Sản phẩm hồ tiêu trưng bày tại VIPO 2018. |
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.
Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu gồm thương nhân, các nhà xuất nhập khẩu, các cơ quan chính phủ, các công ty tài chính, các tổ chức phi chính phủ, các Hiệp hội gia vị… quan tâm tới mặt hàng hồ tiêu đến từ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch VPA, VIPO 2018 giúp các bên gặp gỡ, trao đổi bàn bạc, đối thoại, thảo luận, chia sẻ thông tin và hợp tác trong lĩnh vực hồ tiêu. Nội dung của VIPO 2018 tập trung đánh giá tình hình cung cầu hồ tiêu năm 2018 và triển vọng của ngành Hồ tiêu Việt Nam, xác định những yếu tố có thể tác động tới sản xuất – thương mại hồ tiêu trong năm 2019 và trong tương lai. Hội nghị cũng thông tin về những nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng hồ tiêu của VN trong thời gian qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, VIPO 2018 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt: Chưa có mặt hàng nông sản nào mà tổng diện tích toàn cầu chỉ khoảng 460.000 ha, tổng sản lượng chưa tới nửa triệu tấn; sản xuất tập trung ở 5 nước chiếm 90% diện tích hồ tiêu toàn cầu; đồng thời lại có cả Hiệp hội quốc tế, … đúng ra quản trị phải rất dễ.
Vậy mà, trong 3 năm vừa qua, mặt hàng hồ tiêu lại liên tục rớt giá khiến nông dân và những người tham gia chuỗi đều bị động, rủi ro. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do diện tích và sản lượng hồ tiêu mấy năm qua liên tục tăng nóng, cung – cầu mất cân đối (trong vòng 5 – 7 năm diện tích hồ tiêu tăng gấp 3 lần).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chụp hình cùng các đại biểu tham dự VIPO 2018 |
Vì thế, Bộ trưởng khuyến nghị, để phát triển bền vững, phải quyết liệt tái cơ cấu ngành hàng hồ tiêu. Trước hết phải giảm diện tích hồ tiêu ở những vùng trồng trái với quy luật, năng suất và chất lượng không cao để nhường cho cây trồng khác. Chính phủ VN chủ trương chỉ đạo lấy chất lượng làm tiêu chí phát triển, yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan và bà con nông dân VN phải quyết liệt thực hiện. Từ khâu quản trị, quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến… phải lấy vệ sinh an toàn thực phẩm làm tiêu chí hàng đầu, trong đó cam kết có một phần phát triển tiêu hữu cơ. Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết nông sản hữu cơ, thời gian tới, VN sẽ ban hành Luật nông nghiệp hữu cơ để thấy quyết tâm của VN trong việc giảm thiểu hóa chất trong nông sản.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Hiệp hội hồ tiêu quốc tế, các Hiệp hội gia vị quốc tế, cũng như các nước sản xuất, kinh doanh hồ tiêu nghiên cứu sâu để sản xuất nhiều hơn sản phẩm giá trị cao từ hồ tiêu như: nước hoa, tinh dầu, chế phẩm cho nhiều loại hàng hóa… để tạo giá trị gia tăng đa dạng cho mặt hàng này.
“Nhà nước VN sẽ cùng đồng hành trong chương trình phát triển mặt hàng hồ tiêu phù hợp nhất với thông lệ quốc tế và WTO, làm sao chúng ta cùng xây dựng ngành hàng này phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho người lao động chân chính, lợi ích cho các đối tượng tham gia chuỗi ngành hàng hồ tiêu. Ở quy mô toàn cầu, VN đang chủ động hội nhập, thực hiện đúng các điều ước của hội nhập và sản xuất nông sản VN sẽ tuân thủ đúng các yêu cầu đó”, Bộ trưởng nói.