Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội chùa Bà-cảng thị Nước Mặn được tổ chức tại thôn An Hòa, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định). Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, đông đảo người dân địa phương.
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, với ưu thế 1 mặt là biển Đông, Bình Định sớm mở cửa thông thương, giao lưu văn hóa, kinh tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. cảng thị Nước Mặn ra đời vào đầu thế kỷ 17 là một minh chứng.
Nước Mặn là một cảng thị lớn, sầm uất và rất quan trọng của xứ Đàng Trong. Nơi đây hình thành nhiều dãy phố buôn bán tấp nập với đủ các loại hàng hóa, sản vật từ miền núi đến miền biển. Là nơi tàu thuyền và thương nhân nước ngoài thường xuyên lui tới bang giao, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Một thời, cảng thị Nước Mặn là chốn phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong. Nước Mặn còn là cái nôi của chữ Quốc ngữ.
Từ những năm 1610, khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh thì chùa Bà được khởi dựng. Ban đầu, chùa Bà chỉ là một ngôi miếu đơn sơ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân đến đây tế lễ, tỏ lòng biết ơn Thiên Hậu Thánh Mẫu đã phù hộ cho họ di cư an toàn đến vùng đất mới, đồng thời cầu mong một cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Dần dần, khi đã an cư lạc nghiệp, làm ăn phát đạt, phố cảng Nước Mặn trở nên sầm uất thì một số thương nhân đóng góp tiền của, trùng tu ngôi miếu thêm khang trang, to đẹp hơn. Từ đó tên gọi chùa Bà ra đời để gọi ngôi miếu xưa.
Chùa Bà trở thành tín ngưỡng chung cho cả người Việt lẫn các sắc tộc định cư tại Nước Mặn lúc bấy giờ. Chánh điện chùa Bà có ngai thờ thần Thành Hoàng đặt cạnh ngai thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Khách thập phương lui tới chùa ngày càng đông, theo đó, hình thức tín ngưỡng cũng dần phong phú hơn.
Lễ hội chùa Bà-cảng thị Nước Mặn dần hình thành và được duy trì, lưu truyền cho đến ngày nay. Chùa Bà được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2010.
Lễ hội chùa Bà-cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hàng năm, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch đến ngày 2 tháng Hai âm lịch.
Đến nay, lễ hội đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức phù hợp với thời đại. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như: Lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển buôn bán ăn nên làm ra; cho người dân địa phương có cuộc sống an bình; bảo hộ cho việc sinh sản của các bà mẹ.
Lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như: Người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn; nông dân vỡ ruộng; ngư dân bủa lưới đánh cá; người chăn nuôi gia súc… nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Ngoài ra, phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Theo thời gian, lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, mang tính cộng đồng cao của người dân địa phương.
Lễ hội chùa Bà-cảng thị Nước Mặn được Bộ VH-TT&DL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 4/8/2022. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 4 của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp theo sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật Bài chòi Bình Định.
“Chúng tôi mong bằng sự nỗ lực và trách nhiệm, huyện Tuy Phước cùng với Sở VH-TT Bình Định cùng cộng đồng dân cư tiếp tục phát huy di sản Lễ hội chùa Bà-cảng thị Nước Mặn; tổ chức nhận diện, tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố đã mai một; xây dựng các chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Tạo ấn tượng mạnh mẽ, thu hút du khách đến với Tuy Phước, vùng đất giàu có trầm tích văn hóa”, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.