Gần 2.800 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, kỳ họp đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM đã ban hành tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung thời gian hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm sửa đổi Nghị quyết 13 ngày 9/12/2020 của HĐND TP.HCM về Chương trình Giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
HĐND TP.HCM đã quyết định theo thẩm quyền quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND TP.HCM uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm (theo quy định tại khoản 1, điều 4, Nghị quyết 98 của Quốc hội).
Thông qua việc HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết về điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết về điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương, đã bố trí 2.796 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn.
Lập đoàn giám sát quản lý nhà nước về lao động, việc làm
HĐND TP.HCM thống nhất thông qua chủ trương thành lập đoàn giám sát việc quản lý nhà nước về lao động và việc làm ở TP.HCM giai đoạn 2020-2025. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ làm Trưởng đoàn giám sát, chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của đoàn.
Cụ thể giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025. Cùng với đó giám sát nhiều nội dung ở các lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp, an toàn lao động, hỗ trợ vốn vay và bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Giám sát việc hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện các quy định pháp luật về lao động, tiền lương. Về quản lý chế độ đối với người lao động trong sắp xếp, tổ chức lại và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp cổ phần hóa... cũng như chế độ tiền lương; chính sách ưu đãi đối với lao động nữ, lao động là người khuyết tật.
HĐND TP.HCM cũng sẽ giám sát việc kiểm tra các doanh nghiệp về việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động, tiền lương và kết quả xử lý các doanh nghiệp vi phạm.
Thông qua việc giám sát, HĐND TP.HCM sẽ đánh giá hiệu quả việc quản lý nhà nước về lao động và việc làm giai đoạn 2020-2024 qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI và hiệu quả các giải pháp của thành phố trong lĩnh vực lao động, việc làm sau hai năm phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau hơn 3 năm thực hiện nghị quyết của HĐND TP.HCM về chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 cũng như nghị quyết năm 2022 của HĐND TP.HCM về ban hành chương trình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025.
Đoàn sẽ giám sát UBND TP.HCM, các Sở LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Bảo hiểm xã hội TP.HCM, Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao.
Song song đó, thực hiện giám sát tại UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội TP Thủ Đức và các quận, huyện. Liên đoàn Lao động TP, Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển, Cục Thống kê; một số trường đại học cùng một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cũng theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, HĐND TP.HCM khóa X cũng đã thông qua 38 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực đầu tư công. "Với các nghị quyết đã được thông qua hết sức quan trọng, làm cơ sở để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân TP.HCM năm 2023 và những năm tiếp theo", bà Lệ nói.