (In-đô-nê-xi-a) tại Thủ đô Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a vào tháng 12/2005. Tiếp đó, Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a lần lượt đăng cai và trở thành chủ nhà của Hội thảo lần thứ II và III (vào tháng 2/2009 và tháng 3/2011). Trong 3 cuộc hội thảo này, các chuyên gia về nghề dệt, các nhà nghiên cứu, sinh viên và các doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận và trao đổi về mục đích ủng hộ các nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt bản xứ, đặc biệt việc duy trì tổ chức các cuộc hội thảo luôn được coi là nền tảng bảo đảm bền vững cho sự tồn tại của nghề dệt truyền thống trong khu vực.

Hội thảo trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV được tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có quy mô lớn với nhiều hoạt động như: Hội thảo khoa học; triển lãm các sản phẩm dệt, thêu, nhuộm từ truyền thống đến đương đại; Trình diễn làng nghề và văn hóa làng nghề Việt Nam; Gala thời trang; Hội chợ trưng bày các sản phẩm nghề dệt may của các nước ASEAN và các nước đối thoại...

Điểm nhấn của chương trình là hội thảo mang hai chủ đề chính là “Từ làng nghề truyền thống đến công nghiệp nhẹ” và “Bảo tồn, phát huy đồ dệt, thêu trong Bảo tàng” diễn ra trong ngày 17/3. Tại đây, các đại biểu đã cùng bàn bạc, thảo luận và đề ra những giải pháp đổi mới trong nghề dệt truyền thống. Đồng thời đưa ra định hướng trong việc đẩy mạnh, phát huy và bảo tồn nghề dệt truyền thống, mở rộng phạm vi hoạt động của Cộng đồng nghệ thuật dệt truyền thống ASEAN (ASEAN - TTAC).

Nhiều tham luận đã được trình bày tại hội thảo như: Di sản của nghề dệt ở Việt Nam - truyền thống, kế thừa và phát triển; Nghiên cứu về hệ thống hoa văn đối xứng trên Sarong Batic của người Ma-lai-xi-a; Từ cải thiện nghề dệt truyền thống đến việc mở ra con đường phát triển nghề dệt tại Cam-pu-chia; Đương đại hoá nghề dệt bản địa để phát triển bền vững của Ấn Độ; Nghề dệt truyền thống của người Thái trắng ở huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình trong bối cảnh hội nhập; Nghề thêu và nghệ thuật thêu ở Việt Nam; Sản phẩm xơ ngô tiên tiến trong dệt vải Songket của Ma-lai-xi-a; Sự phát triển của dệt may Phuthai tại Thái Lan; Nghề dệt thủ công truyền thống của người In-đô-nê-xi-a...

Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản cho rằng tiếp cận và nhận diện nghề dệt may truyền thống và nghề dệt may hiện nay là một vấn đề cơ bản trên cả bình diện kinh tế và văn hoá, truyền thống và hiện đại...liên quan đến tầm văn hoá trong chiến lược phát triển kinh tế của các quốc gia thời mở cửa, hội nhập.

Quan sát nghề dệt may truyền thống và hiện đại chính là quan sát một vấn đề rất cơ bản của con người liên quan đến nhu cầu "mặc" và đồ dùng bằng vải khác của gia đình, cộng đồng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong bối cảnh và sự chuyển đổi một cách toàn diện các yếu tố liên quan đến dệt, may từ "văn minh nông nghiệp" sang "văn minh công nghiệp". Có đại biểu cho rằng trong xã hội hiện đại, nghề dệt may sẽ phát triển không ngừng và kéo theo đó những ngành nghề liên quan khác như công nghiệp thời trang, thẩm mỹ công nghiệp...với sự đa dạng về chất liệu, kỹ thuật, mỹ thuật... Song dù thế nào thì tính sáng tạo của nghề dệt may truyền thống - sản phẩm của văn minh "tiền công nghiệp" ở từng tộc người, quốc gia, khu vực trên thế giới vẫn là một kho vốn kỹ thuật, mỹ thuật vô giá, là hành trang không thể thiếu để bước vào tương lai.

Ông Sulaiman Abudul Ghani (Trưởng đoàn Malaixia) cho biết, đoàn Malaixia mang đến hội thảo những sản phẩm dệt đặc sắc của thủ đô Cua-la-lăm-pơ và những bang khác của Ma-lai-xi-a. Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn lưu giữ và bảo tồn truyền thống nghề dệt cũng như quảng bá hình ảnh đất nước và con người Ma-lai-xi-a thông qua các sản phẩm dệt được giới thiệu ở đây”.

Hội thảo được tổ chức tại Thái Nguyên là một trong những hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá và mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung với bạn bè trong khu vực và quốc tế. Hội thảo cũng là minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em nói chung và nghề dệt, nhuộm, thêu nói riêng.

Đây cũng là một cơ hội tốt để mở rộng mạng lưới hợp tác với các bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, bảo tồn nghề dệt truyền thống trong nước và khu vực, góp phần phát huy di sản văn hóa với các quốc gia ASEAN. Đặc biệt, Hội thảo là dịp để quảng bá giá trị văn hoá đặc sắc của các tộc người Việt Nam, mở ra những cơ hội giao lưu, xúc tiến đầu tư và du lịch, mang lại lợi ích trực tiếp cho các cộng đồng và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần cho việc thúc đẩy thiết lập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.

Nghệ nhân H’Rêya Bdap, dân tộc Êđê ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc cho biết:“Tôirất vui khi được đến tham dự hội thảo, đây là cơ hội để chúng tôi được giao lưu, học hỏi và tiếp cận với các nghề dệt truyền thống của các địa phương và các nước ASEAN”

Đến với chương trình, du khách còn được tìm hiểu về nghề dệt và cách chế tạo trang phục theo từng chủ đề, từng thời kỳ và từng dân tộc như cách làm trang phục bằng vỏ cây, kéo tơ, nhuộm, se lanh, thêu… Bên cạnh đó, du khách còn được tìm hiểu về đồ vải truyền thống, các mẫu vải dệt, cách dệt vải của đồng bào dân tộc Tày - Nùng, cách dệt lanh và in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Mông, dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn, Thái, Mường... Ngoài ra, du khách còn được tham dự các trò chơi dân gian như: múa xòe, sạp của dân tộc Thái; múa rối nước; xay thóc, giã gạo; múa cồng chiêng Tây Nguyên; múa khèn của dân tộc Mông; xách nước qua cầu khỉ; bắt trạch trong chum; đẩy gậy; đánh yến… Thu hút người xem đông nhất là màn trình diễn thời trang của các người mẫu đến từ các nước ASEAN với những bộ sưu tập thể hiện trang phục truyền thống của 10 nước ASEAN, trang phục 54 dân tộc của Việt Nam, trang phục áo dài truyền thống... Mỗi trang phục mang một sắc thái riêng, kiểu dáng riêng, những đều thể hiện những giá trị văn hóa và nhân văn của mỗi tộc người, mỗi quốc gia, tương đồng và thống nhất trong nền văn hóa đa sắc màu ASEAN.

Chương trình khép lại với lễ bế mạc được tổ chức long trọng, đại diện nước chủ nhà Việt Nam đã trao biểu tượng cho đoàn Thái Lan là nước sẽ đăng cai tổ chức “Hội thảo quốc tế nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ V”. Chia tay với bạn bè các nước, ấn tượng về những tình cảm tốt đẹp, tấm lòng nồng ấm của người dân Thái Nguyên sẽ còn đọng lại trong lòng mỗi du khách về mảnh đất Thủ đô kháng chiến tươi đẹp.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.