Sáng 12/7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua nghị quyết đổi tên xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) thành đường Võ Nguyên Giáp.
Đoạn đường đổi tên từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức với chiều dài là 7,8 km. Đoạn xa lộ Hà Nội còn lại sẽ kéo dài từ ngã tư Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) tới thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Việc đổi tên đoạn xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp nhằm ghi nhận công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đối với vị tướng huyền thoại có công lao lớn với dân tộc.
Như vậy, với việc đổi tên này, sẽ hình thành trục đường xuyên suốt xa lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ tạo sự gắn kết giữa sự kiện lịch sử với nhân vật lịch sử là chiến dịch Điên Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, còn tạo thuận lợi trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ và giúp người dân tra cứu về tên đường, địa danh thuận tiện.
HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM tổ chức triển khai thực hiện và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về mục đích, ý nghĩa của việc đổi tên xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức thành đường Võ Nguyên Giáp để người dân biết đến sâu rộng hơn.
Đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn 8 phường thuộc thành phố Thủ Đức bị ảnh hưởng bởi việc đổi tên đường để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp điều chỉnh, cập nhật các loại giấy tờ có liên quan theo quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất việc gây xáo trộn và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
HĐND TP.HCM cũng giao UBND TP.HCM tổ chức triển khai trên thực địa việc đặt bảng đổi tên xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức trên thành đường Võ Nguyên Giáp và điều chỉnh các bảng giao thông liên quan sau khi nghị quyết này có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2013) quê xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là một lãnh đạo quân sự và chính trị gia và là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xuất thân là một giáo viên dạy lịch sử, ông được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử Việt Nam. Tên ông được đặt cho nhiều tuyến đường, phố và các trường học ở nhiều nơi tại Việt Nam.